Xung đột Nga - Ukraine những ngày gần đây đã đẩy giá dầu Brent vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Theo ông giá dầu còn tiếp tục leo thang trong những ngày tới?
Xung đột Nga - Ukraine chỉ là yếu tố tác động thêm đẩy giá dầu tăng cao trong ngắn hạn. Các yếu tố cơ bản quyết định đến giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao, kéo dài trong thời gian tới là do kinh tế thế giới tiếp tục quá trình phục hồi mạnh mẽ, khiến nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng cao; thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác cũng như nguồn cung dầu thô ít, trữ lượng thấp, sản lượng toàn cầu gần đạt mức tối đa khiến nguồn cung chưa đáp ứng kịp thời tổng cầu.
Ngoài ra là việc Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đạt đồng thuận lớn, chỉ duy trì mức tăng khoảng 400 nghìn thùng/ngày bất chấp lời kêu gọi gia tăng sản lượng từ các nước tiêu thụ lớn như Mỹ, Ấn Độ và bất chấp nguy cơ mất cân bằng cung - cầu trên thị trường để hưởng lợi từ giá dầu tăng cao.
Lượng tồn kho tại các trung tâm nhiên liệu trên toàn cầu đạt mức thấp nhất trong nhiều năm qua khiến cho nhiều quốc gia, chẳng hạn như Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu hàng đầu thế giới, đang tăng cường mua dầu trên thị trường quốc tế kể từ đầu tháng 2/2022 vì tồn kho dầu của Trung Quốc đang ở mức tương đối thấp.
Đặc biệt, xung đột Nga - Ukraine và việc Mỹ có thể áp dụng lệnh trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực lọc dầu của Nga, làm dấy lên lo ngại rằng xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga có thể sẽ là mục tiêu trừng phạt tiếp theo. Khi đó giá dầu dự báo giữ đà tăng mạnh lên mức 125 USD/thùng trong năm 2022 và 150 USD/thùng trong năm 2023.
Tuy nhiên, ngay trong phiên giao dịch ngày 3/3/2022, giá dầu Brent đã tăng lên 118,22 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 2 năm 2013 trong khi dầu WTI tăng lên 116,6 USD/thùng và đang tiến sát tới mốc 125 USD/thùng ngay trong quý 1/2022 này.
Hiện nay, thế giới chưa có giải pháp nào có thể giải quyết hoàn toàn rủi ro về thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Ngân hàng Goldman Sachs nhận định giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế, thị trường dầu thô sẽ phải trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua. Vì vậy, theo tôi trong thời gian tới, thị trường xăng dầu thế giới còn biến động tăng và đứng ở mức cao.
Nếu lên mức 125 USD/thùng như nhiều tổ chức dự báo thì giá xăng trong nước có thể tiến sát ngưỡng 30.000 đồng/lít (hiện sát ngưỡng 27.000 đồng/lít). Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự phục hồi của các doanh nghiệp sau 2 năm bị đóng băng vì Covid-19?
Xăng dầu là nhiên liệu quan trọng, dù nhiều hay ít, gần như hầu hết các ngành đều sử dụng. Xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí sản xuất của các ngành kinh tế. Chẳng hạn trong tổng chi phí sản xuất, chi phí xăng dầu chiếm 76,73% đối với hoạt động khai thác thuỷ sản; chiếm 63,36% đối với hoạt động vận tải; 45,18% đối với khai thác than…
Khi giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào, trong khi giá bán sản phẩm hàng hoá và dịch vụ không thể tăng tương ứng vì trong và sau đại dịch sức mua của nền kinh tế yếu, tổng cầu tiêu dùng suy giảm.
Ngoài ra, vận tải đóng một vai trò trọng yếu của quá trình phân phối và lưu thông. Đối với doanh nghiệp vận tải, khi giá xăng dầu tăng dẫn đến giá các dịch vụ, phí, cước giao hàng… đều tăng. Giá xăng dầu tăng trong thời gian vừa qua đã làm chi phí của doanh nghiệp vận tải tăng. Điều này đang ảnh hưởng rất mạnh đến doanh nghiệp khi mà chi phí vận tải đường bộ ước tính sẽ bị đội lên từ 4-5% làm cho chi phí nguyên vật liệu đầu vào và giá bán sản phẩm đầu ra đều bị đội lên do giá cước vận tải tăng.
Sau đại dịch, “sức khỏe” của doanh nghiệp đã suy giảm, không còn như trước. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với hàng ngàn khó khăn và thử thách. Đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, mất cân đối dòng tiền và khủng hoảng về lao động đang là thách thức với cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong tiếp cận khách hàng.
