Nhiều người trốn đóng chi phí điều trị
Trao đổi với PV VietTimes, BS. Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cho biết: Thực tế, khi thanh toán chi phí điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện, các nhân viên y tế phải ngồi cân đo đong đếm xem cái nào thuộc COVID-19, cái nào thuộc bảo hiểm y tế (BHYT). Rồi xem xét từng trường hợp bệnh nhân để khi thanh toán cho bệnh nhân theo BHYT thì có bị xuất toán hay không.
“Bệnh nhân thì nằm bệnh viện mà không người trông nom. Vì thế, các nhân viên y tế đều phải giải thích chi phí điều trị và tiên lượng bệnh cho người nhà qua điện thoại. Việc nộp tiền viện phí đa số phải chuyển khoản online nên thực hiện rất khó khăn, thậm chí không ít trường hợp người nhà không đóng chi phí điều trị” – BS. Phúc chia sẻ.
Để không phải đóng tiền viện phí cho người bệnh, người nhà bệnh nhân đã đưa ra những lý do bất ngờ như “người nhà tôi nằm viện, tôi có nhìn thấy đâu mà biết các anh chị dùng thuốc cho người nhà tôi hay không?" hay “nhà nước bảo là miễn phí hết mà sao các anh chị bắt tôi đóng tiền”, có cả trường hợp người nhà bỏ luôn bệnh nhân khỏi bệnh tại bệnh viện vì không muốn đóng 6 triệu tiền viện phí,…
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 (Ảnh - Đặng Thanh) |
Hai năm chống dịch đã trôi qua, các nhân viên y tế cũng gặp đủ các trường hợp “dở khóc, dở cười” nhưng họ vẫn luôn hàng ngày nỗ lực, cố gắng để chăm sóc, điều trị cho người bệnh. “Mặc dù người nhà không đóng tiền thêm, sợ BHYT xuất toán nhưng các bác sĩ vẫn cứu chữa cho bệnh nhân, cố gắng giúp họ có một cuộc sống mới. Chúng tôi chỉ mong 1 ngày nhân viên y tế không còn cảnh phải sợ bệnh nhân không đóng chi phí điều trị hay BHYT xuất toán” – BS. Phúc tâm sự.
Vì thế, BS. Phúc cho rằng cần có cơ chế thay đổi cách thức thanh toán chi phí điều trị cho bệnh nhân để người nhà bệnh nhân nắm được và thực hiện.
Chi phí điều trị của bệnh nhân COVID-19 được chi trả như thế nào?
BS. Phạm Văn Phúc cho biết: Bộ Y tế quy định người mắc COVID-19 sẽ được khám và điều trị miễn phí - người bệnh không phải chi trả chi phí điều trị.
Trường hợp người mắc COVID-19 trước đó được cách ly y tế theo quy định thì phải chi trả chi phí cách ly y tế theo Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.
Trong thời gian cách ly y tế tập trung, nếu mắc các bệnh khác (không phải COVID-19) mà phải khám, điều trị, thì việc trả chi phí khám, điều trị thực hiện theo Khoản 7 Điều 1 Nghị quyết 16/NQ-CP như sau:
Người có thẻ BHYT được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí được hưởng và mức hưởng BHYT như các trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến. Đối với phần chi phí đồng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng BHYT (nếu có) thì người bị cách ly phải tự chi trả theo quy định của pháp luật về BHYT.
Người không có thẻ BHYT tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.
Bác sĩ trực cấp cứu tại bệnh viện (Ảnh - Minh Thuý) |
Từ quy định của Bộ Y tế, không ít người thắc mắc về mức chi phí điều trị cho 1 trường hợp COVID-19 là bao nhiêu? Theo BS. Phúc, mức chi phí điều trị cho bệnh nhân COVID-19 phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng bệnh của họ.
Đối với các trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ chỉ nằm điều trị theo dõi và sử dụng các thuốc thông thường thì chi phí thường rất rẻ và bệnh nhân hoàn toàn được miễn phí và không phải mất tiền đóng thêm.
Còn đối với những trường hợp nặng, đặc biệt là những bệnh nhân nguy kịch phải can thiệp thở máy hay ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể) thì chi phí điều trị thường rất lớn có thể lên tới hàng tỉ đồng.
Vậy những bệnh nhân nặng này sẽ được nhà nước chi trả toàn bộ theo quỹ COVID-19 hay vẫn phải đóng thêm? Câu trả lời là phụ thuộc vào việc bệnh nhân có mắc nhiều các bệnh nền kèm theo hay không.
BS. Phúc cho hay: Nhà nước quy định cho những chi phí liên quan đến bệnh COVID-19 được ngân sách chi trả. Những những chi phí điều trị cho bệnh nền và những danh mục thuốc hay trang thiết bị vật tư không trong danh mục điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thì BHYT (nếu bệnh nhân có BHYT) hoặc do bệnh nhân chi trả nếu không có BHYT.
Với những bệnh nhân có BHYT thì cũng sẽ phụ thuộc vào phần trăm BHYT chi trả (ví dụ thẻ BHYT chi trả 80% thì bệnh nhân sẽ vẫn sẽ đồng chi trả thêm 20%), và BHYT cũng có các danh mục thuốc và vật tư được chi trả hết hoặc theo phần trăm hoặc không chi trả và nếu bệnh nhân có sử dụng các thuốc này mà BHYT không thanh toán thì bệnh nhân sẽ phải chi trả.
Vì thế, đa số chi phí đồng chi trả thêm đối với bệnh nhân có bệnh nền có BHYT thì nhỏ hơn rất nhiều so với chi phí thực tế điều trị của bệnh nhân COVID-19.