Nguyễn Khôi - CEO Wefit: Người tiên phong đưa công nghệ vào lĩnh vực fitness

Trong giới startup Việt Nam, Nguyễn Khôi với ứng dụng WeFit được xem như first mover (người tiên phong) trong việc đưa công nghệ vào lĩnh vực healthy và fitness (sức khỏe và thể hình).
Nguyễn Khôi - CEO Wefit.
Mới chào sân hơn một năm, WeFit đã đạt được mức tăng trưởng trung bình 30-40%/tháng, sở hữu 3000 khách hàng sử dụng hàng tháng và 600 đối tác ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Đi đầu là chiến thuật, không phải mục tiêu
Nguyễn Khôi, sinh năm 1991, tốt nghiệp ngành Kỹ sư máy tính Học viện Công nghệ Illinois (Mỹ). Đứa “con đẻ” của Khôi – WeFit là một trong những startup của anh và đã đạt được những kết quả nhất định, được trao giải Startup tiềm năng trong chương trình Startup Festival 2016 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức.
Anh cho biết, “WeFit có thể là người tiên phong trong lĩnh vực healthy và fitness nhưng mục tiêu của chúng tôi không chỉ dừng ở đó”. Vậy mục tiêu của chàng trai 27 tuổi này là gì? Điều gì khiến Khôi bỏ lại mảnh đất đang yên ấm ở Tổ hợp giáo dục Topica với sản phẩm Edumall đang trên đà phát triển với mức lương 2000 USD và nhiều cơ hội phát triển khác?
“Tôi đam mê công nghệ và muốn làm công nghệ nào đó trong lĩnh vực giáo dục và sức khỏe có thể giúp cho cuộc sống trở nên nhân văn, đẹp đẽ hơn. Giáo dục và sức khỏe tôi đều quan tâm. Ở Topica, tôi đã làm giáo dục rồi, vậy nên khi quyết định ra ở riêng, tôi bắt tay vào làm WeFit từ tháng 9/2016. Ở Việt Nam, đó là một mô hình hoàn toàn xa lạ”- Khôi nói.
Nhìn lại chặng đường trước đó, Nguyễn Khôi từng đến Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures thực tập để tìm hiểu về cách thức các startup kêu gọi vốn. Rồi học cách làm truyền thông ở Công ty cổ phần Netlink. Thậm chí, Khôi đã khởi nghiệp thất bại với startup mang tên Vocalno (sản xuất các sản phẩm Mobile Apps và dự án Ontot).
“Thấy chúng tôi còn thiếu kinh nghiệm để khởi nghiệp, các 'sư phụ' của tôi là anh Phạm Minh Tuấn và Dương Hữu Quang (Tổ hợp giáo dục Topica - PV) đã đưa ra một lời mời rất hấp dẫn. Đó là chúng tôi nên tạm dừng lại, tới Topica luyện tập thêm, bao giờ cứng cáp thì khởi nghiệp tiếp. Sự hấp dẫn trong môi trường của Topica khiến tôi quyết định dừng lại dự án của mình và tham gia vào đây 2 năm” – Khôi kể lại.
Trong hai năm đó, Nguyễn Khôi đã thực hiện hai dự án là Topica Memo – Ứng dụng học tiếng Anh miễn phí trên nền tảng Android dành riêng cho người Việt và người châu Á nói chung và Topica Edumall – Hệ thống siêu thị các khóa học trực tuyến. Trong đó, Memo thất bại bởi không đạt sự tăng trưởng như kỳ vọng còn Edumall thì sau 1 năm triển khai, không chỉ phát triển mạnh trong nước mà còn mở rộng sang thị trường Thái Lan với doanh thu như kỳ vọng.
“Lúc dự án trở nên ổn định hơn, an toàn hơn, tôi dần trở nên lười biếng bởi đã không còn thử thách nào lớn hơn nữa. Tôi biết đã tới lúc phải bước ra vùng an toàn của mình” – Khôi nói về lý do quyết định rời khỏi Topica và giải thích thêm, dù dự án có lớn tới đâu thì chỉ là “giấc mơ” của người khác. Chàng trai 25 tuổi khi ấy vẫn dốc sức, dốc lòng xây dựng giấc mơ của chính mình: Làm sản phẩm ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực sức khỏe.
Khôi bảo, anh không làm y tế bởi lĩnh vực này đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu và phức tạp. Trong khi đó, lĩnh vực rèn luyện sức khỏe lại chưa có startup nào ở Việt Nam đặt chân tới. Và một mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy) giống như Uber trong lĩnh vực healthy và fitness đã ra đời. Thực tế, mô hình này đã thành công ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, châu Âu nhưng vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam.
