Đó là một trong những nội dung được trao đổi thẳng thắn tại Hội thảo "Báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam trước thách thức phát triển không gian mạng” do Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Báo giấy khó phát triển trong thời đại công nghệ
PGS.TS.NB Nguyễn Thành Lợi nhận định mạng xã hội đang âm thầm thay đổi lối sống của con người, đã và đang tác động sâu sắc đến “bữa tiệc thông tin” của công chúng hiện đại, ảnh hưởng trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, đặt ra cho các tòa soạn và nhà báo những thách thức chưa từng có.
Cụ thể, với đặc tính của mình, mạng xã hội đang tạo ra cách thức và “công cụ” mới để các cơ quan báo chí hội tụ, thực hiện nhiệm vụ truyền thông của mình. Tuy nhiên, nhiều nhà báo không kiểm chứng nguồn tin đã "chính thống hóa" những thông tin trên mạng xã hội thành bài báo của mình
Điều đó, đặt ra cho các cơ quan báo chí không còn độc quyền trong việc cung cấp thông tin do sự xuất hiện các trang mạng xã hội và hàng triệu blog cá nhân. Bên cạnh đó là sự thay đổi hành vi của công chúng - từ chỗ chỉ là người tiếp nhận thông tin một cách bị động, nay họ đã trở thành người chủ động tham gia sản xuất, cung cấp và chia sẻ thông tin.
Cùng quan điểm trên, Nhà báo Nguyễn Minh Quang - Tổng biên tập Báo Khoa học & Đời sống, Điện tử Kiến thức cho rằng: “Thời đại công nghệ thông tin và kỷ nguyên số, do vậy thế mạnh về truyền thông sẽ thuộc phần lớn về không gian mạng trong đó mạnh mẽ nhất là mạng xã hội, báo chí điện tử, truyền hình và tương tác giữa truyền hình và điện tử... Chúng ta cần phải biết chấp nhận không gian mạng xã hội như một thực tế không thể khác được. Mạng xã hội ngoài những điều tích cực thì cũng bộc lộ rất nhiều mặt trái. Nguy hiểm là có rất nhiều người đọc những thông tin này và dù có tin hay không thì hệ quả mang lại vẫn là rất rõ. Chúng ta cần nghiêm túc nghiên cứu và có thể sớm ban hành thành luật để quản lý mạng xã hội”.
Trên thế giới và ở cả Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí biết sử dụng những thông tin rất đắt trên mạng Internet như một nguồn tin. Để đảm bảo thông tin khách quan, chính xác, các phóng viên, biên tập viên cũng như lãnh đạo tờ báo phải đảm bảo việc kiểm chứng nguồn tin như đối với các nguồn tin thông thường.
Tiến sĩ Phạm Thị Mỵ -- Tổng biên tập Báo Môi trường & Sức khỏe cho rằng: “Các mạng xã hội xuất hiện khiến người người đều có thể "làm báo". Internet mang nguồn thông tin cực kỳ phong phú cho báo chí song cũng mang đến những hệ lụy nếu người làm báo không tỉnh táo trước biển thông tin.
Cùng quan điểm trên, nhà báo, Tiễn sĩ Lê Doãn Hợp cho rằng, báo mạng còn có 6 lợi thế là thông tin nhanh chóng; phong phú đa dạng và đa chiều; thông tin lan tỏa rất rộng; gắn kết quốc tế một cách mau lẹ và rộng lớn; là bù đắp được sự chậm trễ của báo truyền thống và tạo ra thực tiễn tốt hơn để báo truyền thống đổi mới tốt hơn.
Nhưng cũng có 3 bất lợi đó là thông tin cá nhân không được kiểm chứng, phê duyệt chặt chẽ: Báo mạng là ngôn ngữ biến thành chữ viết, nên ngoài đời sống như thế nào thì lên mạng cũng sẽ sống như thế. Do đó, quản lý báo mạng là quản lý con người chứ không phải là quản lý thông tin.
Thứ hai, không ai chịu trách nhiệm cuối cùng, thậm chí tìm ra người viết cũng không dễ và tạo nhiều dư luận xã hội trái chiều, khó lường.
