Mỹ hủy đơn hàng, doanh nghiệp Trung Quốc kêu hết cửa làm ăn giữa "bão thuế"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giữa cơn bão thuế quan do Washington khơi mào, các nhà sản xuất Trung Quốc bắt đầu quay lưng với thị trường Mỹ.

1.png
Một xưởng may tại thành phố cảng Quảng Châu của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Khi vòng áp thuế mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức có hiệu lực vào giữa trưa ngày thứ Tư theo giờ châu Á, hàng loạt đơn hàng từ Mỹ tới các nhà máy Trung Quốc lập tức bị hủy bỏ. Tại đầu bên kia, các doanh nghiệp Trung Quốc đồng loạt khẳng định: họ không thể, và sẽ không, giảm giá thêm nữa.

Ông Chen Qingxin, chủ một nhà máy sản xuất đồ chơi và dụng cụ thể thao tại Quảng Đông – trung tâm xuất khẩu sôi động của miền Nam Trung Quốc – cho biết ông nhận được cuộc gọi từ một đối tác lâu năm ở Baltimore, Mỹ ngay sau khi mức thuế mới có hiệu lực. Đơn hàng từng được đặt từ đầu tháng 3, dự kiến giao vào tháng 6 năm nay, đã bị hủy ngay lập tức.

Trước đó, để giữ chân khách hàng giữa bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, ông Chen đã chủ động giảm giá 10% sau khi Tổng thống Donald Trump công bố gói áp thuế bổ sung 34% vào ngày 2/4. Tuy nhiên, khi mức thuế bất ngờ bị đẩy lên tới 84%, vị khách hàng cho biết ông không còn khả năng chi trả – và buộc phải từ bỏ đơn hàng.

Chưa dừng lại ở đó, ngay trong ngày thứ Tư, Nhà Trắng tiếp tục nâng mức thuế lên 125% đối với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ tạm ngưng một số loại thuế áp dụng với các nước khác trong vòng 90 ngày.

“Với mức thuế này, mọi thỏa thuận đều trở nên vô nghĩa,” ông Chen thở dài. “Không còn cửa để làm ăn nữa – cho cả hai phía”.

Vị khách hàng từ Baltimore đã hợp tác với ông suốt hơn một thập kỷ. “Chúng tôi đều rất buồn, nhưng chẳng thể làm gì hơn”, ông kể. “Anh ấy còn nói ‘xin lỗi’ với tôi bằng tiếng Trung”.

Ông Chen cho biết ông đang chuẩn bị tinh thần đón nhận thêm nhiều đơn hàng bị hủy từ phía Mỹ – vốn là thị trường chủ lực của công ty ông. Nếu tình trạng này lan rộng, dòng chảy hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bị bóp nghẹt nghiêm trọng.

Một báo cáo mới đây từ tổ chức nghiên cứu Capital Economics cho thấy, nếu các mức thuế cao tiếp tục được duy trì, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ có thể giảm hơn 50% trong những năm tới.

Trung Quốc cũng không ngồi yên. Họ đáp trả bằng loạt biện pháp thuế quan tương tự, trong đó có mức thuế 84% được áp dụng đồng loạt lên mọi mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Hai bên đều tuyên bố không nhượng bộ, khiến căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang.

Hồi đầu năm, trong nỗ lực duy trì mối quan hệ kinh doanh, một số nhà máy Trung Quốc đã chủ động hạ giá để giúp khách hàng Mỹ đối phó với hai đợt áp thuế 10% đầu tiên sau khi ông Trump tái đắc cử. Nhưng nay, khi mức thuế trung bình bị đẩy lên quá cao, nhiều doanh nghiệp cho biết việc giảm giá thêm đồng nghĩa với chấp nhận lỗ vốn.

Một số nhà máy đã lựa chọn hướng đi khác: chấp nhận mất đơn hàng từ Mỹ, tìm khách hàng ở các thị trường mới, hoặc sẵn sàng tạm ngừng dây chuyền sản xuất. Điều đó cũng có nghĩa là gánh nặng thuế quan sẽ đổ dồn về phía các nhà nhập khẩu Mỹ – và cuối cùng là người tiêu dùng Mỹ – qua việc tăng giá hàng hóa.

“Đây có thể là cú đánh nặng nề lên túi tiền của các gia đình Mỹ”, ông Jeffy Ma, chủ hãng sản xuất mũ Ace Headwear tại Quảng Châu, nhận định trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba, ngay sau khi Nhà Trắng hé lộ kế hoạch tăng thuế mới.

2.png
Nhãn hiệu ‘Made in China’ xuất hiện trên mũ bóng chày xuất sang Mỹ. Ảnh: Getty.

Theo ông Ma, công ty ông đã giảm giá khoảng 4% vào đầu năm nay để giúp khách hàng vượt qua đợt áp thuế trước. Một số khách lớn của ông bao gồm cả Fila. Nhưng mức lợi nhuận chỉ vào khoảng 5% trên mỗi chiếc mũ, nên không thể hạ giá thêm nếu không muốn rơi vào cảnh thua lỗ.

Thị trường Mỹ từng chiếm khoảng 20% doanh thu của Ace Headwear trong năm ngoái. Nhưng với các mức thuế mới, ông Ma dự đoán con số này sẽ giảm mạnh. Để bù đắp, công ty sẽ đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và mở rộng sang các thị trường châu Á và châu Âu. Trong trường hợp lượng đơn hàng sụt giảm trong ngắn hạn, ông cho biết một phần nhỏ trong số 350 công nhân của mình có thể sẽ phải nghỉ tạm thời.

Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, những ông lớn bán lẻ của Mỹ như Walmart và Amazon buộc phải tìm mọi cách để giữ chân người tiêu dùng trong nước. Và một trong những giải pháp mạnh tay nhất là yêu cầu các nhà cung cấp Trung Quốc giảm sâu giá thành sản phẩm – mức giảm được cho là lên tới 30% trong một số trường hợp.

Thậm chí, việc Walmart thương lượng lại giá với các nhà cung cấp Trung Quốc hồi đầu năm nay đã khiến chính quyền Bắc Kinh phải can thiệp. Sau khi hàng loạt doanh nghiệp trong nước lên tiếng than phiền, nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ đã bị triệu tập để làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc.

Chính quyền Trump luôn cho rằng các đòn thuế mới sẽ không gây ra lạm phát nghiêm trọng như giới kinh tế cảnh báo, với lập luận rằng nhà cung cấp nước ngoài – cụ thể là Trung Quốc – sẽ phải gánh phần lớn chi phí.

Trên lý thuyết, thuế quan do các nhà nhập khẩu tại Mỹ chi trả, và các nhà cung cấp nước ngoài vẫn có thể góp phần giảm nhẹ tác động bằng cách điều chỉnh giá bán. Dẫu vậy, nhiều nghiên cứu kinh tế chỉ ra rằng, người tiêu dùng Mỹ mới chính là bên phải gánh chịu phần lớn chi phí phát sinh từ chính sách thuế này.

Tại Quảng Đông, ông Chen Quirun – chủ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu ống nhựa PVC – kể rằng từ sau thời điểm ông Trump công bố đợt thuế mới, ông đã nhận được nhiều email từ phía Mỹ, đề nghị giảm giá thêm. Dù trước đó, ông đã đồng ý hạ giá 8% để hỗ trợ khách hàng vượt qua vòng thuế đầu tiên.

3.png
Tuần trước, Mỹ đã áp dụng mức thuế bổ sung 34% đối với hầu hết các sản phẩm của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Trong một email gửi đi từ bang Ohio, đối tác Mỹ viết ba đoạn văn dài để bày tỏ lòng biết ơn với nhà cung cấp Trung Quốc, đồng thời mô tả những khó khăn và bất ổn mà doanh nghiệp đang đối mặt trong thời kỳ thuế quan căng thẳng. Phần kết thư là một lời đề nghị: “Chúng tôi vô cùng trân trọng nếu quý công ty có thể hỗ trợ giảm giá thêm, ở mức khoảng 25–30%, nếu có thể”.

“Chưa bao giờ tôi nhận được email nào với giọng điệu khiêm nhường đến vậy”, ông Chen chia sẻ. “Tôi hiểu được áp lực bên đó lớn thế nào – nhưng tôi cũng chẳng dễ thở gì”.

Lường trước rủi ro, ông Chen đã bắt đầu tìm đường lui từ cuối năm ngoái, liên tục sang Trung Đông và các khu vực khác để mở rộng thị trường. Nếu như trước đây 60% doanh thu của ông đến từ Mỹ, thì đến tháng 3 năm nay, con số ấy chỉ còn khoảng 30%.

Song việc thay thế khách hàng Mỹ chắc chắn không dễ dàng. Theo các chuyên gia kinh tế, sức mua trong nước tại Trung Quốc – cả từ hộ gia đình lẫn doanh nghiệp – vẫn còn yếu ớt. Trong khi đó, một số quốc gia khác lại đang dựng lên hàng rào thương mại mới để ngăn hàng giá rẻ Trung Quốc tràn vào, nhằm bảo vệ sản xuất nội địa.

Ở chiều ngược lại, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ cũng rơi vào thế khó. Trong một số ngành hàng, họ gần như không có lựa chọn nào khác ngoài Trung Quốc.

Tại tỉnh Chiết Giang, ông Zhang – chủ một nhà máy sản xuất giày – đã sang Canada suốt nhiều tháng nay để tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Trước nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, 90% doanh số của công ty ông đến từ thị trường Mỹ. Hiện tại, con số ấy giảm xuống còn khoảng hai phần ba.

Trả lời phỏng vấn hôm thứ Ba, ông Zhang cho biết công ty đã phải giảm giá 5–10% trong năm nay, nhưng không thể hạ hơn nữa nếu không muốn lỗ. Ông cũng chia sẻ rằng một số bạn bè trong ngành đã bị khách hàng Mỹ tạm ngừng nhận hàng do ảnh hưởng từ đợt tăng thuế gần đây. Ông dự đoán mình cũng sẽ sớm rơi vào tình cảnh tương tự.

“Mức thuế này cao đến mức chẳng ai chịu nổi”, ông Zhang thở dài, nhìn về những kiện hàng sắp phải nằm im trong kho.

Nếu đơn hàng tiếp tục sụt giảm, ông tính đến việc giảm hiệu suất hoặc tạm thời dừng hoạt động nhà máy với khoảng 100 công nhân. Ở tuổi gần 50, ông không loại trừ khả năng sẽ nghỉ hưu sớm, hoặc chuyển hẳn sang nghề kế toán – ngành học ông từng theo đuổi thời đại học.

Theo Wall Street Journal