Nguy cơ Mỹ áp thuế trừng phạt Việt Nam “thao túng tiền tệ” rất thấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chính quyền của ông Biden đang cân nhắc về khả năng có áp thuế lên Việt Nam liên quan đến các hành vi từng bị chính quyền ông Trump dán nhãn là “thao túng tiền tệ” hồi năm ngoái.
Dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng mạnh trong 4 năm qua. Ảnh: IE.
Dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng mạnh trong 4 năm qua. Ảnh: IE.

>> Đường đến Nhà Trắng của người lẩy Kiều với Tổng Bí thư Việt Nam

Theo các chuyên gia, mặc dù khả năng Mỹ thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam thấp hơn nhiều so với dưới thời ông Trump nhưng Việt Nam cần có chiến lược ứng phó và giải toả nguy cơ này.

Hãng Bloomberg tuần trước đưa tin các quan chức Bộ Tài chính, Cơ quan Đại diện Thương mại, Bộ Thương mại và Hội đồng An ninh Quốc gia dự kiến sẽ có các cuộc thảo luận kín về việc liệu Mỹ có nên tiếp tục tiến tới áp thuế lên Việt Nam hay không.

Tháng 10 năm nay sẽ là thời hạn chót để Mỹ ra phán quyết, một năm sau khi Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) khởi động các cuộc điều tra đối với Việt Nam theo Điều khoản 301, Luật Thương mại 1974.

Nguy cơ Việt Nam bị cáo buộc “thao túng tiền tệ”

Trong những ngày cuối nhiệm kì của Tổng thống Donald Trump, chính quyền Mỹ đã cáo buộc “các hành vi, chính sách và biện pháp can thiệp của Việt Nam góp phần vào việc định giá thấp đồng tiền của Việt Nam.

Bao gồm: những can thiệp quá mức vào thị trường ngoại hối và các hành động liên quan khác, xét trong bối cảnh tổng thể của tất cả những hành động này,” là “không hợp lý” và “gây khó khăn cho hoặc hạn chế thương mại của Hoa Kỳ.” (Báo cáo của USTR ngày 16/1/2021).

Hệ luỵ của kết luận này là Chính quyền Mỹ có thể tiến hành những biện pháp liên quan đến các hành vi, chính sách và biện pháp can thiệp của Việt Nam theo Điều khoản 301.

USTR đã từng sử dụng cuộc điều tra theo Điều khoản 301 để ra phán quyết áp mức thuế trừng phạt lên tới 25% đối với toàn bộ 370 tỉ USD hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, khơi nguồn cho cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt của chính quyền Trump với Bắc Kinh trong suốt hai năm.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, USTR “không thực hiện bất kỳ hành động cụ thể nào liên quan đến các kết luận trên.” Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer “hi vọng rằng Hoa Kỳ và Việt Nam có thể tìm ra con đường giải quyết các mối quan tâm của chúng tôi (liên quan đến các chính sách và biện pháp can thiệp tiền tệ).”

Hồi tháng 4, chính quyền ông Biden đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước “thao túng tiền tệ” theo cáo buộc hồi đầu tháng 12 của chính quyền Trump.

Bộ Tài chính cho rằng “không đủ bằng chứng” để kết luận Việt Nam sử dụng các công cụ tiền tệ theo hướng giành “lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế”.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành khu vực, Hội đồng Kinh tế Mỹ - ASEAN.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành khu vực, Hội đồng Kinh tế Mỹ - ASEAN.

Theo ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành khu vực, Hội đồng Kinh tế Mỹ - ASEAN, hàng loạt những động thái cho thấy mục đích cuối cùng của Mỹ vẫn là giảm thâm hụt thương mại (trước mắt) và hướng tới cân bằng hoặc thặng dư thương mại (về lâu dài) với Việt Nam.

“Mỹ muốn tăng xuất khẩu vào Việt Nam chứ không phải giảm nhập khẩu từ Việt Nam bởi vì điều này có lợi cho tất cả các bên ở Mỹ. Do đó, nếu có những biện pháp khác hiệu quả hơn so với thuế để đạt được mục tiêu cuối cùng này.

Ví dụ như Việt Nam ban hành chính sách nhập nhiều nông sản Mỹ hơn, thì về logic chính quyền Mỹ sẽ không áp thuế trừng phạt nhập khẩu,” ông Thành nói thêm.

Chiến lược ứng phó của Việt Nam

Là người theo sát các diễn tiến trong quan hệ Việt – Mỹ, đặc biệt trong mảng kinh tế, ông Vũ Tú Thành cho rằng Việt Nam đã khá thành công khi áp dụng chiến thuật “câu giờ” trong giai đoạn vừa qua khi vượt qua được những nguy cơ dưới thời chính quyền ông Trump.

Mặc dù bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ dán nhãn “thao túng tiền tệ” và USTR ra báo cáo ban đầu kết luận “có vi phạm”, nhưng Mỹ không áp biện pháp trừng phạt nào và cho Việt Nam thêm thời gian để đàm phán và điều chỉnh chính sách.

“Việt Nam đang có những động thái điều chỉnh cần thiết về các hoạt động và biện pháp can thiệp tiền tệ, trong đó có việc giảm mua vào ngoại tệ.

Tuy nhiên, để điều chỉnh cán cân thương mại theo hướng cân bằng hơn là cả một quá trình đòi hỏi nỗ lực hợp tác của cả hai nước trong thời gian tới,” ông Vũ Tú Thành nhận xét.

Hồi tháng 10/2020, Việt Nam và Mỹ đã kí kết các thoả thuận mua điện khí hoá lỏng (LNG) từ Mỹ trị giá nhiều tỷ USD.

Ngành gỗ, đối tượng của cuộc điều tra hồi tháng 10 năm ngoái của USTR cũng đã cam kết siết chặt các thủ tục và luật lệ mua bán nguyên liệu cũng như nhập nhiều cao su từ Mỹ hơn nhằm tránh bị áp thuế trừng phạt

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: FUV.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: FUV.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cảnh báo vấn đề thặng dư thương mại Việt – Mỹ nếu không được giải quyết sẽ luôn gây căng thẳng về mặt chính trị trong quan hệ hai nước, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng mạnh lên ở Mỹ.

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, mất cân đối thương mại Việt – Mỹ là một vấn đề mang tính cơ cấu khi Việt Nam trở thành trung tâm thu hút FDI, “công xưởng” sản xuất các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo để xuất khẩu trong khu vực.

“Xu hướng này không thể đảo ngược được vì những yếu tố tác động vẫn đang tiếp diễn như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông Thành giải thích.

Dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng mạnh trong 4 năm qua: từ 38,3 tỷ USD năm 2017 lên mức 55,7 tỷ USD năm 2019 và xấp xỉ 65 tỷ USD năm 2020.

Tin tốt là, theo các chuyên gia, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để đẩy mạnh hợp tác hơn nữa với Mỹ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, trong bối cảnh chính quyền Biden xác định Việt Nam như một trong những đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á./.