"Triều đại Reiwa đã bắt đầu, và chúng tôi sắp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20. Cũng giống như nhiều hãng truyền thông viết tên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, chúng tôi mong muốn tên của Thủ tướng Shinzo Abe cũng được ghi thành Abe Shinzo" - Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nói trong một cuộc họp báo mới đây.
Hoặc chúng ta có thể ví dụ ngay với tên của vị Ngoại trưởng Nhật là Kono Taro. Trong đó, Kono là họ của gia đình, cũng giống như Abe là họ của Thủ tướng Nhật Bản. Nhà ngoại giao hàng đầu Nhật Bản cho rằng, phần họ nên được đọc/viết trước kể cả trong tiếng Anh lẫn tiếng Nhật. Ông Kono còn lưu ý, tên của Trung Quốc hay Hàn Quốc cũng thường có phần họ đứng trước trong tiếng Anh - ví dụ như trường hợp của Chủ tịch Tập hay Tổng thống Moon.
Tuy nhiên, trên thực tế thì từ trước đến nay bản chuyển tự từ tên tiếng Nhật sang tiếng Anh lại thường đặt phần tên trước phần họ. Truyền thống này được cho là bắt nguồn từ thế kỷ thứ 19, trong giai đoạn mà triều đại Meiji đang nỗ lực cải cách văn hóa đặt tên phức tạp của Nhật Bản - và khuyến khích cả người nước ngoài và người dân trong nước đặt phần họ đứng sau phần tên khi viết bằng tiếng Anh. Đây là nỗ lực nhằm chuẩn hóa tên người Nhật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Nhưng hệ thống này từ lâu đã được sử dụng một cách không nhất quán. Đến năm 1986, Tổ chức Nhật Bản được Chính phủ rót vốn đã quyết định sử dụng định dạng "họ trước, tên sau" trong các văn bản viết bằng tiếng Anh, các văn bản lịch sử và học thuật của họ.
Trong phát biểu mới đây, Ngoại trưởng Kono có đề cập tới một bản báo cáo mà Ủy ban Ngôn ngữ Quốc gia (Bộ Giáo dục Nhật Bản) công bố năm 2000 trong đó khuyến khích sử dụng định dạng viết tên kiểu Nhật như trên. Bản báo cáo trước kia không thể làm thay đổi thói quen của nhiều người, nhưng như ông Kono đã nhấn mạnh, Nhật Bản đã bước vào triều đại mới và đây là lúc để thực sự thay đổi.
Nhật Bản đã có một vị Hoàng đế mới, kéo theo đó là một triều đại mới được đặt tên gồm 2 chữ là "Reiwa", mang ý nghĩa hòa hợp và thịnh vượng. Nhật Bản tới đây sẽ là nước đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quốc tế đáng chú ý, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh G20 trong tháng tới và Thế vận hội Tokyo 2020.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản vào cuối tuần này, và ông sẽ trở thành lãnh đạo thế giới đầu tiên diện kiến tân Nhật hoàng Naruhito. Lãnh đạo Mỹ đã xây dựng được mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Abe, và từng gọi ông thân mật là "Thủ tướng Shinzo" trong một cuộc gặp năm 2017.
Hiện chưa rõ liệu Chính phủ Mỹ có nghe theo lời đề nghị của Ngoại trưởng Kono về phần tên của Thủ tướng hay không, và cũng chưa rõ liệu ý tưởng mà ông Kono đưa ra có đại diện cho cả Chính phủ Nhật Bản hay không.
Tháng trước, ông Kono từng nói trước một ủy ban Quốc hội phụ trách vấn đề ngoại giao và quốc phòng rằng, ông viết tên của mình theo định dạng Nhật trên danh thiếp tiếng Anh của mình, và thêm rằng vấn đề này nên được Chính phủ đem ra thảo luận nghiêm túc.
Trong khi đó, Ủy viên Thể thao Nhật Bản Daichi Suzuki cho rằng Chính phủ cần tham vấn ý kiến người dân trước khi thực thi đề xuất này. "Chúng ta nên bỏ thời gian ra tổ chức các cuộc tranh luận trước công chúng, trước khi đi đến kết luận chính thức" - ông Suzuki nói với tờ Mainichi Shimbun.