Ngày 13/4, Sở GDCK Hà Nội đã ra thông báo liên quan đến phiên bán đấu giá lần đầu ra công chúng của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab).
Theo đó, đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15 giờ 30 ngày 10/04/2018), chỉ có duy nhất 1 NĐT đăng ký tham gia đấu giá. Căn cứ theo Điều 15 Quy chế bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty TNHH một thành viên Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 127/QĐ-SGDHN ngày 20/03/2018 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, phiên bán đấu giá lần đầu ra công chúng của VTVCab ngày 17/4 sẽ không được diễn ra do không đủ điều kiện để tổ chức.
Trước đó, HNX đã thông báo sẽ có 42.292.624 cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cp) của VTVCab được đưa ra đấu giá, tương đương với 47,84% vốn điều lệ sau cổ phần hóa, giá khởi điểm dự kiến là 140.900 đồng/cổ phần.
Tại mức giá khởi điểm, đợt IPO của VTVCab có giá trị huy động dự kiến lên đến 6.000 tỷ đồng và vốn hóa dự kiến gần 12.400 tỷ đồng.
Trước IPO, VTVCab đang phải đối mặt với hàng loạt ý kiến phản đối của khách hàng khi bỗng nhiễn thay thế 23 kênh truyền hình đặc sắc bằng 12 kênh ít tên tuổi khác. Nhiều khách hàng của VTVCab tỏ ra khá bất bình. Trên nhiều diễn đàn và MXH đã nổi lên những ý kiến kêu gọi tẩy chay VTVCab để chuyển sang sử dụng một dịch vụ khác có các kênh hấp dẫn hơn.
Theo bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Truyền thông của VTVCab, đơn vị này đã nghiên cứu kỹ thị hiếu của khán giả Việt và 12 kênh mới lên sóng đều mang những nội dung được biên tập phù hợp với khán giá Việt. Bà Phương cho rằng đây là dịch chuyển mang tính đột phá, lịch sử trong quá trình phát triển của VTCCab để bắt kịp xu thế phát triển của công nghệ mới, của cách mạng công nghiệp 4.0.
Trao đổi việc này với VietTimes, luật sư Nguyễn Phú Thắng, Hãng Luật Intercode, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, đánh giá VTVcab đã vi phạm thỏa thuận với KH. Người sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền của VTVcab có quyền khởi kiện đơn vị này ra Tòa án có thẩm quyền, kể cả trường hợp Hợp đồng cung cấp dịch vụ không quy định hoặc hạn chế quyền này.
Theo ông Thắng, VTVCab đã vi phạm Khoản 6.5, Điều 6, Hợp đồng giữa đơn vị này và khách hàng khi không thông báo tới phần lớn khách hàng sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, việc VTVcab đơn phương cắt 23 kênh truyền hình có lượng theo dõi cao, thay thế bằng 12 kênh truyền hình khác là hành vi cắt, giảm lượng dịch vụ trên thị trường liên quan. Còn về chất lượng, các chuẩn hình ảnh và âm thanh của các kênh mới, theo cảm nhận trực quan của nhiều người là đã bị giảm rất nhiều, có thể không còn chuẩn HD hay Full HD như trước.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng lưu ý KH của VTVCab cần phải cân nhắc lựa chọn phương thức đòi hỏi quyền lợi: Khiếu nại tới VTVcab, khởi kiện vụ án dân sự hay đưa vụ việc ra cơ quan quản lý cạnh tranh nếu hành vi của VTVcab vi phạm điều cấm của luật đồng thời thuộc thẩm quyền của Hội đồng cạnh tranh quốc gia hoặc Cơ quan quản lý cạnh tranh.
“Trong mọi phương thức, nội dung đề nghị, kiến nghị hay yêu cầu cần phải cụ thể, có căn cứ vững chắc và thuyết phục. Khách hàng trả tiền hàng tháng thì kiến nghị những gì, người trả tiền theo năm thì yêu cầu gì, căn cứ cho những kiến nghị, yêu cầu đó. Việc chuẩn bị và hệ thống hóa một cách khoa học các tài liệu, chứng cứ trong bộ hồ sơ khiếu nại, khởi kiện là rất cần thiết” – vị luật sư hãng luật Intercode nói.
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh VTVcab hay bất kỳ đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nào đều có thể bị khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, bên cạnh đó có nghĩa vụ chấp hành các phán quyết của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.