Giấc mơ về hệ sinh thái phục vụ phong cách sống
WeFit sẽ làm gì cho các phòng tập và người sử dụng ứng dụng là câu hỏi của nhiều người khi Khôi và các cộng sự giới thiệu về sản phẩm của mình. Founder của ứng dụng này giải thích: “Có thể hiểu khái niệm kinh tế chia sẻ ở mô hình của WeFit nghĩa là chúng tôi là bên trung gian kết nối các phòng tập và khách hàng.
Thực tế, các phòng tập chỉ có khách trong một số thời điểm nhất định. Trong khi đó, họ vẫn phải trả chi phí cho nhân viên, địa điểm, máy móc, điện nước… Nhiệm vụ của WeFit là kết nối để đưa khách hàng tới lấp đầy khoảng thời gian trống, tối ưu doanh thu cho khách. Trong khi đó, khách hàng sử dụng WeFit có quyền sử dụng tất cả các phòng tập trong hệ thống đối tác của chúng tôi”.
Sau hơn 1 năm ra mắt, WeFit đang sở hữu 3.000 khách hàng trả tiền sử dụng hằng tháng, với hệ thống 600 phòng tập ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng để đến được với con số này, Khôi và các cộng sự đã trải qua nhiều dấu mốc lớn.
Một trong những dấu mốc mà Khôi không thể quên đó là hồi tháng 11/2016 khi WeFit bắt đầu “va đập” với những khách hàng và đối tác đầu tiên. Khi đó, ứng dụng mới được đưa lên Appstore nhưng chưa được hệ thống phê duyệt. Vì thế, Khôi trực tiếp đến gặp khách hàng mượn máy tính và ngồi cài cho khách rồi hướng dẫn cách đặt lịch qua hệ thống.
“WeFit là con lai giữa công nghệ và dịch vụ nên khách hàng rất thích thú với việc chỉ cần mua thẻ tập của WeFit và được tự do lựa chọn bất cứ phòng tập và giờ tập nào họ muốn. Trong khi đó, nếu làm theo cách truyền thống, khách hàng gần như chỉ có một lựa chọn duy nhất” – Khôi nói và cho biết thêm, để duy trì thói quen của khách hàng, WeFit tiếp tục sử dụng các công nghệ hỗ trợ như nhắc nhở khách hàng qua ứng dụng, SMS, facebook, gmail. Những cuộc đua tập luyện cũng được đặt ra để khuyến khích mọi người tới phòng tập nhiều hơn.
Khi được hỏi, thị trường healthy và fitness lớn vậy, anh có sợ những đối thủ khác không? Nguyễn Khôi quả quyết: “Không! Mục tiêu của tôi không phải 3% khách hàng đang đi tập mà là hơn 90% người chưa đi tập. Nếu có đối tác khác nhảy vào lĩnh vực này, tất cả sẽ cùng nhau đào tạo thị trường. Sức của WeFit không thể làm nhanh được nên có đối thủ thì càng tốt.”
Hiện đã có khoảng 30-35% lượng phòng tập ở Việt Nam được kết nối qua hệ thống của WeFit. Nhưng tham vọng của người đứng đầu WeFit không dừng lại ở đó. WeFit đang mở rộng ra lĩnh vực làm đẹp với hơn 30 đối tác tại Hà Nội và sẽ triển khai trong tháng 12 tại TP Hồ Chí Minh.
“Tham vọng của tôi là xây dựng một hệ sinh thái với những sản phẩm hướng tới lifestyle trên nền tảng của WeFit. Ở đó, không chỉ có fitness, làm đẹp mà khách hàng còn có thể tham gia các môn thể thao như đua ngựa, bắn cung… và sau này là các dịch vụ tương đồng khác liên quan đến lifestyle. Mỗi một người dùng khi tham gia vào hệ sinh thái qua ứng dụng WeFit sẽ được đáp ứng mọi nhu cầu liên quan đến lifestyle để cuộc sống trở nên dễ chịu, thoải mái và tiện lợi hơn. Thời điểm này, giấc mơ mà tôi đang xây dựng có vẻ mới ở Việt Nam nhưng tôi tin rằng vài năm nữa, nó sẽ trở thành xu hướng” - Khôi tin tưởng.
Theo Khoa học và Phát triển
http://khoahocphattrien.vn/cong-nghe/nguyen-khoiceo-wefit-nguoi-tien-phong-dua-cong-nghe-vao-linh-vuc-fitness/20171207102013666p1c859.htm