Giáo sư Harvard: Mỹ sai lầm lớn khi dán nhãn Việt Nam “thao túng tiền tệ”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Giáo sư Jason Furman, Đại học Harvard, từng là người đứng đầu Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) của Tổng thống Barack Obama, chỉ ra rằng việc dán nhãn Việt Nam “thao túng tiền tệ” là sai lầm lớn.

Giáo sư Jason Furman, Đại học Harvard, từng là người đứng đầu Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) của Tổng thống Barack Obama. Ảnh: AP.
Giáo sư Jason Furman, Đại học Harvard, từng là người đứng đầu Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) của Tổng thống Barack Obama. Ảnh: AP.

Giáo sư Jason Furman, hiện là nghiên cứu viên cao cấp viện Peterson, cũng cho rằng việc dán nhãn "thao túng tiền tệ" cho Việt Nam là minh họa cho những trục trặc lớn hơn của khái niệm thao túng tiền tệ.

VietTimes trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư Jason Furman, được chuyển ngữ bởi Giảng viên Nguyễn Quý Tâm (Đại học Fulbright Việt Nam).

Tại sao không nên xem Việt Nam là thao túng tiền tệ?

Lần gần nhất mà IMF định giá đồng tiền Việt Nam là 2018. Họ dùng phiên bản “rút gọn” của mô hình “đánh giá cán cân bên ngoài”, trong đó so sánh thực tế của cán cân vãng lai với mức mà họ cho là nên có. Mô hình này cũng ước tính mức độ điều chỉnh tỉ giá hối đoái cần thiết để lấp khoảng cách này.

Theo đó, đồng tiền Việt Nam bị định giá thấp khoảng 8,4%, có lợi cho xuất khẩu trong khi thúc đẩy thương mại và tăng cán cân tài khoản vãng lai.

Tuy nhiên, IMF cũng đưa ra cách đo lường khác dựa vào mô hình “tỉ giá hối đoái hiệu dụng thực” (Real Effective XR), mô hình này dựa vào phân tích thống kê tỉ giá hối đoái. Nó phát hiện rằng đồng tiền Việt Nam bị định giá cao đến 15,2%, nó cho thấy chính sách tỉ giá đang thật sự gây bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.

Dù IMF chọn kết quả của mô hình Đánh giá Cán cân bên ngoài, vì nó ít gây ồn ào hơn, nhưng kết quả chênh lệch quá lớn giữa hai cách tính này cho thấy câu trả lời là rất thô và không vững.

Hơn nữa, VND gần như không đổi so với USD kể từ giữa 2018, nhưng lại mạnh lên so với giá trị tiền tệ của các đối tác thương mại khác của Việt Nam, như trong hình 1, tăng 2% theo chỉ số tỉ giá hối đoái thực hiệu dụng tổng hợp và 8% khi tính theo chỉ số PPI (chỉ số giá nhà sản xuất), ứng với các giá trị bình quân hàng năm của VND trong năm 2018.

Đọc thêm: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump

Giá trị của VND so với USD từ tháng 1/2018 đến tháng 11/2020 gần như không đổi.

Giá trị của VND so với USD từ tháng 1/2018 đến tháng 11/2020 gần như không đổi.

Chênh lệch này phản ánh thực tế rằng đồng USD cũng mạnh lên so với các đồng tiền khác từ 2018.

Việt Nam đã không can thiệp nhiều để bảo vệ tỉ giá hối đoái khỏi tăng giá so với việc cho phép tỉ giá tăng theo mặt bằng chung thế giới. Những thay đổi từ 2018 sẽ loại bỏ phần lớn kết quả định giá lệch của IMF năm này, đưa những tính toán đối với Việt Nam vào biên độ sai sót cho phép trong thước đo của IMF và có vị trí tương tự như nhiều đồng tiền khác trên thế giới.

Những tuyên bố khác ủng hộ lập luận của Bộ Tài chính Mỹ cũng khá yếu ớt. Việt Nam đúng là có tích lũy dự trữ đáng kể năm vừa rồi (2020), nhưng chỉ bằng 25% GDP, ít hơn hẳn so với mức tích lũy của các nước láng giềng như Malaysia và Thái Lan, và nói chung là phù hợp với các nền kinh tế mới nổi khác.

Theo dự báo thì Việt Nam sẽ có thặng dư tài khoản vãng lai tương đối nhỏ, chỉ 1,2% GDP năm 2020, giảm từ mức 3,4% năm 2019. Nhận định của Bộ Tài chính Mỹ, dù theo luật, là dựa nhiều vào thặng dư thương mại song phương, vốn đã gia tăng so với Mỹ. Nhưng phần thặng dư này chủ yếu là do sự chuyển dịch sản xuất xuất khẩu sang Việt Nam hơn là do thay đổi chính sách trong nước.

Sự không liên thông giữa tài khoản vãng lai hay cán cân thương mại nói chung với cán cân thương mại song phương này đã giúp lý giải tại sao lại có sự thống nhất rộng rãi rằng các tiêu chí song phương áp đặt cho việc định giá sai lệch tiền tệ là không hợp lý.

Sau nữa, cần biết rằng cho tới nay sự giao động của VND là không đáng kể, hay hầu như không thay đổi, so với các nền kinh tế mới nổi thuộc khối G20, như trong hình 2. Đương nhiên mỗi nước sẽ có áp lực cân đối tỉ giá khác nhau, nhưng Việt Nam là một trong vài nước có tỉ giá so với USD không giảm trong 2020.

