|
GS.TS. Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch danh dự Hội Truyền nhiễm Việt Nam (Ảnh - Minh Thuý) |
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch COVID-19 phù hợp với tình hình mới. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch danh dự Hội Truyền nhiễm Việt Nam.
* Bộ Y tế sắp có kế hoạch mới đánh giá cấp độ dịch COVID-19, thay vì chú trọng ca nhiễm sẽ chú trọng số bệnh nhân nặng và tử vong. Xin ông cho biết vì sao lại có sự điều chỉnh này?
GS.TS. Nguyễn Văn Kính: 2 năm qua, dịch COVID-19 đã diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường, nhất là khi xuất hiện các biến chủng mới. Khả năng lây nhiễm của các chủng mới luôn cao hơn các chủng cũ, nhất là chủng Omicron lây nhiễm cao hơn chủng Delta đến 4,2 lần. Như vậy các biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể lây cho nhiều người trong một lúc với chu kì lây nhiễm ngắn.
Về độc lực các chủng mới của SARS-CoV-2, theo quy luật tự nhiên virus nào lây lan càng nhanh, càng mạnh thì độc lực của nó càng yếu đi.
Đặc biệt, mặc dù người dân đã tiêm vaccine COVID-19 nhưng chủng mới của SARS-CoV-2 không chịu tác động của vaccine. Do đó, có người đã tiêm 2 hoặc 3 mũi vaccine nhưng vẫn có thể bị lây nhiễm chủng mới. Vì vậy, việc tiêm vaccine không phải để ngăn chặn đại dịch mà để giảm những ca diễn biến nặng, giảm tỉ lệ tử vong.
Về sự điều chỉnh trong kế hoạch đánh giá cấp độ dịch, trước đây, hầu hết các nước đều thực hiện chiến lược "zero COVID" bằng cách cố gắng xét nghiệm, sàng lọc, đưa những người F0 đi cách ly, ngăn nguồn lây trong cộng đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc truy vết và cách ly đã không theo kịp tốc độ lây nhiễm của virus.
|
Theo ông Kính việc tiêm vaccine không phải để ngăn chặn đại dịch mà để giảm những ca diễn biến nặng, giảm tỉ lệ tử vong (Ảnh - Minh Thuý) |
Từ những kinh nghiệm ban đầu đối với biến chủng Omicron và Delta, các chuyên gia nhận thấy những ca bệnh không triệu chứng ngày một nhiều hơn. Những ca bệnh này trở thành nguồn lây cho cộng đồng và xã hội, nhưng sức khỏe của họ lại không bị ảnh hưởng.
Vì thế, nhiều nước đã chuyển từ "zero COVID" thành sống chung với COVID-19 – nghĩa là bên cạnh chúng ta vẫn có thể có người nhiễm COVID-19, nhưng chúng ta chung sống an toàn với đại dịch. Việt Nam cũng thực hiện chiến lược này.
Hiện nay chỉ có Trung Quốc thực hiện "zero COVID" (phong tỏa trên diện rộng, tổ chức xét nghiệm số lượng người rất nhiều để tách COVID-19 ra khỏi cộng đồng) nhưng điều này với thế giới là không thể. Các nước hiện nay coi F0 không triệu chứng không phải là bệnh nhân, mà chỉ là người lành mang trùng.
Người lành mang trùng có nguy cơ lây nhiễm cho người khác thì phải cách ly. Nếu có điều kiện thì cách ly tại nhà là tốt nhất. Chưa kể đến các trường hợp nhẹ thì không cần thiết đến bệnh viện khi đủ điều kiện chăm sóc tại nhà, vì chỉ sau 3-5 ngày họ sẽ khỏi bệnh.
Tuy nhiên có một tỉ lệ nhất định những người tuổi cao, có bệnh nền như mỡ máu, huyết áp cao, bệnh thận, bệnh gan,…mắc bệnh nặng cần phải giám sát chặt tại nhà, cộng đồng để đưa người có diễn biến nặng vào viện kịp thời, tránh gây quá tải bệnh viện. Đây chính là chiến lược mà Việt Nam đang thực hiện.
* Xin ông cho biết kế hoạch mới tập trung vào số ca nặng, ca tử vong, thay vì số ca nhiễm của Bộ Y tế có giá trị như thế nào?
GS.TS. Nguyễn Văn Kính: Giá trị thứ nhất đó là giảm quá tải bệnh viện.
Thứ 2 là giảm tỉ lệ tử vong. Điều này sẽ giúp giảm tốn kém cho người dân, không tạo áp lực cho cán bộ y tế. Khi các bệnh viện dồn trang thiết bị hiện đại như: máy thở, EMCO,… cho các ca mắc COVID-19 nặng, thì tỉ lệ tử vong sẽ giảm.
|
Các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch (Ảnh - Mạnh Quân) |
* Với sự xuất hiện các biến chủng mới của SARS-CoV-2, ông có thể đưa ra dự đoán về tình hình dịch trong thời gian tới?
GS.TS. Nguyễn Văn Kính: Về diễn biến dịch trong thời gian tới, đến nay chưa có chuyên gia nào dám đưa ra dự đoán, kể cả WHO. Hiện, nhiều người cho rằng nếu chủng Omicron xuất hiện nhưng sau đó lại có chủng mới liên kết kép giữa Delta và Omicron thì mỗi một chủng đột biến đều mang theo tính chất đặc chủng của nó.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin tưởng với sự bao phủ vaccine rộng rãi trên toàn cầu và rất nhiều nước đã tiêm mũi 3, thậm chí Isarel đã tiêm mũi 4, thì có thể hạn chế được các biến chủng sau này. Hy vọng rằng trong một thời gian không xa đại dịch sẽ kết thúc.
* Nhiều người sau khi nhiễm SARS-CoV-2 để lại những di chứng hậu COVID-19. Vậy những di chứng này ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế nào thưa ông?
GS.TS. Nguyễn Văn Kính: Hiện nay thế giới vẫn đang theo dõi những người mắc COVID-19 và thấy rằng có một số di chứng đúng hơn là biến chứng do tâm lý, sợ hãi với bệnh dịch nên rối loạn. Biến chứng hay gặp nhất là hội chứng trầm cảm sau khi mắc COVID-19 hoặc ảnh hưởng đến trí nhớ.
* Làm thế nào để khắc phục những biến chứng này thưa ông?
GS.TS. Nguyễn Văn Kính: Những người bị biến chứng hậu COVID-19 phải được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc tâm lý, các bác sĩ về rối loạn tâm thần, để xem xét có tổn thương thực thể để chữa cho họ.
Tuy nhiên, do ngành y tế đang quá tải bệnh nhân COVID-19 nên các bệnh nhân bị biến chứng hậu COVID-19 sẽ tiếp tục được nghiên cứu, nhưng không phải là tình huống cấp bách để xử lý.
Hiện nay Bệnh viện Tâm thần Trung ương I đã lập thêm Khoa chống rối loạn tâm lý COVID-19, một số trường hợp đã được tư vấn và điều trị.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!