Chốt phiên giao dịch Thứ Tư (ngày 29/3), giá vàng giao tháng Tư trên sàn Comex tại Sở Giao dịch New York Mercantile tiếp đà giảm nhẹ $1,90 (-0,2%) về chốt ở $1.253,70/oz. Tương tự, giá vàng giao tháng Sáu cũng giảm $2 (-0,2%) về $1.256,80/oz.
Trong khi đó, giá bạc giao tháng Năm vẫn dậm chân tại tại $18,252/oz.
Tại các bảng giao dịch khác, giá bạch kim giao tháng Tư giảm 0,5% về $952,50/oz; Giá paladium giao tháng Sáu giảm 0,3% về $790,20/oz; Giá đồng giao tháng Năm tăng gần 0,1% lên ở 2,678/pound.
Trên phương thức giao dịch điện tử, tính đến thời điểm 9h44’ sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay Comex đang đứng ở $1.248,94/oz.
Cùng lúc, tại thị trường châu Á, giá vàng miếng giao ngay trên sàn Kitco cũng được yết ở $1.248,70/oz.
Về diễn biến thị trường, phiên vừa qua, chỉ số ICE U.S. Dollar Index - đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ - đã tăng 0,3% lên vượt 100 điểm. Chỉ số chứng khoán Dow Industrials cũng đảo chiều đi lên, chính thức kết thúc chuỗi suy thoái tệ hại ở con số 8 phiên liên tiếp.
Việc chỉ số USD vượt mốc 100 điểm mà vàng vẫn trụ vững trên mốc $1.250/oz là một tín hiệu cho thấy nhiều điều – Chủ tịch kiêm CEO trang GoldSeek.com – ông Peter Spina – dẫn lời trên Market Watch.
Theo Spina, ông không nghĩ rằng giá vàng sẽ trở lại mốc $1.200/oz – như dự báo của các công ty khai khoáng. “Giá vàng đang tiến tới ngưỡng $1.300/oz, và cổ phiếu của các doanh nghiệp khai vàng sẽ leo cao, hút dòng vốn đổ vào đây” – vị này nhận định.
Giá vàng khẽ hạ vào phiên Thứ Tư khi Anh Quốc chính thức gửi đệ trình đề nghị Brexit tới Ủy ban Châu Âu, bắt đầu cho quá trình đàm phán kéo dài khoảng 2 năm.
Brexit đã làm giảm sức hấp dẫn của đồng tiền chung Châu Âu Euro – theo Spina. “Sự chia rẽ trong lòng Châu Âu đã khơi mào và thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc, cùng với các diễn biến kinh tế khác, khiến đồng USD trở nên hấp dẫn hơn. Việc đi lên của USD sẽ gia tăng áp lực lên các hàng hóa giao dịch bằng bạc xanh trong đó có vàng”.
Spina dự báo, euro sẽ còn tiếp tục chìm trong các tháng tới. “Điều này sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng giá vàng, khi USD mạnh lên. Nhưng hậu quả của việc chia rẽ trong lòng EU và việc suy thoái của đồng euro còn khiến nhu cầu về vàng tăng cao hơn” – ông nói.
Trong một diễn biến liên quan, trữ lượng vàng trong SPDR Gold Trust – quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới – vừa tăng 0,2%, phiên vừa rồi. Quy mô ETF VanEck Vectors Gold Miners cũng tăng 0,8%.
Tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng nay (Thứ Năm ngày 30/3), các nhà vàng đã thu hẹp doãng chênh lệch giá mua vào – bán ra của vàng SJC.
Cập nhật đến thời điểm 10h51’ sáng nay, giá vàng miếng SJC của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang đứng ở 36,40 – 36,60 triệu đồng/lượng (MV-BR), hầu như không thay đổi so với chốt phiên trước đó.
Trong khi, tại các đại lý của Doji, giá vàng miếng SJC lại được tập đoàn này điều chỉnh tăng 10 nghìn đồng chiều mua nhưng nhưng lại giảm tới 70 nghìn đồng chiều bán về yết ở 36,48 – 36,56 triệu đồng/lượng (MV-BR) đối với giao dịch lẻ; và đắt hơn 10 nghìn đồng chiều mua, đồng thời rẻ hơn 10 nghìn đồng chiều bán đối với giao dịch buôn ở thị trường Hà Nội. Như vậy, doãng chênh lệch 2 chiều mua - bán ở Doji hiện là 80 nghìn đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang được chào giá ở mức 36,49 – 36,55 triệu đồng/lượng (MV-BR). Trong khi, giá vàng miếng thương hiệu vàng rồng Thăng Long đang được mua bán ở mức 34,09 - 34,54 triệu đồng/lượng (MV – BR).
Quy đổi theo tỷ giá hối đoái USD/VND mà ngân hàng Vietcombank đang niêm yết, tính ra giá vàng trong nước hiện đang cao hơn thế giới khoảng 2,35 triệu đồng mỗi lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD, áp dụng cho ngày hôm nay (30/3/2017) ở 22.265 đồng, tăng 5 đồng so với hôm qua.
Đây là phiên thứ hai liên tiếp tỷ giá này được điều chỉnh tăng.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 22.933 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.597 VND/USD.
Trái ngược với diễn biến điều hành, giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục được điều chỉnh giảm.
Cụ thể, ba ngân hàng Vietcombank, BIDV và DongABank đang cùng niêm yết USD ở mức 22.720-22.790 đồng, trong đó, Vietcombank và DongABank giảm 10 đồng ở cả hai chiều còn BIDV giảm 15 đồng so với giá khảo sát sáng qua.
Vietinbank cũng giảm 15 đồng ở cả hai chiều, xuống còn 22.715-22.785 đồng trong khi ACB giảm 10 đồng, xuống mức 22.730-22.800 đồng./.