Trang công nghệCnetcủa Mỹ tiếp tục có chuyến viếng thăm các công ty, startup tại Việt Nam để tìm hiểu về tình hình hoạt động của các công ty công nghệ tại nước ta. Ở một sốbài viết trước, chúng ta đã được biết đến các nhà máy của những Samsung, LG... tại Việt Nam; còn lần nàyCnetcó cơ hội tiếp cận nhà máy sản xuất điện thoại của BKAV, công ty bảo mật gây "sốt" cộng đồng công nghệ với chiếc Bphone ra mắt hồi tháng 5/2015.
BKAV, một công ty phát triển phần mềm bảo mật của Việt Nam, ra mắt chiếc smartphone đầu tiên của mình hồi tháng 6/2015 với tên gọi Bphone. BKAV nhấn mạnh đặc điểm "được sản xuất tại Việt Nam" (made in Vietnam) để thu hút người dùng trong nước, cũng là thị trường lớn nhất của sản phẩm - ít nhất là đến thời điểm hiện tại.
Nhà máy lắp ráp điện thoại của BKAV được đặt tại Hà Nội và thường có 100 công nhân làm việc trong ngày. Một nhà máy khác sản xuất các linh kiện cho điện thoại như phần khung kim loại nguyên khối, khe giữ thẻ SIM, loa... có 50 công nhân. Như vậy, nếu so với quy mô của Samsung, lượng nhân viên của BKAV thấp hơn rất nhiều. Samsung sản xuất gần 1/3 smartphone của mình ở Việt Nam và thuê 100.000 công nhân làm việc tại các nhà máy của họ ở phía bắc Hà Nội.
BKAV dự định xây dựng một nhà máy lớn hơn ở Khu Công viên Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc vùng ngoại ô Hà Nội, cách nhà máy hiện tại 30 km. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu Bphone"có được phản hồi tốt từ thị trường" - theo lời phát biểu của Vu Thanh Thắng, Phó Chủ tịch mảng phần cứng của BKAV.
BKAV "rót" 20 triệu USD, 200 kỹ sư cùng thời gian 4 năm để phát triển smartphone đầu tiên của mình. Công ty thiết kế mọi thứ từ bo mạch chủ chứa các linh kiện của điện thoại đến ngoại thất. Ngay cả hệ điều hành Android chạy trên Bphone cũng đã được tùy biến.
Dây chuyền lắp ráp Bphone là dây chuyền truyền thống - mỗi nhân công chịu trách nhiệm cho một công đoạn. Điều này khác biệt so với các công ty khác như Samsung. Công ty Hàn Quốc đào tạo để công nhân có thể tự lắp ráp được toàn bộ các thành phần của điện thoại.
Bphone có tất cả 6 phiên bản với giá bán từ 450 USD đến 925 USD. BKAV tham vọng trở thành "Apple của Việt Nam", tương tự như cách Xiaomi trở thành "Apple ở Trung Quốc".
Trong đợt bán ra đầu tiên hồi tháng 6/2015, BKAV công bố bán được 11.822 máy. Con số này thấp hơn nhiều so với Xiaomi hay Apple. Xiaomi bán được 2,1 triệu smartphone trong đợt flash sale kéo dài 12 tiếng hồi tháng 4/2015. Apple bán 10 triệu iPhone 6 và iPhone Plus sau tuần đầu tiên lên kệ hồi tháng 9/2014.
Theo Ictnews