Ngày 1/1/2017 tới, mức thuế nhập khẩu của các dòng xe ô tô nguyên chiếc từ thị trường ASEAN sẽ giảm thêm theo đúng lộ trình đã được kí kết.
Theo biểu thuế ban hành kèm Nghị định 129 do Thủ tướng Chính phủ ký kết, mức thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước thành viên ATIGA sẽ giảm xuống còn 30% kể từ ngày 1/1. Như vậy, so với mức thuế suất hiện hành là 40%, thuế nhập khẩu đối với các dòng xe từ nhiều nước trong khu vực sẽ giảm thêm 10% nữa.
Dù biểu thuế mới chỉ áp dụng đối với các dòng xe trong khu vực ASEAN. Nhưng, thị trường trong nước năm 2017 được dự đoán sẽ sôi động hơn bởi Việt Nam đang nhập nhiều xe từ các nước trong khu vực, đáng kể là Thái Lan. Thêm đó, nhiều thông tin dự đoán, trong năm tới, giá bán một số dòng xe sẽ tiếp tục giảm, nhất là các dòng xe cỡ nhỏ hay các mẫu xe bán tải bởi các dòng ô tô này tại thị trường Việt đang được nhập khá nhiều từ các thị trường này.
Đó là chưa kể đến, một số doanh nghiệp Việt Nam được chỉ định còn có hạn ngạch nhập khẩu một số dòng xe Nga miễn thuế về thị trường Việt.
Thị trường ô tô Việt Nam năm 2016 đã có sự tăng trưởng đáng chú ý về quy mô. Theo thống kê số liệu mới nhất từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 11, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt con số 271.123 chiếc, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự đoán, thị trường ô tô trong nước có thể cượt mốc 300.000 xe trong năm nay và tăng 22% so với năm ngoái.
Cùng với việc tăng/giảm thất thường của xe nhập khẩu nguyên chiếc thì xu hướng của thị trường là đang tăng nhập khẩu xe từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia do được ưu đãi thuế.
Thực tế, ngay từ đầu năm nay, lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu từ thị trường Thái Lan đã bắt đầu tăng trưởng tăng ngày càng mạnh hơn. Và Thái Lan đã vượt qua Trung Quốc và Ấn Độ, trở thành quốc gia cung cấp nhiều ô tô nhất cho thị trường Việt Nam.
Điều khiến ô tô Thái trở nên hấp dẫn hơn và vươn lên dẫn đầu về cung cấp xe nhập khẩu nguyên chiếc cho thị trường Việt Nam là mức giá rẻ và do thuế suất thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình. Điều này khiến cho xe nhập từ Thái Lan có chi phí giảm hơn so với nhập từ các thị trường khác vá khiến cho sức cạnh tranh của các dòng ô tô này rất lớn kể cả so với các dòng xe nhập từ thị trường khác hay cả với các dòng xe lắp ráp trong nước.
Cụ thể, theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11, đã có 30.372 chiếc ô tô được nhập về từ Thái Lan với trị giá 569,4 triệu USD (năm 2015 là 25.136 chiếc). Trong đó, chủ yếu tập trung vào các dòng xe cỡ nhỏ có mức giá vừa phải. Một quốc gia khác trong khu vực ASEAN là Indonesia cũng cung cấp cho thị trường Việt 3.387 chiếc xe trong 10 tháng đầu năm, đạt trị giá 39,8 triệu USD.
Một xu hướng cũng dễ nhận thấy là các nhà sản xuất trong nước đang chuyển hướng nhập khẩu một số dòng xe ăn khách tại thị trường Việt Nam. Nguyên nhân là do mức thuế nhập ưu đãi theo lộ trình đến 2018 có thể khiến chi phí sản xuất xe trong nước cao hơn xe nhập khẩu trong khu vực.
Cụ thể, theo phân tích của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thì những bất lợi về quy mô sản xuất và phải nhập khẩu hầu hết các linh kiện sản xuất, lắp ráp ô tô nên các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam phải chịu chi phí đóng gói, vận chuyển rất cao, đặc biệt thuế linh kiện. Do đó, chi phí sản xuất trong nước thường cao hơn chi phí sản xuất của xe lắp ráp tại Thái Lan và Indonesia.
Chênh lệch chi phí sản xuất có thể sẽ lên đến 20% sau năm 2018 khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN có hiệu lực và lúc này, các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc trong khu vực sẽ được miễn thuế. Do đó, các nhà sản xuất ô tô trong nước sẽ phải đối mặt với tình huống khó khăn nếu phải tiếp tục sản xuất trong nước khi nhiều mẫu xe có sức cạnh tranh cao về chi phí sẽ được nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia.