|
Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, trong tháng 3, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 24.802 xe. Trong đó, xe du lịch vẫn chiếm số lượng lớn nhất với hơn 13.200 chiếc.
Sản lượng xe lắp ráp trong nước đạt gần 20.000 chiếc, nhập khẩu nguyên chiếc là 4.800 xe. Cả 2 loại đều có doanh số bán gấp đôi so với tháng trước.
VAMA nhận định, sở dĩ doanh số bán hàng của tháng 3 tăng mạnh là do tháng 2 doanh số bán xe đột ngột giảm mạnh, chỉ bán được chưa đầy 12.000 chiếc.
Cũng theo VAMA, Thaco dẫn đầu thị trường với 10.366 xe được bán ra trong tháng 3, chiếm 44,7% thị phần. Tiếp đến là Toyota và Ford lần lượt chiếm 21,4 và 11,6% thị phần.
Báo cáo của VAMA cũng cho biết, tổng doanh số bán hàng toàn thị trường trong 3 tháng đầu năm đạt gần 60.000 chiếc, tăng 23% so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng ba, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 55%, trong khi xe nhập khẩu giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mới đây, ngày 6/4, Quốc hội đã thông Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Theo đó, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xilanh từ 1.500 cm3 sẽ giảm từ mức 45% xuống còn 40% kể từ ngày 1/7/2016, sau đó đến đầu năm 2018 giảm xuống 35%
Đối với xe dung tích xilanh từ 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 giữ nguyên mức 45% nhưng đến đầu 2018 giảm xuống còn 40%. Các loại xe có dung tích xilanh trên 2.000 cm3 đến 2.500 cm3 sẽ giữ nguyên mức 50% hiện hành.
Với các xe có dung tích xilanh trên 2.500 cm3 thuế suất sẽ tăng từ 50 lên 55% từ 1/7/2016 và đến đầu 2018 tăng lên 60%.
Xe có dung tích trên 3.000m cm3 xe tăng thuế lên 90%. Các xe có dung tích từ 4.000 cm3 đến hơn 6.000 cm3 thuế sẽ dao động tăng 130-150%.
Theo VnE