Đề án nghiên cứu và sản xuất máy tính do Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia (NCCNQG) thực hiện với sự giúp sức, đặt hàng của Bộ Giáo dục, mà thời đó, GS.VS. Phạm Minh Hạc đương nhiệm Bộ trưởng. Sau 30 năm, GS.VS. Phạm Minh Hạc đã chia sẻ với VietTimes nhiều chi tiết ít người biết xung quanh đề án này.
Đầu tư từ tiền đóng góp của cán bộ
- Được biết, từ những năm 1986 – 1987, Bộ Giáo dục đã đặt hàng Viện NCCNQG sản xuất máy tính với mục tiêu sử dụng trong toàn ngành giáo dục. Chuyện đó như thế nào, thưa ông?
Trước giai đoạn đó, ngay từ những năm 1980, chúng tôi đã có ý định đưa máy tính, đưa tin học vào trường học. Từ năm 1981 đến năm 1987, tôi là Viện trưởng Viện khoa học Giáo dục Việt Nam, chúng tôi đã cử người sang Pháp học hơn nửa năm về máy tính. Và cũng thời đó, cuốn sách đầu tiên về máy tính trong trường học, in tại NXB Giáo dục đã được phát hành. Từ thời đó, chúng tôi đã nhận thấy việc học tin học, học máy tính trong trường học là điều cần thiết.
Bộ Giáo dục thời đó là nơi phụ trách các chuyên gia đi sang châu Phi giảng dạy và họ có trích một khoản từ tiền lương nộp về cho nhà nước. Năm 1987, khi tôi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, số tiền đó cỡ vào khoảng vài trăm ngàn USD. Chúng tôi thống nhất về việc dùng tiền đó để mua máy tính. Lúc đó máy tính ở Việt Nam còn rất hiếm, hầu như chưa ai có, chưa ai biết dùng.
- Và thời đó, Bộ Giáo dục đã “bắt tay” với Viện NCCNQG để sản xuất máy tính?
Từ thời những năm 1980, tôi có một vài dịp được mời đi nước ngoài, từ lúc ấy, chúng tôi đã nhận thấy máy tính là thứ rất hiện đại, có thể làm thay đổi tư duy của con người. Từ đó, chúng tôi quyết tâm phải làm thế nào đưa máy tính về tới nhà trường.
Khi đó, ông Vũ Đình Cự - Viện trưởng Viện NCCNQG muốn Bộ Giáo dục đặt hàng để Viện sản xuất. Chúng tôi đồng ý với mong muốn để các em học sinh khắp cả nước có máy tính sử dụng.
Nhưng không may phòng nghiên cứu máy tính Bác Tô bị cháy, làm toàn bộ kết quả nghiên cứu sản xuất mất hết. Tôi rất tiếc! Quá trình tiếp cận và sử dụng máy tính của học sinh Việt Nam bị chậm lại. Phải sau năm 1990, máy tính mới xuất hiện đại trà tại Việt Nam.
Dự án đầu tư chính thức đầu tiên để sản xuất máy tính nhưng không thành công
- Sau đám cháy, việc “đặt hàng” để sản xuất, lắp ráp máy tính tất nhiên không thành công. Ông có phải giải trình về số tiền đã đặt hàng cho Viện NCCNQG?
Đây là quỹ bằng ngoại tệ của chuyên gia đóng góp, để trong quỹ của Bộ Giáo dục. Thời đó, tôi là Bộ trưởng, tôi bảo thì các anh em người ta thực hiện.
Sau vụ cháy, chúng tôi phải công bố sự việc này trong Bộ. Các cán bộ của Bộ Giáo dục khi ấy đều biết chủ trương và từng bước thực hiện đều rất công khai.
Từ lúc ấy, chúng tôi đã nhận thấy máy tính là cái thứ rất hiện đại, làm thay đổi tư duy con người. Từ đó, chúng tôi quyết tâm phải làm thế nào đưa máy tính về tới nhà trường.
|
- Ông nghĩ thế nào khi có một số ý kiến cho biết Việt Nam đã sản xuất máy tính từ trước giai đoạn Máy tính Bác Tô?
Chắc là hồi đó, người nào làm khoa học nổi tiếng lắm thì mới có, chứ nhà nước không có. Tôi nhớ là cán bộ nhà nước thời đó chưa biết máy tính là gì.
Như tôi được biết, đây là dự án sản xuất máy tính chính thức đầu tiên, mà số tiền đầu tư lúc đó tính bằng ngoại tệ, cũng là con số rất lớn.
Thời những năm 80, máy tính tại Việt Nam hầu như mang ở nước ngoài về. Thế nên nó cực hiếm, những người biết về máy tính chắc chỉ có những nhà khoa học, người đi học ở nước ngoài mang về.
- Ông còn nhớ cảm giác của mình khi biết tin phòng nghiên cứu sản xuất, lắp ráp máy tính, nơi Bộ Giáo dục đầu tư số tiền ngoại tệ lên tới hàng trăm ngàn USD bị thiêu rụi và mong muốn có máy tính trong toàn ngành Giáo dục cũng theo đó mà phải dừng lại?
Tôi biết tin ngay. Tôi tiếc lắm chứ, Bộ Giáo dục tiếc lắm chứ. Đây là một sự cố lớn, nhưng cũng là nguyên nhân khách quan, nên chúng tôi chỉ có thể nói là rất tiếc. Tôi rất tiếc cho một đề án dở dang!
- Xin cảm ơn ông!
GS.VS. Phạm Minh Hạc sinh ra và lớn lên tại làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, trong một gia đình có công với cách mạng. Ông từng theo học trường chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền tại Nam Định, nay là Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông học tại Trường Trung học Nguyễn Thượng Hiền, Quân khu 3. Giải phóng Thủ đô, ông trở về Hà Nội học khoa Văn, thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau 1 năm học, ông được chọn là một trong 4 sinh viên của trường đi đào tạo ở Liên Xô.
Ông có 14 năm theo học ở Liên Xô, từ ĐH đến bảo vệ thành công luận án TSKH. Ông được phong Tiến sĩ Khoa học Tâm lý học (1977) tại trường Đại học tổng hợp Lômônôxôp, Nga. Được phong Giáo sư (1984), phong Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học chính trị Nga (1999)
Năm 1981, ông làm Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, từ năm 1985 đến 1987 là Thứ trưởng Bộ Giáo dục kiêm Viện trưởng. Sau đại hội đổi mới tháng 12/1986, tháng 2/1987 ông được cử làm Bộ trưởng, đến năm 1990 khi sáp nhập Bộ Giáo dục với Bộ Đại học thành Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông làm Thứ trưởng thứ nhất đến 1996, rồi về làm Phó trưởng ban thứ nhất Ban Khoa giáo trung ương.