Nhận diện “kẻ thù” của ắc quy xe ô tô

Với bất kỳ người dùng ô tô nào, việc hiểu đúng tính chất và những kĩ thuật bảo dưỡng, thay thế định kỳ một chiếc ắc quy luôn là điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ những “kẻ thù” số một của loại phụ tùng tưởng chừng đơn giản nhưng lại tối quan trọng với ô tô này.
Thông thường, ắc quy xe có cần phải thay thế theo chu kỳ 2-3 năm/lần.
Thông thường, ắc quy xe có cần phải thay thế theo chu kỳ 2-3 năm/lần.

Quá lạnh hoặc quá nóng

Việc phải hoạt động trong điều kiện quá nóng hoặc quá lạnh sẽ khiến các kết cấu bên trong ắc quy - đặc biệt là các thành phần hoá học - bị ảnh hưởng tiêu cực, có thể dẫn tới hỏng hóc hoặc nguồn cấp ra bị yếu. Tại Việt Nam, trừ một số vùng cao vào mùa đông, tình huống phải đối mặt với nhiệt độ xuống quá thấp trong thời gian dài ít khi xảy ra với ô tô. 

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng và bảo quản xe hàng ngày, bạn nên hạn chế phơi nắng trong thời gian dài, đồng thời tránh tình huống đang chạy nhanh ngoài đường và... chui tọt vào cất ngay xe trong gara chật hẹp mà không để nhiệt lượng sinh ra từ động cơ được tản bớt.

Nhận diện “kẻ thù” của ắc quy xe ô tô ảnh 1

Hiện tượng sulfat hoá là bệnh rất thường gặp ở ắc quy xe ô tô và cần được khắc phục sớm.

Hiện tượng này sẽ khiến các lớp tinh thể chì sulfat tích tụ, khiến tuổi thọ pin giảm sút trong khi thời gian sạc sẽ kéo dài hơn. Nếu “bệnh tình” quá trầm trọng, trong khi xe lại ít được sử dụng, ắc quy có thể sẽ hỏng rất nhanh chóng. 


Vấy bẩn hoặc dính nước

Trong nhiều trường hợp, ắc quy xe thường nằm "lộ thiên" bên trong khoang máy. Điều này khiến nó rất dễ dính nước (rửa xe, xe lội nước...), dầu mỡ (từ các lần sửa chữa, bảo dưỡng), bị nóng (do nhiệt từ động cơ sinh ra), dẫn tới suy giảm tuổi thọ. Với người dùng thông thường, thao tác lau chùi ắc quy theo định kì là điều nên làm. Bạn có thể dùng khăn ẩm để lau bề mặt ắc quy, dùng bàn chải sắt để đánh sạch hai đầu cực. Dĩ nhiên, bạn cần tránh tình huống để chập điện trong quá trình thực hiện.  

Nhận diện “kẻ thù” của ắc quy xe ô tô ảnh 2

Bạn có thể thực hiện một số thủ thuật vệ sinh ắc quy đơn giản.

Máy phát của xe gặp vấn đề 

Máy phát và hệ thống sạc trong mỗi chiếc xe đảm nhận việc nạp đầy điện cho ắc quy trong quá trình bạn di chuyển trên đường. Nếu những thành phần này gặp trục trặc, bạn có thể sẽ “đứng đường” bất kì lúc nào. Về lý thuyết, ắc quy sau khi sạc đầy sẽ cung cấp dòng điện một chiều với hiệu điện thế trung bình 12,6V cho xe. Để nạp điện ngược trở lại, hệ thống sạc của xe thường sẽ cung cấp cho ắc quy dòng điện 13,5V hoặc cao hơn chút ít.

Nhận diện “kẻ thù” của ắc quy xe ô tô ảnh 3

Để kiểm tra chất lượng vận hành của máy phát, bạn sẽ cần viện tới các kĩ thuật viên chuyên nghiệp.