Ông Hợp cũng nêu các khuyết điểm của báo truyền thông như luật lệ không theo kịp cuộc sống, làm cho những người tác nghiệp rất khó cho nên để trống “trận địa” quá nhiều.
Thứ hai, thông tin chậm trễ, không thực tiễn so với xã hội mạng, vì thế làm cho xã hội mạng lên ngôi. Thứ ba là nhiều vấn đề nhạy cảm chúng ta để trong thời gian quá dài và không rõ khiến anh em báo chí rất khó viết. Quan điểm của tôi, nhạy cảm là phải rõ; cơ chế quản lý phải làm rõ.
Thứ tư là bộ máy quản lý không theo kịp tình hình, đang chỉ đạo thiên về hành chính mệnh lệnh quá nhiều, nhưng lại không có thước đo cụ thể, làm khó anh em làm báo.
Thứ năm là “chờ đợi ý kiến chỉ đạo” là trong bao lâu? 1 năm? 2 năm? hay bao lâu. Điều này khiến anh em lúng túng, tạo điều kiện để xã hội mạng lên ngôi, ông Hợp cho biết.
Báo chí hiện đại trong thời đại công nghệ số
Nhà báo lão thành Bùi Hoàng Tám, Báo Dân trí chia sẻ: "Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Ở đó, chỉ cần một cái nhấp chuột, ngay lập tức cả thế giới đều biết. Và thực tế đang cho thấy, mạng xã hội đã và đang là một “thế lực” truyền thông vô cùng mạnh mẽ, tác động không nhỏ đến đời sống xã hội và là đối thủ rất khó lường của báo chí chính thống”.
Do đó, muốn truyền thông chính thống chiếm “thị phần” cao nhất góp phần định hướng cho bạn đọc thì một trong những yêu cầu quan trọng, đó là tạo sự tự tin cho nhà báo để họ có đủ dũng khí trong quá trình tác nghiệp. Điều này cần sự ủng hộ của các cơ quan quản lý báo chí, cụ thể là vai trò của hai cơ quan quản lý báo chí trực tiếp hiện nay là Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin Truyền thông”.
Thư ký Tòa soạn Báo Đất Việt Nguyễn Hữu Bắc đưa ra đề xuất, với những thông tin chính thống thì cần thay đổi cách viết (phong cách báo chí) cho phù hợp với độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ, trí thức trẻ. Biến 1 vấn đề kiểu cũ, phong cách cũ... thành 1 vấn đề hấp dẫn giới trẻ. Đặc biệt, vấn đề tương tác phản hồi (comment) của độc giả phải đủ hấp dẫn như mạng xã hội, nhưng được quản lý chặt chẽ.
Tiến sĩ Lê Doãn Hợp cho rằng, báo chí muốn phát triển trong kỷ nguyên mạng như hiện nay, cần phải nắm được thông tin, đầy đủ và rõ ràng theo đúng lợi thế báo chính thống.
Thứ hai là phải theo sát xã hội mạng, để vừa là kịp thời, vừa là quản lý. Cái gì đúng thì tiếp quản, tiếp thu, cái gì sai phải phân tích, phê phán để hạn chế, hơn nữa phải phản bác những thông tin nhảm nhí
Thứ ba là phải tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của nhà nước kịp thời hơn.
Những nguồn tin cung cấp thông tin là phải đầy đủ, tránh trường hợp thiếu thông tin và nhiễu thông tin. Tất cả những trường hợp nhiễu thông tin đều là do thiếu thông tin
Cuộc sống thế nào, báo chí phải phản ánh đúng như thế thì báo chí mới trở thành cần thiết và thiêng liêng
Thứ nữa là cần có định hướng và chủ trương, để anh em báo chí chủ động và sáng tạo.
"Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin - thời đại mà truyền thông xã hội đóng vai trò chủ chốt. Điều quan trọng hơn, các nhà báo cần thận trọng khi tác nghiệp. Đặc biệt, nhà báo cũng nên hạn chế đăng tải các thông tin không chính thống trên các phương tiện truyền thông xã hội, điều đó có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhà báo và làm giảm uy tín của cơ quan báo chí", ông Hợp nói thêm.