Khó tìm gói 30 nghìn tỷ mới
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trong toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn... Theo kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay chỉ mới thực hiện được khoảng 28% kế hoạch đã đề ra.
Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện khảo sát mẫu thì đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, cán bộ công chức: 10.000; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo: 39.000; lao động trong khu công nghiệp: 17.000; đa số trong các nhóm đối tượng đều chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ từ 65% đến 94%.
Nhu cầu về nhà ở của các gia đình, đặc biệt là với những người thu nhập thấp, người nghèo không đủ điều kiện tài chính để mua nhà rất lớn. Trên thực tế, trong 5 năm qua, mới chỉ đáp ứng được 37% nhu cầu đối với các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị, công nhân lao động ở các khu công nghiệp so với kế hoạch đặt ra. Đặc biệt khi gói 30.000 tỷ chính thức khép lại năm 2016, nỗi lo về vốn lại là bài toán khó với người thu nhập thấp.
Trong khi đó, cơ chế, chính sách đã quy định nhà nước hỗ trợ ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội và các ngân hàng thương mại do nhà nước chỉ định. Về nguyên tắc, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã nhận nhiệm vụ này và có quy định cụ thể. Các ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định cụ thể. Lãi suất cũng được Thủ tướng Chính phủ quy định.
Về ưu đãi cho người có thu nhập thấp mua nhà ở xã hội, theo quan điểm của Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay khó có thể tìm ra gói mới với mức độ cao như gói 30 nghìn tỷ. Bởi mặc dù Chính phủ rất nỗ lực nhưng suốt từ khi gói 30 nghìn tỷ kết thúc cho đến nay mới có khoảng hơn 1 nghìn tỷ phân bổ về Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là vấn đề rất khó khăn.
“Hơn nữa, hiện nay thu ngân sách giảm, nợ công cao, chi thường xuyên thì nhiều, ... sự thực là khó có thể thấy được gói mới. Chúng ta vẫn cứ chờ đợi thôi nhưng theo tôi đây là một khó khăn cho việc phát triển nhà ở xã hội”, Giáo sư Đặng Hùng Võ đánh giá.
“Vốn hóa đất đai”
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết, ở một số nước đã đưa ra giải pháp “vốn hóa đất đai” để trích ra một số % để quay trở lại bù đắp cho nhu cầu nhà ở xã hội. Ở Hà Nội, TP. HCM những khu “đất vàng” có thể bán với giá sát với giá thị trường rất cao, phương án đưa ra là có thể cắt một phần giá trị đó để dành cho việc phát triển nhà ở xã hội.
“Nhưng thực tế thường “đất vàng” ở Việt Nam lại được giao theo giá không phải vàng lắm cho nên quá trình vốn hóa đất đai mang lại hiệu quả thấp. Vậy trợ giúp cho phân khúc giá rẻ rất khó”, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ Chính phủ cần có các biện pháp để thắt chặt việc đưa đất công ra đấu giá, hay giao đất công cho các dự án đầu tư,... tránh nguy cơ tham nhũng và mang lại vốn hóa đất công tốt hơn.
Ở góc độ khác Hiệp hội Bất động sản TP. HCM lại cho rằng, việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ cũng đã có tác động làm cho người có thu nhập thấp đô thị chưa được tiếp tục vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội. Hơn nữa, hiện nay "danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội" (theo Luật Nhà ở 2014) chưa được cập nhật, bổ sung vào Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/08/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nên trong Nghị quyết chưa có danh mục chi ưu đãi nhà ở xã hội để Chính phủ có căn cứ thực hiện.
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản số 102/UBTVQH14-TCNS ngày 26/04/2017 gửi Chính phủ về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với phần vốn còn lại, đồng ý bổ sung 2.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó dành một phần bổ sung để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Hiệp hội Bất động sản TP. HCM được biết, có 1.260 tỷ đồng được phân bổ để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị quyết này nhưng trên thực tế các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này.
Hiện nay, việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội đang bị trở ngại do chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn từ ngân sách để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội (mới chỉ phân bổ được 1.260 tỷ đồng). Do vậy, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội bổ sung "danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội" vào Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/08/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, và bố trí khoản chi ngân sách thực hiện chính sách nhà ở xã hội hàng năm tùy theo khả năng ngân sách, trước hết là năm 2018, để Chính phủ có căn cứ thực hiện.
Khi thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng giai đoạn 2011-2013, để giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và hỗ trợ người thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP ngày 07/01/2013 với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Trong đó 70% tương đương 21.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỷ đồng, được hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi 6%/năm 2013; và 5%/năm từ năm 2014 đến năm 2017; và 30% gói tín dụng ưu đãi tương đương với 9.000 tỷ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Sau 03 năm thực hiện chính sách này, đến hết năm 2016, đã giải ngân được hơn 32.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hơn 56.000 người tạo lập được nhà ở; Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, đã có 10.316 đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng với tổng số tiền được vay là 7.032 tỷ đồng, trong đó, có 10.308 cá nhân (chiếm tỷ lệ 18,3% đối tượng được vay ưu đãi), đã vay 5.575 tỷ đồng và 8 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay 1.456 tỷ đồng, tổng cộng đã giải ngân trên địa bàn thành phố được 8.488 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 26,5% gói tín dụng ưu đãi).