 Trong trường hợp hệ thống này gặp trục trặc, ắc quy sẽ không sạc đầy, kiệt sạch năng lượng hoặc thậm chí bốc cháy nếu hiệu điện thế lên quá cao. Nguyên nhân của hiện tượng này thường là do đoản mạch, kết nối lỏng lẻo hoặc bộ sạc bị hư hỏng. Những dấu hiệu dễ nhận thấy khi máy phát có vấn đề thường là đèn tín hiệu (hình ắc quy) nổi lên trên táp lô, đèn pha xe yếu hoặc chập chờn, mùi lạ hoặc tiếng lạ sinh ra ở vị trí máy phát. 

Ngoài ra, nếu ắc quy đột nhiên hỏng sớm (thay vì chu kỳ thông thường là 2-3 năm) hoặc phồng lên bất thường, bạn nên kiểm tra lại máy phát trước khi thay ắc quy mới.

Liên tục lái ở khoảng ngắn

Đây là “bệnh” của hầu hết các mẫu xe vận hành trong thành phố. Việc liên tục đề máy chỉ để di chuyển trong khoảng ngắn sẽ nhanh chóng khiến dung lượng ắc quy giảm sút. Thực tế, ít ai biết rằng mục đích sử dụng chính - và cũng là thời điểm mức tải lên cao nhất - đối với ắc quy chính là giúp ích cho quá trình đề nổ (thường khoảng 5-10 giây, tuỳ thuộc vào loại xe mà bạn sở hữu). 

Với những chiếc xe hàng ngày chỉ di chuyển ngắn trong phố, bộ sạc sẽ không có đủ thời gian để nạp đầy điện cho ắc quy. Để dễ hình dung hơn, điều này cũng giống như bạn cắm sạc liên tục chiếc điện thoại hay máy tính xách tay của mình khiến pin sớm bị “chai” vậy.

Nhận diện “kẻ thù” của ắc quy xe ô tô ảnh 4

Nhiều người di chuyển bằng ô tô chỉ vài km mỗi ngày, nhưng có thể đề nổ hàng chục lần.

 Vì thế, theo các kĩ thuật viên nhiều kinh nghiệm, trung bình mỗi tháng một lần, bạn nên mang xe ra đường quốc lộ và chạy liên tục trong khoảng10-20 phút ở tốc độ ổn định để ắc quy được sạc tối ưu nhất có thể. Nếu có điều kiện, bạn cũng có thể nhờ vả ai đó có hệ thống sạc ắc quy cắm điện AC để sạc đầy ắc quy mỗi tháng một lần (dĩ nhiên là với dòng điện phù hợp).

Quá nhiều thiết bị tải

Trong mỗi chiếc xe, mọi thiết bị điện tử đều sẽ sử dụng một mức năng lượng nhỏ để duy trì hoạt động - kể cả khi xe tắt máy (ví dụ như đồng hồ, hệ thống khoá, hệ thống báo động…). Mặc dù với những chiếc xe xuất xưởng, đây không phải vấn đề lớn bởi lẽ các nhà sản xuất đã có những tính toán an toàn của riêng họ. Tuy nhiên, vẫn có hai trường hợp có thể dẫn tới những rủi ro. 

Nhận diện “kẻ thù” của ắc quy xe ô tô ảnh 5

"Độ" thêm quá nhiều đồ chơi cho xe mà không tính tới việc nâng cấp và bảo đảm an toàn nguồn điện có thể gây nguy hiểm.

 Trước hết, đó là những rủi ro trong mạch điện (chập mạch, đoản mạch, linh kiện hỏng hóc…) có thể khiến mức tải tăng cao khiến ắc quy hết sạch điện trong thời gian ngắn (trước khi bạn đề lại xe trong lần sử dụng tiếp theo), hoặc suy giảm tuổi thọ. 

Thứ đến, nhiều người dùng xe hiện nay thường có xu hướng "độ" thêm các thiết bị điện tử, đèn chiếu sáng... Nhóm thiết bị này nếu không được tính toán, lắp đặt một cách chuẩn mực và chuyên nghiệp sẽ là mối đe dọa tới không chỉ ắc quy mà cả hệ thống điện của xe. Trong trường hợp xấu, nó có thể gây cháy xe rất nguy hiểm đối với người sử dụng.

Theo HNMO

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Oto-xemay/864487/nhan-dien-ke-thu-cua-ac-quy-xe-o-to-