“Nội soi”
Không chỉ sản phẩm công nghệ cao “made in Vietnam” kia vừa ra mắt chừng ít phút đã có phản ứng (không phải phản hồi) mà nhìn ngược lại cứ cái gì gắn mác VN là y như rằng bị soi mói, bị “giải phẫu”, thậm chí không có tì vết thì cũng bị người ta cố tìm cho bằng được một cái lỗi gì đó rất vô duyên, thậm chí chả liên quan. Tỉ như “tôi không thích chủ nhân của nó nên tôi thấy nó xấu”, để rồi sau đó là hàng loạt lời chê bai, dè bỉu, như một cuộc đánh hội đồng, nếu không thân bại danh liệt, thì cũng khó mà ngóc đầu lên được.
Người đẹp Nguyễn Cao Kỳ Duyên ở hải ngoại từng than khó sống vì nói gì cũng chết, không nói cũng chết. “Trót” đưa lên FB mấy ảnh đi chơi giải trí là bị la: Con mẹ này giàu sao không làm từ thiện. Phản hồi là có làm từ thiện, rồi minh chứng bằng hình là bị “chửi” tiếp: Làm từ thiện phải âm thầm, sao khoe ra, cốt PR chứ gì!
Chê là một hình thức phản biện, có thể xem như là một hành động tích cực, để cho mọi sự hoàn hảo hơn, nhưng chê cũng phải cho đúng và cho trúng, nếu quá đà thì thành thói xấu, thành bệnh di căn, hết chữa. Mà chê thì hiện tại đã trở thành một trong thói xấu phổ biến của người VN, đến mức việc chê điều gì đã được (hay bị) coi đó là chuyện bình thường. Chắc ít ai nghĩ thói quen này gây ra rất nhiều hệ lụy. “Vạch lá tìm sâu”, dìm “hàng” nhau đã gần như thành một thứ văn hóa định kiến, văn hóa chê bai không từ bất cứ cái gì của VN. Nó là biến tướng của sự đố kỵ, ganh ghét, ích kỷ… Không hài lòng bất kỳ điều gì, không muốn thừa nhận ai, không muốn ai hơn mình, mà chỉ thích phê phán, phê không được thì tìm cách “dìm”, thể hiện “cái tôi” hẹp hòi, thiển cận.
NSND Đào Trọng Khánh từng bảo tôi: Chỉ có “me xừ” Thượng Đế là không bị chê! Albert Einstein từng viết: “Những tinh thần cao cả luôn luôn gặp phải sự phản đối từ những đầu óc tầm thường”.
Hãy mở rộng giới hạn
Con người luôn khao khát sáng tạo và muốn sáng tạo phải khác biệt. Nhưng còn gì buồn hơn nhiều sáng tạo luôn bị tìm cách phủ nhận, tiêu diệt ngay khi nó vừa phát lộ ở xứ ta.
“Bụt chùa nhà không thiêng”? Không hẳn vậy. Mà là vì thói xấu không muốn ai hơn mình, khi thấy ai làm được gì, nhất là những việc từ trước tới giờ không ai dám thực hiện, hay những việc không theo đường mòn thói quen, những sáng tạo mới mẻ…, thì bằng mọi cách chê, không thừa nhận, thậm chí hủy diệt nó từ trứng nước. Ừ, thì lần đầu tiên VN có hàng công nghệ cao, chứng tỏ sức sáng tạo và trí tuệ người Việt đâu đến nỗi kém cỏi, có thể “sánh ngang với các cường quốc năm châu”. Ừ, thì có thể nó có chất lượng chưa bằng vai phải lứa với cùng chủng loại của các cường quốc công nghệ cao, các tập đoàn “có sừng có mỏ” danh tiếng, nhưng tại sao không khuyến khích, khích lệ và động viên, như một sự thân thiện để chào mừng một thành công của người VN nói chung, mà lại huy động cả một lực lượng hùng hậu là truyền thông “đánh” hội đồng, gần như là tẩy chay nó? Lại còn gán cho nó khá nhiều “lỗi”, từ lỗi “ăn xin” đến lỗi “ăn cắp”, thậm chí miệt thị bằng cách gọi tên nó bằng tiếng lóng khiếm nhã về giới tính.
Tại sao không ai nghĩ, sản phẩm “Made in Vietnam” sẽ là một bước hạn chế sản phẩm cùng loại nhập vào VN, tiết kiệm lượng ngoại tệ nhập hàng, mà quan trọng nhất, nếu sản phẩm được người Việt tin dùng, thì đây là một cách giải quyết công ăn việc làm của bao nhiêu người, lợi nhuận thu về là của người Việt hưởng. Tại sao không tìm những ưu điểm để động viên, để cùng tìm giải pháp tích cực cho hoàn thiện hơn, lại đi so sánh với bên ngoài, để phủ nhận những gì gọi là “made in Vietnam”? Rồi “đánh” cho sập luôn, bất chấp những thiệt hai. Chẳng phải “Bụt chùa nhà không thiêng” mà là tính xấu không thích người “đồng bào” mình lại hơn mình, nên phải làm sao xóa bỏ hình ảnh đi mới hả dạ.
Văn hóa chê của người Việt tưởng chừng chỉ là thói xấu trong tính cách, nhưng hệ lụy phát sinh lại làm cho xã hội kém phát triển nếu cứ để văn hóa chê này lộng hành ở mọi mặt trong đời sống cộng đồng. Chính cái văn hóa chê này mà làm thui chột đi những sáng tạo, sáng kiến, phát minh tiến bộ, hiện đại, kìm hãm những tài năng của đất nước.
Thiết nghĩ trong mỗi cá nhân chúng ta, cũng nên “uốn lưỡi” nhiều lần trước khi mở miệng chê điều gì, chê ai…, để “Bụt chùa nhà phải thiêng hơn Bụt chùa người”.
Theo Lao động