Làm gì để tránh bị lừa dịp cận Tết?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cận Tết là thời điểm người dân mua sắm mạnh mẽ, cũng là dịp để các đối tượng xấu tung ra các chiêu trò lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.  

Theo Báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng năm 2024 của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục gia tăng với những con số đáng báo động. Ước tính tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến trong năm 2024 lên tới 18.900 tỷ đồng.

Cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có 1 người trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tương đương tỷ lệ 0,4%. Có 66,2% người dùng xác nhận thông tin cá nhân của họ từng bị sử dụng trái phép, trong đó gần 74% cho rằng nguyên nhân do cung cấp thông tin khi mua hàng trực tuyến.

VietTimes đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA), Giám đốc kỹ thuật Công ty công nghệ an ninh mạng Việt Nam (NCS) về vấn nạn lừa đảo trực tuyến dịp cận Tết.

- Thưa ông, thời điểm này có phải là dịp người dân cần nâng cao cảnh giác đối với các hình thức lừa đảo trực tuyến không?

Dịp cận Tết Nguyên đán, người dân thường bận rộn hơn với các công việc tổng kết, chạy tiến độ hoặc mua sắm Tết nên có thời điểm thiếu cảnh giác hơn ngày thường. Đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lừa đảo tung ra các chiêu trò lừa đảo tinh vi, khai thác tâm lý lòng tham của người dùng. Các đối tượng có thể mời chào các chương trình “khuyến mãi hàng Tết”, “Kích cầu du lịch Tết”, “vé xe, vé máy bay Tết giá rẻ” để lừa đảo.

- Để tránh bị lừa đảo dịp cận Tết, người dân cần phải làm gì?

Người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn từ số lạ. Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mật khẩu hoặc mã OTP qua điện thoại hoặc tin nhắn.

Cần kiểm tra thông tin qua kênh chính thức. Liên hệ trực tiếp với các cơ quan, tổ chức qua số điện thoại hoặc trang web chính thức để xác minh thông tin.

Không truy cập đường link lạ, không cài phần mềm không rõ nguồn gốc. Tránh nhấp vào các liên kết hoặc tải về ứng dụng từ nguồn không rõ ràng, sử dụng phần mềm nTrust để có thể phát hiện và ngăn chặn các đường link lạ, phần mềm không rõ nguồn gốc.

lua dao truc tuyen 5.jpg

Bảo mật thông tin cá nhân. Đặt mật khẩu mạnh, không chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội và thường xuyên cập nhật phần mềm bảo mật.

Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ và ngăn chặn kịp thời.

- Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã phát hành phần mềm nTrust để phát hiện các số điện thoại lừa đảo. Hiện nay đã có bao nhiêu lượt tải về và cài đặt nTrust? Ứng dụng này đã phát hiện và ngăn chặn bao nhiêu số điện thoại độc hại, điện thoại rác?

Tính đến hết tháng 12/2024, đã có hơn 175.000 người dùng kích hoạt tài khoản sử dụng nTrust, trong đó số người dùng thường xuyên sử dụng phần mềm hàng ngày là trên 80.000 người.

Tổng số báo cáo lừa đảo được gửi từ người dùng trên phần mềm nTrust là 145.479 báo cáo. Tổng số điện thoại làm phiền, lừa đảo đã được cập nhật trên hệ thống là trên 360.000 số.

Các dữ liệu độc hại, lừa đảo khác cũng liên tục được cập nhật với hơn 875.000 địa chỉ, tên miền nguy hiểm. Bên cạnh đó, hệ thống cũng đã cập nhật hơn 5.000 số điện thoại tin cậy và hơn 62.000 tên miền tin cậy.

- Trong thời gian tới, Hiệp hội NCA có kế hoạch gì để đấu tranh với các hình thức lừa đảo trực tuyến không thưa ông?

Trong thời gian tới, NCA sẽ tiếp tục phát triển các tính năng hữu ích bổ sung cho phần mềm nTrust để giúp người dân có một công cụ hỗ trợ hữu hiệu để phòng chống lừa đảo khi tham gia không gian mạng.

Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ tổ chức các buổi đào tạo, tuyên truyền phổ biến các hình thức lừa đảo mới, giúp người dân nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng chống lừa đảo.

Hiệp hội cũng sẽ tiếp cực tham mưu, đóng góp ý kiến cho các cơ quan quản lý nhà nước nhằm sớm hoàn thiện các quy định pháp luật, bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như phòng chống lừa đảo, tấn công mạng.

Ngoài ra, NCA tiếp tục kết nối các thành viên, từ các cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng, công ty công nghệ, chuyên gia an ninh mạng để cùng nhau xây dựng một thế trận toàn dân, bao gồm từ chính sách, công nghệ, giải pháp tới thực thi cụ thể, góp phần tiếp tục đẩy lùi nạn lừa đảo trực tuyến, đem lại bình yên trên không gian mạng, giữ gìn an ninh trật tự xã hội.

- Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!