Nhân sự, Formosa, phán quyết biển Đông... tác động thế nào GDP 2016?

GDP năm 2016 của Việt Nam tăng 6% là tốt, từ 6,3 đến 6,5% là cực tốt, còn 6,7% là khó xảy ra.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói, ông rất băn khoăn trước khả năng thực hiện GDP không đạt.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói, ông rất băn khoăn trước khả năng thực hiện GDP không đạt.

Đây là những con số được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tại phiên họp sáng 11/7 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Nhân tố nhân sự

Trước đó, trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,52% thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32%. Nhưng, tốc độ này vẫn cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ 3 năm trước đó.

DGP tăng thấp, theo Bộ trưởng Dũng, nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng.

Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiêp và thuỷ sản giảm 0,18% trong khi cùng kỳ tăng 2,22%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12% (cùng kỳ tăng 9,36%); riêng khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ là 6,35% (cùng kỳ tăng 5,86%), nhưng chưa có sự cải thiện mạnh mẽ, thể hiện sức cầu yếu ở thị trường trong nước, cũng như xuất nhập khẩu đều thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng Dũng phân tích, khu vực dịch vụ mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước, nhưng nếu không có sự cố ô nhiễm môi trưởng biển gây cá chết hàng loạt tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch của 4 tỉnh miền Trung, thì khu vực này có thể đạt được tốc độ cao hơn. 

Như vậy, nếu không có tác động xấu do nguyên nhân khách quan nêu trên, thì tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2016 sẽ đạt mức tương đương cùng kỳ năm 2015.

Chính phủ cũng nhìn nhận nguyên nhân chủ quan là sau Đại hội Đảng toàn quốc và đại hội Đảng các cấp, phải tập trung cho công tác bầu cử, kiện toàn bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương, nhân sự trong bộ máy chính quyền các cấp có nhiều thay đổi….

Điều này được cho là có ảnh hưởng nhất định đến việc chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nền kinh tế nước ta vẫn đang trong  đà phục hồi, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,52% là nhờ những nỗ lực trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng trong ngắn hạn, tăng trưởng GDP tạm thời bị giảm sút do các nguyên nhân bất khả kháng, Chính phủ đánh giá.

Rất băn khoăn

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói, ông rất băn khoăn trước khả năng thực hiện GDP không đạt. Theo ông Chính phủ cần đánh giá cần sâu và cụ thể hơn nữa vấn đề này, vì “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”.

Phó chủ tịch Quốc hội nhìn nhận, tác động đến GDP rất lớn chính là vụ việc liên quan đến Formosa, nhưng báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa rõ.

Theo ông, vụ việc này đến nay đã được phối hợp giải quyết tốt nhưng tiềm ẩn còn nhiều vấn đề. Câu hỏi đặt ra là bao giờ khắc phục được môi trường biển để nghề cá và du lịch tiếp tục phát triển?

Về việc giải ngân tiền đền bù của Formosa thì giải quyết như thề nào? Các cơ quan trách nhiệm thế nào để đến được với dân? Nếu không giải quyết những vấn đề đó, thì vấn đề gì sẽ xảy ra? Dân sẽ tiếp tục khiếu kiện? Ngoài ra còn tác động của các thế lực thù địch, Phó chủ tịch lo ngại.

Ông Tỵ cũng nhấn mạnh, Formosa là vấn đề tiềm ẩn rất lâu dài, nếu không lường trước thì rất phức tạp, không đơn giản là kinh tế, mà còn là an ninh, cái này tác động đến GDP rất lớn.

Một vấn đề nữa, dù thuộc về lĩnh vực an ninh - quốc phòng, nhưng theo Phó chủ tịch, cũng sẽ có ảnh hưởng đến GDP của Việt Nam năm nay.

Đó là sau khi tòa án quốc tế phán quyết về vụ kiện biển Đông của Philippines, tác động rất lớn và phản ứng của các nước sẽ rất phức tạp, nhất là trên biển Đông. Mà không chỉ trên biển Đông, mà còn tình hình biên giới, nhất là biên giới Tây Nam. 

Sau khi phán quyết của trọng tài quốc tế, sẽ diễn ra nhiều vấn đề phức tạp, kể cả về đối ngoại, cả các vấn đề trên biển, trên đất liền. Cho nên, về phần quốc phòng, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn, từ đó xác định giải pháp, ông Tỵ phát biểu.

Theo VnEconomy