Nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Lê Nghiêm: “Báo chí nước ta tự do và không có rào cản lớn“

VietTimes -- Bên thềm Hội thảo “Báo chí trong kỷ nguyên mạng xã hội: Đổi mới hoạt động và kinh doanh báo chí trước thách thức của truyền thông xã hội”, VietTimes đã có cuộc trao đổi riêng với ông Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT về xu hướng phát triển báo chí truyền thống trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của mạng xã hội.
Nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT, ông Lê Văn Nghiêm.

PV: Đứng trước sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội, theo ông thách thức lớn nhất của báo chí truyền thống vào thời điểm này là gì?

Trước hết, chúng ta phải thấy rằng mạng xã hội phát triển đã đem lại cơ hội lớn cho báo chí, cũng như cho các nhà báo. Mạng xã hội là nơi xuất phát của những manh mối thông tin ban đầu, dưới nhiều hình thức: văn bản, hình ảnh, video v.v. do từng nhà báo hoặc công dân đăng tải.

Mạng xã hội cung cấp manh mối sự thật cho nhiều câu chuyện, trong đó có rất nhiều câu chuyện thú vị. Vì vậy, chúng ta phải coi đây là cơ hội để nhà báo và báo chí khai thác. Nếu coi mạng xã hội là mỏ quặng lớn thì nhà báo và cơ quan báo chí phải trở thành nhà máy xử lý quặng thành vàng.

Nói cách khác, chúng ta phải tiếp nhận mạng xã hội như cơ hội lớn về nguồn thông tin. Tuy nhiên, nguồn thông tin trên mạng xã hội cũng “thượng vàng hạ cám”. Trong đó, có những nguồn thông tin rất tốt và cũng có nguồn không có độ tin cậy cao. Do đó, thông tin trên mạng xã hội cần nhà máy xử lý là các nhà báo và cơ quan báo trí.

Theo tôi, trách nhiệm lớn nhất của cơ quan báo chí trong thời điểm hiện nay là phải kiểm chứng và xác minh thông tin xuất hiện hàng ngày, hàng giờ trên mạng xã hội. Đặc biệt là những thông tin mà dư luận quan tâm, dưới ngòi bút của nhà báo sẽ trở thành những sản phẩm báo chí “vàng ròng” để phục vụ đảng, nhà nước và người dân.

PV: Có một facebooker khá có ảnh hưởng trên mạng xã hội nói rằng báo chí muốn cạnh tranh với mạng xã hội thì không được sợ mạng xã hội. Theo đánh giá của ông, liệu tính chân thực và chính thống có giúp báo chí thắng được mạng xã hội hay không?

Vai trò của báo chí phải thể hiện được trong tình hình hiện tại, khi mà thông tin nhiều như “thác lũ”, chủ yếu là đến từ mạng xã hội. Vì vậy, người dân rất cần thông tin chính thống và có độ tin cậy cao.

Thông tin xác thực, chính thống là ưu thế từ sản phẩm của nhà báo, các cơ quan báo chí. Ngày nay, các thông tin vụn vặt, lá cải trên báo chí rất nhiều gây ra hiện tượng bão hòa, bội thực thông tin. Vì vậy, đây chính là cơ hội cho các cơ quan báo chí, khi người dân đang “đói” những thông tin chính thống, chất lượng và có độ tin cậy cao.

PV: Theo một chuyên gia tại Đại học Luật Hà Nội, báo chí truyền thống đang bị gò bó bởi quy định của các nhà quản lý. Để báo chí truyền thống cạnh tranh được với mạng xã hội thì các nhà quản lý nên gỡ bỏ một số rào cản với báo chí. Là một người từng làm công tác quản lý, cá nhân ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

Mặc dù vẫn còn một số ý kiến cho rằng tự do báo chí đang bị hạn chế tại Việt Nam, nhưng theo tôi, báo chí nước ta tự do và không có rào cản lớn. Khó khăn lớn nhất của báo chí hiện nay là tiếp cận thông tin chính thức của nhà nước. Báo chí hiện nay thực sự rất “đói” thông tin chính thức để lan tỏa tới người dân.

Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các thủ trưởng, người phát ngôn phải thể hiện trách nhiệm cung cấp thông tin chủ động cho báo chí theo quy định của Luật Báo chí và Nghị định 09/2017/NĐ-CP về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Hiện nay tại Việt Nam có 11.000 người phát ngôn ở cấp phường/xã, hơn 700 người phát ngôn ở cấp quận/huyện, hơn 40 người phát ngôn ở cấp bộ trưởng/trưởng ban ngành và hàng ngàn người phát ngôn ở cấp cục-vụ-viện hoặc giám đốc các sở ngành tại địa phương.

Theo quy định của Nghị định 09/2017/NĐ-CP, người phát ngôn có trách nhiệm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của báo chí.

Như đã nói, luật pháp cho báo chí đặc quyền rất lớn về tiếp cận thông tin nhưng lại chưa được thực hiện đúng như kỳ vọng. Vấn đề này bắt nguồn từ cả 2 phía, đầu tiên là nhận thức về trách nhiệm của người phát ngôn, thủ trưởng các cơ quan nhà nước. Vấn đề còn lại nằm ở chính nhận thức và phương pháp làm việc của báo chí.

Báo chí phải đấu tranh, có kỹ năng và phương pháp phù hợp thì mới thực hiện được đặc quyền tiếp cận thông tin. Qua đó, chúng ta có thể thấy ý nghĩa của việc nắm chắc hành lang pháp lý, hiểu rõ quyền và trách nhiệm đối với các nhà báo để thực hiện đặc quyền tiếp cận thông tin.

Nguồn thông tin của cơ quan nhà nước là nguồn quan trọng nhất, giúp cơ quan báo chí đảm bảo chất lượng thông tin, xác minh để vạch trần tin giả mạo. Tôi cho rằng nguồn thông tin này đang có sự “ách tắc” và cần phải giải tỏa để báo chí thực hiện tốt nghĩa vụ của mình.