Nhật Bản tập trận và xây dựng thêm lực lượng đối phó Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hôm 22/5, Lục quân Nhật đã tổ chức Cuộc tập trận Fuji thường niên. Nội dung bao gồm xem xét đối phó mối đe dọa của Trung Quốc; ngoài ra chính phủ Nhật cũng dự định thành lập thêm lực lượng tác chiến đảo xa.
Nhật Bản ngày càng thể hiện quyết tâm bảo vệ quần đảo Senkaku (Ảnh: Kyodo).
Nhật Bản ngày càng thể hiện quyết tâm bảo vệ quần đảo Senkaku (Ảnh: Kyodo).

Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 23/5, Diễn tập hỏa lực tổng hợp mang tên Fuji là cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn nhất hàng năm ở Nhật Bản. Cuộc tập trận năm nay kéo dài khoảng 2 giờ, quân đội Nhật đã huy động 45 xe tăng và xe bọc thép, 54 khẩu pháo, khoảng 3.100 binh sĩ tham gia và sử dụng khoảng 43 tấn đạn thật. Trước tình hình căng thẳng ở Biển Hoa Đông, cuộc tập trận này đã tính đến việc phòng thủ các đảo xa ở phía tây nam bao gồm quần đảo Senkaku tranh chấp với Trung Quốc (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư).

Do Thế vận hội mùa Hè Tokyo sắp được tổ chức, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (Lục quân) Nhật quyết định tổ chức tập trận sớm hơn thay vì cuối tháng 8 như dự tính ban đầu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm nay là năm thứ hai liên tiếp các cơ quan chức năng đã không mở cửa cho bên ngoài vào tham quan. Thay vào đó, cuộc diễn tập được đổi thành phát sóng truyền hình trực tiếp; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nobuo Kishi đã đến thị sát hiện trường cuộc diễn tập.

Quân đội Nhật tiến hành diễn tập Fuji hôm 22/5 (Ảnh: AP).

Quân đội Nhật tiến hành diễn tập Fuji hôm 22/5 (Ảnh: AP).

Ngoài ra, cùng ngày 22/5, hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin quan chức chính phủ đưa tin, trước sức ép của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku, chính phủ Nhật có kế hoạch thành lập đơn vị thứ ba khoảng 600 người cho Trung đoàn cơ động thủy bộ của Lực lượng Phòng vệ mặt đất (Lục quân), hoàn thành vào năm 2024. Trung đoàn Cơ động thủy bộ là lực lượng đặc biệt chịu trách nhiệm tái chiếm các đảo xa, nhiệm vụ chính là tiến hành các hoạt động đổ bộ tái chiếm khi các đảo xa bị lực lượng nước ngoài xâm lược và chiếm đóng.

Theo các nguồn tin, chính phủ đang xem xét triển khai đơn vị mới này tại căn cứ Takematsu, thành phố Omura, tỉnh Nagasaki, phối hợp với hai đơn vị hiện có ở thành phố Sasebo, hoặc lên kế hoạch đóng quân thường trực tại căn cứ quân sự của Mỹ ở Benno, tỉnh Okinawa.

Trung đoàn cơ động thủy bộ của Lục quân Nhật diễn tập (Ảnh: Sina).

Trung đoàn cơ động thủy bộ của Lục quân Nhật diễn tập (Ảnh: Sina).

Được biết "Trung đoàn Cơ động thủy bộ" là một đơn vị đổ bộ đường không và đường biển của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (Lục quân) mà Nhật Bản mới xây dựng bổ sung từ năm 2018 theo "Đề cương Kế hoạch Phòng thủ" công bố vào năm 2013. Trung đoàn này theo kế hoạch được triển khai trên đảo Kyushu hoặc các đảo Tây Nam. Nó có nhiệm vụ chuyên thực hiện các hoạt động đổ bộ và chịu trách nhiệm đánh chiếm các đảo xa. Hiện tại, xương sống của "Trung đoàn Cơ động thủy bộ" gồm 2 "Liên đội cơ động thủy bộ" (tương đương với cấp trung đoàn thiếu Lính thủy đánh bộ). Sau khi được bổ sung thêm liên đội thứ ba, Trung đoàn Cơ động thủy bộ của Lục quân Nhật sẽ có 3000 quân được trang bị hiện đại, có khả năng cơ động cao.

Tin tức cho biết, chính phủ Nhật Bản từng lên kế hoạch triển khai và bố trí đơn vị cơ động thủy bộ thứ ba này ở Hokkaido, nơi có điều kiện huấn luyện tốt hơn, nhưng để tăng cường phối hợp với các đơn vị thứ nhất, thứ hai và quân đội Mỹ đóng quân ở Okinawa nhằm đối phó áp lực quân sự của Trung Quốc ở Okinawa và quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư), chính phủ Nhật Bản tạm thời quyết định sẽ triển khai đơn vị thứ ba tại thành phố Omura, tỉnh Nagasaki.

Bản tin của Kyodo cũng cho biết, theo kế hoạch hiện tại, đơn vị thứ ba gọi là "Liên đội cơ động đổ bộ thứ ba" (tên dự kiến) tương đương cấp trung đoàn thiếu có khoảng 600 quân, tương tự quy mô của liên đội thứ nhất và thứ hai, dự kiến hoàn thành việc triển khai vào năm 2024.

Binh sĩ Trung đoàn Cơ động thủy bộ Lục quân Nhật diễn tập cùng quân đội Mỹ (Ảnh: Sina).

Binh sĩ Trung đoàn Cơ động thủy bộ Lục quân Nhật diễn tập cùng quân đội Mỹ (Ảnh: Sina).

Cũng theo Đa Chiều, về vấn đề quần đảo Điếu Ngư, ông Khổng Huyền Hựu (Kong Xuanyou), Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền hãng Kyodo News ngày 18/5 nói rằng, gần đây đã có nhiều cuộc thảo luận ở Nhật Bản về hoạt động của tàu Hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông nói: “Trên thực tế, dựa trên lập trường nhất quán của mình, Trung Quốc đã tiến hành các chuyến tuần tra bình thường trong vùng biển của quần đảo này, nhưng cường độ và phương thức hoạt động không thay đổi đặc biệt và họ luôn giữ thái độ hết sức kiềm chế”. Khổng Huyền Hựu nói: “Một số tàu của phe cánh hữu ở Nhật Bản núp dưới chiêu bài tàu đánh cá liên tục đến vùng biển quần đảo Điếu Ngư để khiêu khích gây rối; xuất phát từ lập trường của mình, Trung Quốc buộc phải có những phản ứng cần thiết, nhưng đây cũng là hành động bình tĩnh, chuyên nghiệp và kiềm chế”.

Ông Khổng Huyền Hựu cho rằng “các vấn đề trên biển rất phức tạp, nhạy cảm và khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn. Điều cốt yếu là cần xuất phát từ đại cục, có cái nhìn đúng đắn về các vấn đề liên quan, xử lý và quản lý đúng đắn những mâu thuẫn và khác biệt có liên quan theo tinh thần nhất trí dựa trên nguyên tắc bốn điểm của thỏa thuận Trung Quốc và Nhật Bản; tránh không để quan hệ hai nước đi chệch hướng. Hiện nay, trước hết phải tăng cường quản lý và kiểm soát rủi ro để ngăn chặn vấn đề trở nên phức tạp hơn. Thứ hai, cần tăng cường giao tiếp, đối thoại, cố gắng xử lý và kiểm soát đúng đắn các vấn đề liên quan, không tuyên truyền thổi phồng, hô hào, thậm chí kích động dư luận xã hội”.