Nhật Bản chính thức bước vào kỷ nguyên nghỉ hưu ở tuổi 70

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong bối cảnh thiếu hụt lao động nghiêm trọng do dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh giảm liên tục trong nhiều năm, người lao động Nhật Bản sẽ chính thức nghỉ hưu ở tuổi 70. 
Trong tương lai, chính phủ Nhật Bản có thể sẽ bắt buộc các doanh nghiệp phải sử dụng người lao động cho đến 70 tuổi (Ảnh: Sohu)
Trong tương lai, chính phủ Nhật Bản có thể sẽ bắt buộc các doanh nghiệp phải sử dụng người lao động cho đến 70 tuổi (Ảnh: Sohu)

Ngày 1/4, Nhật Bản sẽ chính thức thực hiện "Luật hưu trí mới được sửa đổi". Điều này đồng nghĩa với việc xã hội Nhật Bản sẽ bước vào thời kỳ nghỉ hưu ở tuổi 70. Mặc dù luật không có hiệu lực bắt buộc ở giai đoạn này, nhưng nhật báo Asahi Shimbun tin rằng trong tương lai, Chính phủ Nhật Bản chắc chắn sẽ thúc đẩy việc bắt buộc nghỉ hưu ở tuổi 70.

Ngoài ra, quỹ hưu trí của Nhật Bản sẽ cạn kiệt vào năm 2050 và việc thực hiện "Luật hưu trí mới được sửa đổi" có thể giảm bớt tình trạng thiếu lao động và áp lực tiết kiệm lương hưu. Tuy nhiên, đây là một thách thức rất lớn đối với Chính phủ, xã hội, doanh nghiệp và nhân viên Nhật Bản.

Nhật Bản chính thức bước vào tuổi nghỉ hưu 70

Theo báo cáo của Asahi Shimbun, "Luật hưu trí mới được sửa đổi" đã được chính thức được bỏ phiếu thông qua vào tháng 3/2020. Nguyên nhân là do tỷ lệ sinh giảm và các vấn đề già hóa của Nhật Bản ngày càng trở nên nghiêm trọng. Điều này sẽ gây ra khủng hoảng lao động xã hội. Để giải quyết vấn đề này, Nhật Bản đã sửa đổi lại luật nhằm tạo ra một môi trường việc làm ổn định cho những người cao tuổi muốn làm việc.

Trước đó, Luật hưu trí của Nhật Bản đã cấm nhân viên nghỉ hưu trước 60 tuổi và nâng giới hạn trên của tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi.

Theo các báo cáo, nội dung cốt lõi của "Luật hưu trí mới được sửa đổi" là nâng tuổi nghỉ hưu của nhân viên doanh nghiệp từ 65 lên 70. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ Nhật Bản đang đưa ra các biện pháp hỗ trợ liên quan. Từ ngày 1/4, nhân viên của các công ty Nhật Bản đã nghỉ việc có thể lựa chọn tái tuyển dụng công ty khác hoặc tiếp tục được công ty cũ tuyển dụng lại.

"Luật hưu trí mới được sửa đổi" không có hiệu lực bắt buộc vào thời điểm hiện tại, các công ty hoặc nhân viên vi phạm sẽ không bị pháp luật trừng phạt. Tuy nhiên nhìn chung, Chính phủ Nhật Bản đang thực sự chuẩn bị cho việc nghỉ hưu ở tuổi 70. Trong tương lai, nghỉ hưu ở tuổi 70 sẽ trở thành một nghĩa vụ.

Sau khi "Luật hưu trí mới được sửa đổi" có hiệu lực vào ngày 1/4, người lao động của một doanh nghiệp có thể lựa chọn nghỉ hưu hoặc tiếp tục làm việc thêm 5 năm ở tuổi 65.

Tuy nhiên, các công ty có thể không tuân theo các quy định của luật này và không nhất thiết phải cung cấp việc làm cho nhân viên trên 65 tuổi.

Tác động kép từ việc giảm tỷ lệ sinh và già hóa

Theo báo cáo của Nikkei Shimbun, tuổi nghỉ hưu trong quá khứ của nam giới Nhật Bản là 55. Nhìn lại lịch sử, có thể thấy rằng cứ sau 10 - 20 năm, Chính phủ Nhật Bản sẽ kéo dài tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm. Ví dụ, chế độ hưu trí bắt buộc hiện tại của Nhật Bản đối với người 65 tuổi bắt đầu vào tháng 4/2006 và không hoàn toàn bắt buộc cho đến năm 2013.

