|
Uy tín của một cơ quan truyền thông lớn phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc đáp ứng những nhu cầu về văn hóa, giải trí của số đông nhân dân. |
Với việc VTC (VOV) đã có bản quyền ASIAD, có thể nhận thấy những vấn đề sau: Bất cứ nhà tổ chức, nước chủ nhà nào của sự kiện thể thao quốc tế lớn đều phải bỏ ra kinh phí rất lớn (chính vì lý do này mà Việt Nam đã từ chối, và từ chối là đúng, quyền đăng cai ASIAD 2018). Vì vậy, không thể trách họ nếu họ thông qua bán bản quyền truyền hình để bù đắp một phần chi phí. Việc mua bản quyền TV luôn là việc rất phức tạp và đòi hỏi phải sớm nắm bắt tình thế, thương thuyết sớm (không có nghĩa nhất định phải mua sớm) để tận dụng các cơ hội liên kết với các bên mua khác, rộng đường hơn khi cân nhắc thời điểm và giá cả. Đồng thời cũng có nhiều thời gian để lôi kéo thuyết phục các nhà tài trợ, có kế hoạch kinh doanh quảng cáo sớm.
Bản quyền của bất cứ sự kiện Thể thao quốc tế lớn nào cũng là cơ hội cho những công ty kinh doanh bản quyền. Vì vậy đó là cuộc đấu trí không phải với nhà tổ chức, với nước chủ nhà, mà với dân “con buôn” quốc tế. Để không bị thiệt thòi, các đài truyền hình Việt Nam cần có đội ngũ kinh doanh bản quyền và quảng cáo thật chuyên nghiệp, được quản trị thật tốt.
Tôi không có thông tin về quá trình thương thuyết bản quyền của VTV nên không thể nhận định là VTV hay dở gì trong chuyện này. Hoàn toàn có khả năng VTV không thể đáp ứng giá cả quá cao do công ty kinh doanh bản quyền ASIAD 2018 đòi hỏi. Tuy nhiên, việc VTV không tiếp tục theo đuổi việc mua bản quyền ngay cả khi ASIAD đã bắt đầu là một sai lầm. Vì đó chính là lúc đối tác bán bản quyền đã hết thế mạnh áp đặt. VOV, ngược lại, đã quyết định theo đuổi việc này (tất nhiên đòi hỏi của xã hội chắc chắn đã là thúc đẩy quyết định).
|
Nếu VTC (VOV) thành công trong công tác tường thuật, bình luận ASIAD 18, họ sẽ ghi dấu ấn ngoạn mục trong kỳ ASIAD này.
|
Việc có nhiều đài truyền hình lớn và các đơn vị kinh doanh bản quyền quan tâm và có chiến thuật riêng với việc mua bản quyền trong thời gian dài trước đây làm phức tạp việc thương thuyết và tạo điều kiện cho đối tác bán bản quyền áp giá cao. VTV đã gần như được “ủy quyền” làm đầu mối thương thuyết chính để tránh nguy cơ này. Nhưng việc VOV mua bản quyền ASIAD 18 thành công vừa qua cho thấy cạnh tranh cũng là động lực tốt để giải quyết vấn đề. Như vậy cần có chiến lược hợp tác trong cạnh tranh để vừa khắc chế cái bất lợi, vừa tạo ra khoảng rộng cho các sáng kiến. Thời gian tới cần tìm ra công thức này.
Nếu VTC (VOV) thành công trong công tác tường thuật, bình luận ASIAD 18, họ sẽ ghi dấu ấn ngoạn mục trong kỳ ASIAD này (nhất là nếu đội tuyển bóng đá của Việt Nam vào sâu giải). VTV cần có nỗ lực thật sự, trên tinh thần cầu thị, cải tiến khâu bình luận. Các khiếm khuyết của bình luận World Cup vừa qua là quá rõ ràng và rất có hại cho VTV.
Rõ ràng là các doanh nghiệp lớn đóng vai trò ngày càng quyết định trong vấn đề bản quyền thể thao. Đội ngũ kinh doanh của họ chuyên nghiệp và sắc sảo hơn nhiều so với các đơn vị kinh doanh của các đài, các cơ quan truyền thông. Nếu họ có ý định lâu dài, thì rất cần có công ty chuyên nghiệp để thực hiện chiến lược tài trợ và kinh doanh bản quyền thể thao quốc tế lớn gắn kết với các Mạnh Thường Quân tiềm lực mạnh có ý định xây dựng thương hiệu và tìm kiếm lợi ích trực tiếp hay gián tiếp trong lĩnh vực này. Nếu việc tài trợ thực hiện bài bản thì nó sẽ không là sự “mở lòng tốt”, mà là việc kinh doanh có lợi.
Xoilac TV cho thấy sóng truyền hình không phải là phương thức duy nhất giải quyết vấn đề (tạm bỏ qua vấn đề pháp lý mà chỉ bàn về phương thức). Do đó việc mua bản quyền nên có cách tiếp cận mềm dẻo hơn. Không nhất thiết mua gói đắt nhất nếu như gặp khó khăn về giá cả không vượt qua được.
Uy tín của một cơ quan truyền thông lớn phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc đáp ứng những nhu cầu về văn hóa, giải trí của số đông nhân dân. Không nên xếp nó vào loại nhu cầu hạng hai. Làm như thế sẽ phải trả giá rất đắt về uy tín thương hiệu.
(Theo facebook Trần Đăng Tuấn)