"Trong hơn 40 năm qua, ngành công nghiệp đã hưởng nhiều lợi thế nhờ dòng chảy thông tin tự do toàn cầu. Tuy nhiên, tình hình này có thể thay đổi trong tương lai, dòng chảy thông tin sẽ không còn tự do. Hàng rào thuế quan có thể được dựng lên, chúng ta phải chuẩn bị cho điều đó", chủ tịch tập đoàn sản xuất chip bán dẫn Đài Loan TSCM Mark Liu nói trong hội thảo ở Đài Bắc hồi đầu tuần.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm cách giới hạn hoặc chặn hoàn toàn nguồn cung ứng cho các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, như Huawei, do coi họ là mối đe dọa an ninh quốc gia. Washington cũng hối thúc các doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc và đưa nhà máy về nước nhằm phục vụ các mục tiêu trong chiến tranh thương mại giữa hai nước.
Bên trong nhà máy sản xuất chip của TSMC. Ảnh: Reuters.
|
Về phần mình, Trung Quốc cũng tìm cách phát triển những doanh nghiệp nội địa, như Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Quốc tế (SMIC), nhà sản xuất chip lớn nhất nước này, nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ.
"Cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Chi phí phát triển và sản xuất sẽ cao hơn, do các công ty không thể giao dịch thoải mái trên quy mô toàn cầu", Liu nói. Ông thêm rằng những doanh nghiệp như TSMC, nhà cung ứng chủ chốt cho Apple và Qualcomm, sẽ phải liên tục cải tiến công nghệ để khẳng định vị thế của mình trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tìm cách bảo đảm khả năng tự cung tự cấp trong chuỗi cung ứng sản phẩm.
TSMC là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ đối đầu Mỹ - Trung. Tập đoàn này thông báo dừng tiếp nhận đơn hàng từ Huawei từ tháng 5 và không có kế hoạch chuyển giao đĩa bán dẫn sau ngày 15/9 nhằm tuân thủ lệnh cấm của Mỹ nhằm vào hãng viễn thông Trung Quốc.
TSMC cũng lên kế hoạch xây nhà máy 12 tỷ USD ở bang Arizona của Mỹ, động thái được coi là chiến thắng của chính quyền Trump nhằm kéo chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc.
Theo VnExpress