Một lý do để kéo dài tuổi nghỉ hưu là tuổi thọ tăng. Độ tuổi trung bình của nam giới Nhật Bản năm 1960 là 65, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi họ nghỉ hưu ở tuổi 55. Hiện nay, hơn 90% đàn ông Nhật Bản có sức khỏe tốt ở độ tuổi 65, trong khi tuổi thọ trung bình là khoảng 85. Vì vậy, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu lên 70 là điều dễ hiểu.

Ngày càng có nhiều người già trên 100 tuổi ở Nhật Bản, lần đầu tiên vượt mốc 80.000 người vào năm ngoái (Ảnh: Sohu)
Ngày càng có nhiều người già trên 100 tuổi ở Nhật Bản, lần đầu tiên vượt mốc 80.000 người vào năm ngoái (Ảnh: Sohu)

Theo một cuộc khảo sát do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản thực hiện, số người già trên 65 tuổi ở Nhật Bản vào tháng 9 năm ngoái là 36,17 triệu người, chiếm 28,7% dân số cả nước. Trong giai đoạn một năm từ 2019 đến 2020, tổng dân số Nhật Bản giảm 290.000 người và tỷ lệ già hóa tiếp tục gia tăng.

Mặt khác, thống kê do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố vào tháng 9 năm ngoái cho thấy số người già trên 100 tuổi ở Nhật Bản lần đầu tiên vượt mốc 80.000 người, trong đó 70.975 là phụ nữ - chiếm 88,2%.

Chính phủ Nhật Bản đưa ra chính sách này chủ yếu nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động do hiện tượng già hóa, tỷ lệ sinh ngày càng giảm trầm trọng và giảm bớt áp lực lên quỹ an sinh xã hội.

Một số công ty đã điều chỉnh tuổi nghỉ hưu lên 80

Theo báo cáo của Nikkei Shimbun, trước khi Chính phủ Nhật Bản ban hành "Luật hưu trí mới được sửa đổi", nhiều công ty đã bắt đầu tự kéo dài tuổi nghỉ hưu của nhân viên. Ngày càng nhiều công ty tại nước này tuyển dụng nhân viên trên 65 tuổi.

Theo báo cáo "Tình trạng việc làm của người cao tuổi năm 2020" do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố năm ngoái, 31,5% doanh nghiệp đã xây dựng các hệ thống phù hợp để thuê nhân viên trên 70 tuổi.

Ngoài ra, một số công ty đưa ra chính sách nghỉ hưu ở tuổi 80 cũng gây ra những cuộc thảo luận rất lớn ở Nhật Bản. Một công ty bán thiết bị gia dụng có tên "Nojima" tuyên bố rằng, họ đang triển khai một hệ thống việc làm cho nhân viên cống hiến đến 80 tuổi. Công ty có tổng số hơn 3.000 người lao động. Nếu điều kiện sức khỏe cho phép, họ sẽ ký hợp đồng 1 năm với công ty với tư cách là nhân viên thời vụ, có thể làm việc đến 80 tuổi mới nghỉ hưu. Công ty Nojima cũng tuyên bố rằng, nếu nhân viên có thiện chí, họ vẫn có thể làm việc trong công ty sau 80 tuổi.

Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông Nhật Bản chỉ trích các chính sách bất công với người lao động cao tuổi của các công ty. Hầu hết các công ty thực hiện hệ thống tái tuyển dụng, nhiều nhân viên cũ trở thành công nhân tạm thời sau tuổi 60. Hợp đồng được ký hàng năm và người lao động cao tuổi có thể bị công ty sa thải bất cứ lúc nào. Một số khảo sát cho thấy thu nhập của nhân viên sau khi được thuê lại giảm từ 30% đến 70% so với trước 60 tuổi. Nhiều người đã lên tiếng kêu gọi bảo vệ quyền và lợi ích của những người lao động cao tuổi.

Để đảm bảo quyền và lợi ích của người cao tuổi, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu thực hiện chế độ trả lương như nhau cho cùng công việc đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ ngày 1/4. Trước đó, chỉ có một số công ty lớn thực hiện.

Theo Hongxing Xinwen