Nhạc sĩ sắp hết thời vì robot tự viết nhạc?

Sự ra đời của các robot tự viết nhạc đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, các nhạc sĩ cần thận trọng, bởi những con robot này có thể sẽ là đối thủ "nặng ký".
Robot tự viết nhạc có thế đón đầu ca khúc hot nhưng liệu có tạo nên những tác phẩm sống cùng năm tháng?

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn quen với những ca khúc được nhạc sĩ sáng tác. Tuy nhiên, sắp tới, một phần mềm tự viết nhạc sẽ được công bố ra thị trường. Đây được xem là một sự bất ngờ, tác động không nhỏ đến thị trường âm nhạc trong thời gian tới...

Đón đầu ca khúc hot

Mới đây, ông Lê Văn Chính, cố vấn kỹ thuật công ty Cổ phần truyền thông Sơn Ca (Soncamedia) cho biết, sắp tới sẽ tung ra thị trường những ca khúc được phần mềm viết nhạc sáng tác. Theo đó, những ca khúc này được tung ra thị trường để quan sát cách tiếp nhận của thính giả. Trên cơ sở thông tin thu được, họ sẽ có sự điều chỉnh phù hợp để hoàn thiện robot viết nhạc.

Ông Chính cho biết, trong cuộc chơi công nghệ, không thể cạnh tranh bằng cách chạy theo người khác. Như hiện nay, điện thoại thông minh ngày càng được cải tiến, chúng ta không thể cứ mải miết chạy theo bằng cách tạo ra những smartphone giống như các công ty lớn trên thế giới. Để tồn tại, chúng ta phải rẽ sang một hướng khác. Trong đó, hướng đi thích hợp cho các công ty Việt Nam là chế tạo các sản phẩm kết nối điện thoại để giúp công năng mạnh mẽ hơn. Với suy nghĩ ấy, phần mềm tự viết nhạc dần hình thành. Hiện nay, số lượng ca khúc karaoke rất lớn, được phần mềm phân tích dữ liệu để nhận ra quy luật các bài hit, hot trong từng giai đoạn, từng ca sĩ, từng nhạc sĩ.

Thông qua đó, phần mềm có thể viết ra những ca khúc theo phong cách của Đan Trường, Quang Vinh, Sơn Tùng M-TP, Mỹ Tâm, Cẩm Ly,... hay theo Phan Mạnh Quỳnh, Tiên Tiên, Anh Tú, Vũ Cát Tường,... Đặc biệt hơn, phần mềm này còn nhận dạng được đặc điểm, sự khác biệt trong từng giai đoạn của một nhạc sĩ. Chẳng hạn, nhạc của Trịnh Công Sơn giai đoạn đầu khác với giai đoạn về sau như thế nào để tạo ra những ca khúc theo phong cách ấy. Hay, nhạc bolero trong từng giai đoạn sẽ khác có giai điệu nhanh, chậm như thế nào...

Quy trình để phần mềm sáng tác ra một ca khúc trải qua khá nhiều công đoạn. Sau khi ký hợp đồng thu thập thông tin từ các phòng hát karaoke, các bài hát yêu thích, sử dụng nhiều,... dữ liệu sẽ được tổng hợp lại. Sau khi đã xác định được bài hit, phần mềm sẽ phân tích giai điệu, tiết tấu rồi tổng hợp, mô phỏng lại để tạo ra những giai điệu mới và được kết hợp trở thành hoàn chỉnh.

Đây không phải là lần đầu tiên một phần mềm tự viết nhạc được ra đời. Đầu năm 2017, các nhà khoa học đến từ đại học Osaka, đại học Tokyo City (Nhật Bản) và một viện nghiên cứu của Bỉ đã công bố một nghiên cứu khoa học làm nhiều người bất ngờ. Theo đó, robot ghi lại sóng não của người nghe các thể loại nhạc khác nhau như Kpop, Jpop, cổ điển, opera... để phân tích cảm xúc, mối quan hệ của người nghe đối với từng giai điệu. Từ đó, robot sẽ viết ra những giai điệu riêng cho từng cá nhân, phù hợp với tính cách, cảm xúc...

Mới đây, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại học viện Công nghệ Georgia (Mỹ), Mason Bretan cũng vừa công bố dự án robot soạn nhạc và trình diễn độc lập các sáng tác của mình. Robot này sử dụng trí thông minh nhân tạo và các thuật toán để phân tích hai triệu điệu thức, hòa âm và đoạn nhạc để sáng tác bản nhạc. Theo kế hoạch, robot này sẽ có buổi biểu diễn tại sự kiện Aspen Ideas Festival ở Colorado (Mỹ) vào cuối tháng Bảy.

