Hôm 30/3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đệ trình một dự luật với nội dung yêu cầu những người xin visa vào Mỹ phải cung cấp tài khoản mạng xã hội mà họ đã sử dụng trong 5 năm qua, cũng như một số yêu cầu khắt khe khác.
Tháng 9 năm ngoái, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng soạn thảo một dự luật tương tự mà được cho là sẽ gây ảnh hưởng tới khoảng 710 nghìn người. Nhưng dự luật mới này của Bộ Ngoại giao Mỹ đã mở rộng quy mô, khiến cho hơn 14 triệu người có thể bị ảnh hưởng.
Người xin thị thực vào Mỹ sẽ phải khai báo tài khoản các mạng xã hội mà họ sử dụng trong số 20 mạng xã hội sau đây, bao gồm: Facebook, Flickr, Google+, Instagram, LinkedIn, Myspace, Pinterest, Reddit, Tumblr, Twitter, Vine và YouTube. Các mạng xã hội ngoài Mỹ như Douban, QQ, Sina Weibo, Tencent Weibo và Youku của Trung Quốc, hay VK (Nga), Twoo (Bỉ) và Ask.fm (Latvia) đều thuộc phạm vi phải khai báo.
Người xin cấp thị thực nhập cảnh phải cung cấp tài khoản mạng xã hội sử dụng trong 5 năm qua. Ngoài ra, họ còn được yêu cầu cung cấp số hộ chiếu, số điện thoại và email. Họ cũng sẽ được hỏi về lịch sử du lịch của mình, đã từng bị quốc gia nào trục xuất hay từ chối nhập cảnh, và người thân của họ có tham gia vào hoạt động khủng bố hay không.
Đề xuất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Đề xuất mới của Bộ ngoại giao có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người đăng ký vào Mỹ du lịch hoặc kinh doanh, bao gồm công dân của các nước như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico.
Tuy nhiên, các công dân của gần 40 quốc gia mà Mỹ miễn thị thực nhập cảnh sẽ không bị ảnh hưởng bởi đề xuất mới của Bộ Ngoại giao. Các quốc gia này bao gồm các đồng minh lớn của Mỹ như Úc, Anh, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngoài ra, khách đến Mỹ bằng thị thực chính thức và thị thực ngoại giao sẽ được miễn trừ.
Vấp phải nhiều phản ứng
Bà Hina Shamsi thuộc Liên đoàn Công dân Tự do Hoa Kỳ nhận xét: “Việc thu thập một lượng lớn thông tin về tài khoản mạng xã hội của hàng triệu người xin thị thực là một kế hoạch chưa hiệu quả và có vấn đề. Nó vi phạm quyền của người nhập cảnh và công dân Mỹ bởi nó sẽ khiến cho nhiều người băn khoăn tự hỏi liệu những bình luận của họ trên mạng xã hội có bị hiểu nhầm bởi quan chức hải quan Mỹ hay không”.
Còn ông Anil Kalhan, giáo sư luật tại Đại học Drexel, người làm công việc về nhập cư và nhân quyền quốc tế, đã viết trên Twitter, "Đây là điều không cần thiết và cực kỳ lố bịch".
Đại diện Facebook cho biết: “Chúng tôi phản đối bất kỳ yêu cầu nào đòi hỏi người xin nhập cảnh phải cung cấp thông tin tài khoản cá nhân của họ, bao gồm mật khẩu".
Giải thích của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giải thích về đề xuất siết chặt cấp thị thực nhập cảnh như sau: “Việc đưa ra các tiêu chuẩn sàng lọc khắt khe cho người xin cấp thị thực là để đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng lên. Thu thập thêm các thông tin sẽ giúp chúng tôi xác thực chính xác danh tính của họ”.
Khởi nguồn của những biện pháp siết chặt này từ chính phủ Mỹ là vụ khủng bố ở San Bernardino, California khiến 14 người bị thiệt mạng. Những kẻ khủng bố đã sử dụng mạng xã hội để liên lạc với nhau và thống nhất kế hoạch khủng bố. Nhà chức trách đã không để ý đến những dấu vết của chúng trên mạng xã hội cho đến sau khi vụ khủng bố xảy ra.
Năm ngoái, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ, ông John F. Kelly đã phát biểu trước lưỡng viện rằng Bộ của ông đang cân nhắc việc yêu cầu người nhập cảnh Mỹ khai báo mật khẩu vào mạng xã hội.
Cho đến nay, Chính phủ Mỹ đã ngừng yêu cầu cung cấp mật khẩu, nhưng vẫn có lác đác các trường hợp người nhập cảnh phàn nàn về việc phải khai báo mật khẩu tại các sân bay và cửa khẩu. Theo một số thống kê, lượng du khách đến Hoa Kỳ đã bắt đầu giảm, cho dù lượng khách du lịch tới New York City đạt kỷ lục vào năm ngoái.
Hàng chục triệu người mỗi năm nộp đơn xin cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ qua một bản khai trực tuyến có ký hiệu là DS-160. Mất khoảng 90 phút để điền đầy đủ nội dung bản khai này.