Ông Lê Ngọc Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC, Bộ TT&TT) trao đổi tại Hội nghị thành viên Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX-NOG 2024), vừa diễn ra tại Thừa Thiên Huế.
Dẫn “Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ông Lê Ngọc Đức khẳng định về phương hướng phát triển Hạ tầng số bao gồm hệ thống Internet Việt Nam. Trong đó, mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng (peering), kết nối tới trạm trung chuyển Internet (IXP), tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX.
Cùng với đó, Việt Nam định hướng mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối, trung tâm dữ liệu khu vực và thúc đẩy việc xây dựng nền tảng giám sát hiệu suất truy cập Internet trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng đảm bảo chất lượng mạng Internet Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng Quản lý VNNIC chia sẻ về việc tăng cường hợp tác kết nối phát triển VNIX, phát triển hạ tầng Internet Việt Nam, theo định hướng quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông. Cùng với đó là nhu cầu phát triển nguồn lực thông qua các chương trình đào tạo, tận dụng nguồn lực quốc tế để phát triển Internet Việt Nam.
"Thúc đẩy phát triển kỹ thuật công nghệ, hạ tầng Internet, chuyển đổi Ipv6, tăng cường kết nối peering, hợp tác đảm bảo an toàn an ninh mạng để phát triển Internet Việt Nam an toàn bền vững", ông Đức nói.
Hội nghị đã tập trung thảo luận kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm quản trị vận hành hạ tầng mạng, tăng cường kết nối ngang hàng (peering), kết nối ngang hàng từ xa; ứng dụng các công nghệ mới để phát triển các nền tảng quản lý nâng cao hiệu quả quản trị, vận hành hạ tầng mạng, khai thác dữ liệu mạng, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn hạ tầng Internet Việt Nam.
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của Internet, kết nối ngang hàng, trao đổi lưu lượng (Internet Exchange - IX) qua các điểm trung chuyển IXP (Internet Exchange Point) có vai trò ngày càng quan trọng. Tính đến hiện tại, toàn cầu có gần 1.200 IXP đang hoạt động, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 178 IXP. Giá trị cốt lõi của IXP là peering, tăng cường kết nối peering qua IXP nhằm tiết kiệm chi phí, tăng cường chất lượng dịch vụ, giúp cho mạng Internet phẳng hơn.
Về an toàn Internet, hạ tầng số để phát triển bền vững, Hội nghị nhất trí an toàn hạ tầng số cần được quan tâm nhiều hơn, tăng cường kết nối qua VNIX giúp phát triển và tăng cường an toàn cho hạ tầng số. Ứng dụng ký số xác thực tài nguyên Internet RPKI để đảm bảo an toàn định tuyến Internet; tăng cường khai thác dữ liệu mạng, dữ liệu hệ thống DNS để đánh giá, giám sát, đảm bảo an toàn hạ tầng mạng… Ứng dụng công nghệ mới AI, Automation để nâng cao năng lực quản lý, quản trị mạng Internet.
Về phát triển nguồn nhân lực, kết nối các kỹ sư, chuyên gia mạng, VNIX-NOG đã quy tụ được các kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, công nghệ, thông qua hội nghị, các chương trình đào tạo (workshop) mang tính thực tiễn cao giúp phát triển nguồn lực nghiên cứu, phát triển ứng dụng và quản trị, vận hành, đồng thời kết hợp với nguồn lực quốc tế để phát triển Internet Việt Nam.
Được tổ chức lần đầu năm 2016, Hội nghị VNIX-NOG là diễn đàn kỹ thuật chuyên sâu thường niên dành cho các kỹ sư, chuyên gia mạng Internet Việt Nam, theo mô hình NOG quốc tế (Network Operator Group).
Qua 8 năm tổ chức, Hội nghị VNIX-NOG 2024 đã trở thành diễn đàn quan trọng của đội ngũ các kỹ sư, chuyên gia mạng trong nước, cùng nhau thảo luận chia sẻ các công nghệ, giải pháp mới, kinh nghiệm quản trị, vận hành... nhằm thúc đẩy phát triển VNIX, tăng cường đảm bảo an toàn, tin cậy hạ tầng Internet quốc gia, góp phần đảm bảo Internet Việt Nam rộng khắp, phổ cập, an toàn, bền vững.