Sự sống còn của nhạc sĩ

Những robot sáng tác nhạc chỉ xuất hiện ở trong các bộ phim viễn tưởng, nhưng nay đã trở thành hiện thực. Có thể, các phần mềm này chưa được hoàn chỉnh, nhưng cũng là sự báo hiệu cho sự phát triển của công nghệ. Điều này minh chứng cho việc, mọi tưởng tượng của con người có thể trở thành hiện thực, vấn đề chỉ là thời gian. Nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, sự phát triển của robot âm nhạc sẽ tạo ra được nguồn bài hát lớn hơn, đáp ứng nhu cầu của thính giả. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức của các nhạc sĩ, yêu cầu phải sáng tạo hơn nữa để không bị phần mềm vượt mặt.

Anh Nguyễn Xuân Châu (kỹ sư công nghệ thông tin) nhận định, thời gian qua, ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, ca khúc thường mang tính “mì ăn liền” có sự vay mượn của nhau. Không khó để tìm gặp những ca khúc có giai điệu tương tự. Điều này tạo ra nhiều cuộc “vạch trần” về việc, nhạc sĩ này “ăn cắp” nhạc của nhạc sĩ kia, từ đó diễn ra các cuộc đấu tố, tranh cãi gay gắt. Ngay lời bài hát cũng thiếu tính hình tượng so với thời gian trước. Hầu hết ca khúc hiện nay đều có ca từ thực dụng, dễ nhớ. Những ca khúc như thế dễ thuộc, dễ thành hit nhưng cũng nhanh chóng trôi vào quên lãng. Với phần mềm tự viết nhạc, bằng sự phân tích của giai điệu, hòa trộn ca từ, hứa hẹn sẽ tạo ra những ca khúc tương đồng như vậy. “Tôi nghĩ, các nhạc sĩ không nên xem nhẹ hay coi thường các phần mềm này. Nếu họ thiếu sự sáng tạo thì có thể bị các phần mềm này đánh bại”, anh nói.

Theo nhạc sĩ Hoàng Bách, trí tuệ nhân tạo hoàn thiện đến đâu cũng không thể thay thế được con người.

Trong khi đó, anh Trần Đình Thắng (kỹ sư công nghệ) cũng cho rằng, đối với những người từng học qua môn trí tuệ nhân tạo thì có thể hiểu, việc lập trình để sáng tác là chuyện không hề khó. Phần mềm viết nhạc cũng gần giống như phần mềm lập trình đánh cờ. Các phần mềm đánh cờ tự động đã hạ gục rất nhiều “tay cờ” nổi tiếng.

Nhạc sĩ Sỹ Luân lại cho rằng: “Sáng tác ca khúc không như những công việc khác. Một ca khúc không chỉ là ghép phần lời với phần nhạc mà điều quan trọng hơn nữa là cảm xúc được truyền tải. Một ca khúc chỉ thực sự đi vào lòng người khi nó có nhạc cảm phù hợp với công chúng. Đó cũng chính là lý do, số lượng ca khúc được sáng tác rất nhiều, nhưng để được công chúng đón nhận thì chỉ có giới hạn. Sáng tạo trong bất kỳ ngành nghề nào cũng cần được ghi nhận, đánh giá cao và sự sáng tạo ấy có phù hợp hay không sẽ được thời gian trả lời. Nếu nó tốt, phù hợp thì sẽ “sống” và ngược lại sẽ bị đào thải”.

Ca sĩ - nhạc sĩ Hoàng Bách cũng có ý kiến tương đồng. Anh cho rằng, bất kể sự sáng tạo nào phục vụ con người đều có giá trị riêng. Đối với phần mềm tự viết nhạc cũng như thế. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo dù hoàn thiện đến đâu vẫn không thể thay thế con người. Máy móc vẫn là máy móc. Con người khác với máy móc là có cảm xúc, tâm hồn và lòng trắc ẩn. Một bài hát được nhạc sĩ sáng tác chắc chắn sẽ khác một ca khúc do máy tổng hợp vì nó có cảm xúc, tâm hồn. Đây chính là sự khác biệt và để tạo ra những tác phẩm hay.

Ông Lê Văn Chính thừa nhận, phần mềm tự viết nhạc sẽ tạo ra những ca khúc hoàn chỉnh, nhưng chắc chắn không thể tạo ra được những tác phẩm bất hủ, có ca từ sống mãi như các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Châu Kỳ, Lam Phương,… Một bài hát được sáng tác bằng máy tính có thể trở thành hot, hit nhưng cũng như các ca khúc “mì ăn liền” chỉ một thời gian sẽ không còn ai hát…

Theo Người đưa tin
http://www.nguoiduatin.vn/nhac-si-sap-het-thoi-vi-robot-tu-viet-nhac-a332000.html