Sự giao động của VND so với USD gần như không đáng kể so với các nền kinh tế mới nổi G20

Sự giao động của VND so với USD gần như không đáng kể so với các nền kinh tế mới nổi G20

Vấn đề lớn hơn với khái niệm thao túng tiền tệ

Việc Bộ Tài chính chỉ mặt đặt tên Việt Nam là thao túng tiền tệ cho thấy 2 vấn đề lớn của toàn bộ khái niệm này. Đó là khung đánh giá này dựa quá nhiều vào các thước đo thâm hụt song phương và còn hơn thế nữa.

Thứ nhất, Việt Nam áp dụng cơ chế quản lý chặt tỉ giá theo USD, với biên độ giao dịch tương đối hẹp năm 2018, và duy trì tỉ giá bằng cách phối hợp hai công cụ thay đổi dự trữ và kiểm soát vốn.

Tỉ giá cố định có cả được lẫn mất, cơ bản là một nước sẽ từ bỏ một số lợi ích trong việc tự chủ chính sách tiền tệ vĩ mô để có được lợi ích lớn hơn khi tiên liệu được dòng thương mại.

Với nhiều nền kinh tế nhỏ phụ thuộc vào ngoại thương, tỉ giá cố định có thể là chọn lựa chính sách hợp lý, và các nước áp dụng nó sẽ có những thời đoạn đi chệch khỏi trạng thái tỉ giá đáng ra phải có theo mô hình vĩ mô cơ bản.

Hơn nữa, ở góc độ chọn lựa chính sách không hợp lý thì cơ chế tỉ giá này thật ra là vấn đề nội địa của nước áp dụng, hơn là vấn đề quốc tế.

Thứ hai, xét theo nhiều góc độ thì tất cả các chính sách tiền tệ đều là thao túng đồng tiền. Khi FED giảm lãi suất liên bang mục tiêu, thì cơ quan này nhắm đến làm yếu đồng USD và thúc đẩy xuất khẩu. Quốc gia có cơ chế tỉ giá cố định sẽ đạt được kết quả tương tự bằng cách ấn định mức giảm tỉ giá và cho phép lãi suất chuyển dịch tương ứng.

Trong cả hai trường hợp, chính sách làm thay đổi cả lãi suất lẫn tỉ giá hối đoái và về mặt tư duy thì hai cách này không có gì khác nhau.

Mỹ không thể đơn phương hành động

Chính sách tiền tệ và tỉ giá của Việt Nam, với qui mô nền kinh tế chỉ bằng 1% so với Mỹ, chỉ có tác động “muỗi” lên nền kinh tế Mỹ. Cán cân tài khoản vãng lai, cán cân thương mại, và tỉ giá hối đoái chủ yếu do các yếu tố nội địa quyết định như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, hay những quyết định tiết kiệm hay đầu tư của doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đứng trước lá cờ Việt Nam trong buổi lễ đến Hà Nội, ngày 12/11/2017. (Ảnh: AFP / Jim Watson)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đứng trước lá cờ Việt Nam trong buổi lễ đến Hà Nội, ngày 12/11/2017. (Ảnh: AFP / Jim Watson)

Trong chừng mực Việt Nam đang phá giá đồng tiền, thì tác động lớn nhất sẽ là sự chuyển dịch nguồn nhập khẩu vào Mỹ từ các nước sang Việt Nam, trong khi qui mô nhập khẩu không thay đổi. Điều này có thể khiến các láng giềng Việt Nam phật lòng, nhưng Mỹ không cần phải quan tâm.

Ngay cả khi chính sách của Việt Nam có tác động đối với Mỹ, thì cũng không rõ tác động ròng là tích cực (hàng hóa rẻ hơn cho người tiêu dùng Mỹ) hay tiêu cực (dân Mỹ mất việc làm).

Còn nếu vấn đề nằm ở chỗ tỉ giá bị định giá sai lệch, thì nó phải được xem xét trên cơ sở đa phương (ví dụ, xét tỉ giá hối đoái hiệu dụng tổng quát và cán cân tài khoản vãng lai tổng thể thay vì song phương). Như nhận xét của nhà nghiên cứu Euijin Jung của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson: “Điều mỉa mai là nếu Mỹ là thành viên của TPP thì ta đã có thể dùng các điều khoản trong thỏa thuận tiền tệ bên lề để hạn chế việc thao túng tiền tệ của Việt Nam”.

Năm ngoái khi Bộ Tài chính chỉ mặt Trung Quốc là thao túng tiền tệ thì cũng có ít cơ sở, và khả năng là tương tự trong trường hợp Việt Nam. Nhưng để khi chuyện này ngã ngũ thì tổn thất sẽ là đôi bên không thể tập trung vào những khía cạnh quan trọng trong mối quan hệ kinh tế cùng với khả năng thương chiến nếu thuế chống trợ giá được áp đặt và Việt Nam đưa vụ việc ra WTO.

Chốt lại thì tổn thất lớn nhất là thông qua việc dùng các yếu tố bên ngoài để thay thế những vấn đề nội tại của Mỹ, nó sẽ khiến nước Mỹ không tập trung vào những cách thức thực tế để giải quyết những cán cân bên trong và bên ngoài của mình, chủ yếu là thông qua các chính sách trong nước, chứ không phải bằng cách thay đổi các chính sách của một nước có qui mô chỉ bằng 1% của mình”./.