‘Nguồn cung xăng, dầu không lúc nào thiếu’

VietTimes – Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận nhiều câu hỏi chất vấn về vấn đề sản xuất, cung ứng và điều hành giá xăng dầu tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng nay (16/3).

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên: ‘Nguồn cung xăng, dầu không lúc nào thiếu’

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay giá xăng dầu thế giới tăng đột biến do đứt gãy nguồn cung và khủng hoảng Nga – Ukraine. Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu trong nước gặp khó khăn do nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn giảm công suất đột ngột, có lúc xuống chỉ còn 55% và trong 3 tháng qua chỉ đạt hơn 80% công suất.

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết đã chủ động trình Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối phải nhập đủ sản lượng do nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn thiếu hụt. Đến giữa tháng 2, nguồn cung xăng dầu trong nước đủ đáp ứng tới hết tháng 3/2022.

“Nguồn cung xăng, dầu không lúc nào thiếu”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

“Theo số liệu của hiệp hội xăng dầu và các doanh nghiệp đầu mối khi đó, lượng tồn kho xăng dầu khoảng 1,2 triệu m3; sản lượng sản xuất từ hai nhà máy lọc dầu khoảng 900.000 m3 và lượng nhập khẩu ở thời điểm 15/2 là 900.000 m3. Như vậy, chúng ta có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu, đủ điều kiện để cung ứng tới hết tháng 3”, ông Diên phân tích.

Theo lãnh đạo Bộ Công thương, biên độ giá xăng dầu thế giới tăng từ 40 – 60% nhưng biên độ giá trong nước chỉ tăng từ 29 – 40%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sử dụng hiệu quả, linh hoạt quỹ bình ổn xăng dầu.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) tham mưu các cấp có thẩm quyền giải quyết một cách triệt để những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của liên danh Lọc hóa dầu Nghi Sơn để làm sao đơn vị này phải giữ được cam kết ban đầu là cung cấp cho thị trường lượng xăng dầu nội địa từ 35-40% trong kỳ.

Đồng thời, cơ quan này sẽ tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu có thể tăng cường hơn nữa Quỹ Bình ổn xăng dầu theo cơ chế trích lập giá xăng dầu bán ra thị trường trong kỳ.

Trong tương lai Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, sẽ kiên trì tham mưu với cấp có thẩm quyền để vừa nâng quy mô của Quỹ bình ổn, xem xét tạo nguồn quỹ này như thế nào, từ ngân sách hay là việc trích lập trên trên mỗi lít xăng dầu để có thể có được nguồn quỹ bình ổn đúng nghĩa, tuân thủ quy luật thị trường. Muốn giữ được giá thì phải có quỹ bình ổn, còn không có quỹ bình ổn thì phải sử dụng công cụ thuế.

Cách tiếp cận mới bình ổn giá xăng dầu

Tham gia giải trình thêm về vấn đề giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, cần phải xác định được nguyên nhân tổng hợp thì mới có được giải pháp để khắc phục tình trạng giá xăng cao như hiện nay.

“Chúng ta chưa tách được dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại. Hiện nay bản thân cơ quan quản lý cũng không biết được là các thương nhân đầu mối trong kho họ có lượng hàng bao nhiêu. Đây cũng là lỗ hổng cần được xử lý trong thời gian tới. Cần tách bạch các loại dự trữ trên”, vị này phân tích.

“Có thể lập quỹ bình ổn giá lâu nay chúng ta tính bằng tiền, tới đây các bộ, ngành cùng tính toán có thể bằng hàng được không?”, Bộ trưởng Bộ Tài chính đặt vấn đề.

Theo ông Hồ Đức Phớc, không chỉ mặt hàng xăng dầu, Việt Nam cũng phụ thuộc vào nước ngoài nhiều mặt hàng khác, như thép, hoá chất.

“Mặt hàng dầu thô năm ngoái phải nhập gần 10 triệu tấn và năm nay dự kiến nhập khẩu trên 7 triệu tấn. Sản lượng xăng dầu dự kiến năm nay cũng đáp ứng 50% nhu cầu. Như vậy thì có nghĩa là chúng ta hoàn toàn phụ thuộc thị trường thế giới”, ông Phớc nói.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, cơ quan này và Bộ Công thương sẽ tham mưu cho Chính phủ và một số giải pháp, trước mắt là phải đảm bảo nguồn cung. Thứ hai là chống buôn lậu xăng dầu. Thứ ba là giảm thuế môi trường đối với xăng dầu để đảm bảo cho vấn đề sản xuất kinh doanh và phát triển.

Hiện nay, cả nước mới có 2 nhà máy sản xuất xăng dầu, bao gồm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đưa vào hoạt động từ năm 2009 và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, đưa vào hoạt động năm 2018. Cả 2 nhà máy hiện đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu cả nước (khoảng 20-21 triệu tấn xăng dầu/năm). Lưu ý rằng, nguồn dầu thô dùng cho các nhà máy lọc dầu này vẫn phải nhập khẩu./.