Nhật, Hàn và Đài Loan có nguy cơ thiệt hại 26 tỷ USD vì Huawei

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Lệnh trừng phạt của Mỹ đẩy Sony, TSMC và MediaTek vào nguy cơ tổn thất doanh thu nặng nề.

Lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào Huawei sẽ có hiệu lực từ ngày mai (15/9) và có khả năng làm tê liệt hoạt động sản xuất tại Huawei Technologies - khách hàng lớn của nhiều nhà cung cấp linh kiện Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, với trị giá đơn hàng vài chục tỷ USD mỗi năm.

Logo Huawei tại hội chợ công nghệ tiêu dùng IFA, Đức. Ảnh: Reuters.
Logo Huawei tại hội chợ công nghệ tiêu dùng IFA, Đức. Ảnh: Reuters.

Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành lệnh cấm các công ty cung cấp cho Huawei mọi chất bán dẫn được sản xuất bằng thiết bị hoặc phần mềm do Mỹ tạo ra. Trong khi đó, các nhà thiết kế chip lại thường sử dụng công cụ tự động hóa thiết kế điện tử có xuất xứ Mỹ; đồng thời, thiết bị sản xuất chip tích hợp công nghệ Mỹ cũng rất phổ biến với các cơ sở chế tạo chất bán dẫn hiện đại.

Lệnh cấm này nhằm ngăn chặn Huawei tiếp cận nguồn cung ứng linh kiện điện thoại thông minh và trạm gốc thông qua bên thứ ba, nhưng chắc chắn, phạm vi ảnh hưởng không chỉ giới hạn trong nội bộ công ty Trung Quốc này. Quý II vừa qua, Huawei đã vượt mặt Samsung, lần đầu tiên dẫn đầu về số lượng điện thoại thông minh xuất xưởng, và là hãng bán trạm gốc di động hàng đầu với thị phần 30%.

Ông Akira Minamikawa, Giám đốc công ty nghiên cứu Omdia của Anh, ước tính tổng giá trị linh kiện các công ty Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc cung cấp cho Huawei mỗi năm là 2,8 nghìn tỷ yên (tương đương 26,4 tỷ USD). Những "mối làm ăn" đó sẽ bị bỏ ngỏ nếu hoạt động sản xuất của Huawei gián đoạn.

Các công ty Nhật Bản vốn cung cấp gần 30% linh kiện của Huawei sẽ chịu thiệt hại lớn nhất. Theo một số nguồn tin, mỗi năm, chỉ riêng Sony đã cung cấp cho hãng Trung Quốc này những bộ cảm biến hình ảnh trên điện thoại thông minh trị giá hàng tỷ đôla Mỹ. Đó là mảng kinh doanh siêu lợi nhuận của Sony.

Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, ước tính thu gọn hơn 5 tỷ USD doanh thu hàng năm từ Huawei. MediaTek, đơn vị thiết kế chất bán dẫn đến từ Đài Loan, cũng bỏ túi gần nửa tỷ mỗi năm nhờ những hợp đồng với Huawei.

Huawei cũng là khách hàng lớn về mảng bộ nhớ của Samsung Electronics.

Chưa dừng lại ở đó, lệnh cấm có thể ảnh hưởng tới nhà cung cấp các thành phần khác như pin và bảng mạch.

Huawei đã gấp rút mua chip do Trung Quốc sản xuất để thay thế và đẩy mạnh hợp tác với Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC) - nhà sản xuất chip lớn được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn. Tuy nhiên, chính quyền Washington sẽ sớm tìm cách cắt đứt "nước đi" này. Truyền thông Mỹ cho biết Bộ Quốc phòng nước này đang cân nhắc đưa SMIC vào danh sách đen thương mại. SMIC, cũng như nhiều nhà sản xuất chip khác, phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ ám chỉ sẽ cho phép vài ngoại lệ với lệnh cấm. Sony và SK Hynix của Hàn Quốc đang xem xét việc xin cấp giấy phép để được cung cấp linh kiện cho Huawei. MediaTek chia sẻ họ đã nộp hồ sơ đăng ký. Song, việc cấp phép "có lẽ sẽ rất khó khăn, trừ những trường hợp đặc biệt." Đó là nhận định của Kana Itabashi, một chuyên gia Nhật Bản về luật thương mại quốc tế.

Một vài nhà cung cấp linh kiện đã bắt đầu tìm kiếm khách hàng thay thế để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất: chấm dứt hoàn toàn mọi giao kết với Huawei.

Japan Display, đơn vị sản xuất màn hình tinh thể lỏng, đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn khác của Trung Quốc như Oppo, Xiaomi và Vivo. Với những đối thủ cạnh tranh này, tình thế khó khăn của Huawei lại là cơ hội để họ tạo sức ép lên nhà cung cấp.

Theo VnExpress