Nhật Bản cân nhắc hạn chế xuất khẩu chip cho Trung Quốc theo yêu cầu của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Theo yêu cầu của Mỹ, Tokyo sẽ xem xét hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến bao gồm máy móc sản xuất chip sang Trung Quốc.
Nhật Bản cân nhắc hạn chế xuất khẩu chip cho Trung Quốc theo yêu cầu của Mỹ (Ảnh: Nikkei Asia)
Nhật Bản cân nhắc hạn chế xuất khẩu chip cho Trung Quốc theo yêu cầu của Mỹ (Ảnh: Nikkei Asia)

Tokyo sẽ xem xét hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến bao gồm máy móc sản xuất chip sang Trung Quốc theo yêu cầu của Mỹ.

Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nói với các phóng viên hôm thứ Bảy rằng, "Chúng tôi đang thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát xuất khẩu dựa trên sự hợp tác quốc tế".

Ông nói: Nhật Bản sẽ "cân nhắc những hạn chế do các quốc gia khác áp dụng và có phản ứng thích hợp".

Vấn đề đã được thảo luận bởi các quan chức hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan tại Washington từ hôm thứ Sáu (27/1), với nhiều hãng tin xác nhận Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận với 2 quốc gia này. Các nguồn tin cho biết, Nhật Bản và Hà Lan sẽ kết hợp một số hạn chế đã được Mỹ thông qua, đồng thời lưu ý rằng không có thông báo nào được đưa ra và việc thực hiện sẽ mất vài tháng.

Về các cuộc đàm phán ba bên ở Washington, ông Nishimura cho biết ông "không muốn bình luận về các cuộc đàm phán ngoại giao".

Theo các hạn chế được thông qua hồi tháng 10, Mỹ yêu cầu phải xin cấp phép xuất khẩu công nghệ, thiết bị sản xuất và nhân sự để sản xuất chip tiên tiến, bao gồm cả chip sử dụng trong siêu máy tính. Thực tế, đây là “chiêu bài” để cấm xuất khẩu những thứ đó. Các hạn chế áp dụng cho mọi thiết bị do công ty nước ngoài sản xuất dựa trên công nghệ từ Mỹ.

Thị trường toàn cầu về máy móc sản xuất chip bị chi phối bởi công ty Applied Materials của Mỹ hiện đang ở vị trí dẫn đầu, công ty ASML Holding của Hà Lan đứng thứ hai và công ty Tokyo Electron của Nhật Bản đứng thứ ba.

Mỹ có thể đã tiếp cận Nhật Bản và Hà Lan để hợp tác vì hai nước này sản xuất chip không dựa vào công nghệ của Mỹ.

Công nghệ chip quyết định chất lượng của tên lửa và các thiết bị quân sự khác. Với những lo ngại về an ninh quốc gia, Mỹ muốn có được sự hợp tác của các đồng minh để đảm bảo lệnh cấm đạt được sự hiệu quả như mong muốn.

Tại Nhật Bản, việc buôn bán hàng hóa dân dụng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự bị hạn chế bởi Đạo luật Ngoại thương. Việc xuất khẩu một số mặt hàng hoặc công nghệ cần có sự cho phép của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp.

Các mặt hàng có thể được thêm vào danh sách hàng hóa nhạy cảm bằng cách sửa đổi pháp lệnh của Bộ. Nếu cần thiết, chính phủ sẽ xem xét sửa đổi luật. Quá trình lập pháp như vậy sẽ mất ít nhất vài tháng.

Theo Hiệp hội thiết bị bán dẫn Nhật Bản, doanh số bán thiết bị sản xuất do Nhật Bản sản xuất ở nước ngoài đạt 2,97 nghìn tỉ yen ( 22,9 tỉ USD) trong năm tài chính 2021, tăng 51%. Trung Quốc là khách hàng hàng đầu, với trị giá sản phẩm lên đến 992,4 tỉ yen, tương đương 33% trong tổng số đó.

Trong số doanh thu nhóm khoảng 2 nghìn tỉ yen của Tokyo Electron trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022, Trung Quốc chiếm 26%.

Nếu Nhật Bản đưa ra các quy định mới, Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp trả đũa. Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại các biện pháp của Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới.

Theo Nikkei Asia