Nếu giá xăng dầu tăng và đứng ở mức 125USD/ thùng trong dài hạn, khi đó chi phí sản xuất của các doanh nghiệp gia tăng cùng với giá cước vận tải tăng khoảng 6,5-7,5% sẽ tác động rất mạnh làm suy yếu khả năng vượt qua các khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp và làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Theo tính toán của ông, xăng tăng giá sẽ ảnh hưởng tới lạm phát của năm nay như thế nào?
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là “máu” của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế. Có thể thấy, xăng dầu là chi phí đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất hàng hoá và dịch vụ, đặc biệt xăng dầu chiếm từ 40%-45% trong cơ cấu giá thành vận tải.
Khi giá xăng dầu tăng làm cho giá hàng hoá và dịch vụ tăng theo. Bình quân 2 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, đã làm cho chỉ số giá giao thông (trong chỉ số CPI) bình quân 2 tháng tăng 15%.
Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng chi cho tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, khi giá xăng dầu tăng cũng tác động trực tiếp làm tăng lạm phát của nền kinh tế. Theo tính toán, khi xăng dầu tăng 10% làm cho lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm. Trong mức lạm phát 1,68% của 2 tháng đầu năm nay, tăng giá xăng dầu đã đóng góp tới 1,63 điểm phần trăm.
Theo tính toán, nếu giá dầu thô thế giới bình quân năm 2022 ở mức 100-125 USD/thùng, thì xăng dầu trong nước tăng bình quân từ 40-75%, khi đó chỉ riêng yếu tố xăng dầu tác động làm lạm phát của nền kinh tế tăng từ 1,44-2,7%.
Xăng dầu chiếm từ 40%-45% trong cơ cấu giá thành vận tải |
Cùng với áp lực từ sự tăng giá của xăng dầu, nguyên vật liệu sản xuất (chi phí đẩy) thì 2 yếu tố khác là đầu tư công (cầu kéo) và tiền tệ từ Chương trình phục hồi kinh tế cũng ảnh hưởng tới lạm phát. Theo ông, lạm phát năm nay dự kiến sẽ như thế nào?
Hiện nay, Chính phủ đang khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với quy mô 350 nghìn tỷ đồng cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế làm cho tổng cầu tăng đột biến là áp lực rất lớn lên lạm phát trong năm 2022.
Đặc biệt trong gói chính sách tài khoá và tiền tệ 350 nghìn tỷ đồng có tới trên 32% dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Thực hiện giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong bối cảnh nguồn cung nguyên vật liệu xây lắp không dồi dào sẽ tạo thêm áp lực lạm phát.
Bên cạnh yếu tố cầu kéo, do đại dịch Covid-19 đã gây ra đứt gãy sản xuất và chuỗi cung ứng, nếu sản xuất không sớm trở lại bình thường, thiếu hụt nguồn cung sẽ đẩy giá cả tăng cao.
Có thể thấy trong năm 2022, áp lực lạm phát của nền kinh tế nước ta xuất phát từ sự kết hợp, cộng hưởng của cả tổng cầu tăng đột biến và nguồn cung khó đáp ứng mức tăng của tổng cầu; trong đó yếu tố thứ hai đóng vai trò chính, lớn hơn trong việc gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Nói cách khác, áp lực lạm phát trong năm 2022 của nước ta vừa đến từ vấn đề kinh tế vĩ mô cũng như lạm phát chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi cung ứng trong nước.
Như vậy, cùng với áp lực lạm phát rất lớn của giá xăng dầu và tổng cầu tăng cao, đột biến, cùng với áp lực lạm phát chuỗi cung ứng trong nước và thế giới, việc kiểm soát lạm phát năm nay khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đã phê duyệt là không đơn giản.
Trong bối cảnh này, phối hợp chính sách tài khóa – tiền tệ và các chính sách khác nên như thế nào, thưa ông?
Để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát năm 2022, Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp quan trọng.
Đó là, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng; điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khoá và các chính sách khác.
Bộ Tài chính rà soát, tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí, nhất là thuế bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu, đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, giảm áp lực lạm phát từ xăng dầu, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Bộ Công Thương nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Bộ cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế.
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thực hiện minh bạch và đơn giản hoá quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hoá Việt trên thị trường thế giới.
Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý. Quyết định phù hợp thời điểm, mức độ điều chỉnh giá điện, dịch vụ do Nhà nước quản lý tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.
Cộng đồng doanh nghiệp chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiến hành sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên vật liệu, cắt giảm chi phí sản xuất; đối với các mặt hàng thiếu hụt dài hạn cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế.
Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông cần thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông nhằm thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai lệch gây ra.
Theo VnEconomy