Một đoàn nhà đầu tư gồm 40 doanh nghiệp (DN) Thái Lan trong lĩnh vực dệt may, da giày vừa có mặt tại TP HCM để tìm cơ hội đầu tư. Ông Ekachat Seetavorarat - Giám đốc điều hành Phòng Phát triển kinh doanh thời trang và phong cách sống, Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Thương mại Thái Lan - cho bKinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay đang là động lực thúc đẩy DN Thái Lan tìm đến Việt Nam làm ăn nhiều hơn.
Đi trước một bước
Trong số 40 DN đến Việt Nam lần này có 9 công ty đã gặp gỡ tập đoàn bán lẻ Robinson (thuộc Tập đoàn Central Group của Thái Lan đã có Trung tâm Mua sắm Robins tại Việt Nam) để nhờ hỗ trợ đưa sản phẩm thời trang vào thị trường Việt. Trong tương lai, người Thái còn muốn có thêm nhiều trung tâm mua sắm lớn khác tại Việt Nam để quảng bá sản phẩm, hàng hóa của mình.
Trước đó, chương trình kết nối đầu tư giữa hơn 60 DN Thái Lan ở các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp thực phẩm, đồ uống, nhựa, hóa mỹ phẩm... với DN Việt Nam cũng diễn ra tại TP HCM.
Ông Prasong Nilbanjong, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Công nghiệp và Nông nghiệp Thái Lan, cho biết không phải đến thời điểm này nhà đầu tư Thái mới chọn Việt Nam làm điểm đến. Từ 2-3 năm trước, DN nước này đã chuẩn bị cho việc mở cửa thị trường chung hơn 600 triệu dân khi vào AEC và nay họ đang bước một bước xa hơn là đón đầu Hiệp định tTương mại tự do RCEP (đang đàm phán, gồm 10 nước ASEAN và 6 quốc gia khác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, Úc và New Zealand).
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhận xét việc mở rộng thị trường của các DN Thái Lan không chỉ về ngành bán lẻ, ngân hàng, đồ gia dụng mà gần đây còn mở rộng đầu tư sang ngành hóa dầu, khai thác dầu khí, vật liệu xây dựng, công nghiệp thời trang… Các nhà đầu tư Thái áp dụng chiến lược đầu tư dài hạn từ 5-10 năm khi xâm nhập thị trường Việt Nam.
Điểm đến hấp dẫn
Hai năm trở lại đây, ngành bán lẻ trong nước xôn xao khi hàng loạt tập đoàn lớn của các tỉ phú Thái Lan đổ bộ vào Việt Nam, như Tập đoàn BJC, Tập đoàn Central Group…
Vì sao các nhà đầu tư Thái Lan xem Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn? Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh 2015, bà Somhatai Panichewa, Tổng Giám đốc Công ty CP Amata Đồng Nai, cho rằng trong khi chi phí hoạt động kinh doanh tại Thái Lan ngày càng cao thì các chính sách kinh tế của Việt Nam lại ổn định, cung cấp dịch vụ ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài. Nếu so sánh về môi trường đầu tư, Chính phủ Việt Nam có rất nhiều chính sách tốt về đất đai, nguồn nhân lực...
Còn theo ông Phạm Hồng Hải, khủng hoảng kinh tế và chính trị tại Thái Lan 2 năm qua khiến các DN Thái muốn mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Thị trường Việt Nam với hơn 90 triệu dân, mức tăng trưởng trung bình hằng năm của thị trường bán lẻ là 15% đang là “lực hút” các “ông lớn” đến từ Thái Lan. “Hàng hóa Thái Lan được đánh giá cao về chất lượng nên dù giá bán đắt hơn từ 10%-20% so với hàng Trung Quốc và Việt Nam nhưng vẫn được tiêu thụ mạnh. Quan trọng hơn, cùng với AEC, hàng loạt hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã, đang đàm phán sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của các DN Thái Lan để xuất hàng đi các nước, tận dụng lợi thế lao động tập trung, có tay nghề và chi phí rẻ” - ông Hải nói.
Áp lực nhập siêu
Chị Nguyễn Thị Minh (ngụ quận 9, TP HCM) cho biết gần đây khi đi chợ, siêu thị, chị thấy hàng Thái Lan rất nhiều. Ngay ở các siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi, hàng Thái chiếm tỉ lệ nhất định trên các quầy kệ. “Khi tôi tìm một số món hàng ăn vặt, nhất là bánh kẹo hoặc đồ gia dụng trong gia đình thì hàng Thái là một lựa chọn không tệ bởi giá cả, mẫu mã đẹp và bền” - chị Minh nói.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nhận xét nếu so sánh về lợi thế cạnh tranh, Thái Lan có nhiều lợi thế hơn Việt Nam. Nền công nghiệp của họ khá mạnh từ công nghiệp lắp ráp, chế biến đến nông nghiệp với năng suất cao. Họ đã có chiến lược xâm nhập thị trường Việt Nam từ rất lâu, không chỉ những ông lớn như CP, BJC, Central Group mà hàng trăm nhà bán lẻ cũng đã có mặt khắp Việt Nam.
“DN Thái Lan vào Việt Nam đang thiết lập mạng lưới sản xuất, phân phối và bán lẻ. Lĩnh vực bán lẻ là một minh chứng rõ nhất khi hàng loạt thương hiệu Việt đã được bán cho nước ngoài, không chỉ Thái Lan mà cả Nhật, Hàn Quốc, Mỹ... Muốn làm chủ thị trường bán lẻ, DN phải có mạng lưới phân phối nhưng đến nay điều này đang do nước ngoài nắm giữ” - ông Phú phân tích.
Cán cân thương mại, kim ngạch 2 chiều không ngừng tăng lên nhưng lợi thế đang thuộc về Thái Lan. Năm ngoái, Việt Nam chỉ xuất khẩu 3,5 tỉ USD nhưng nhập khẩu đến 7,1 tỉ USD từ thị trường này (nhập siêu lên tới 3,6 tỉ USD). Riêng 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam tiếp tục nhập siêu 3,55 tỉ USD từ Thái Lan, gần bằng con số nhập siêu cả năm ngoái. Nhập siêu từ Thái Lan tăng mạnh cho thấy khả năng cạnh tranh của DN trong nước thấp và nguy cơ nhập siêu sẽ còn tăng khi DN Thái đã sẵn sàng nắm bắt cơ hội từ AEC và các hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới.
Nhập gì từ Thái Lan?
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tổng số hơn 40 mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan, điều đáng lưu ý là các DN trong nước đã tốn hơn 422 triệu USD nhập hàng điện gia dụng và linh kiện; 416 triệu USD nhập máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng; vải các loại và nguyên phụ liệu dệt may, da giày hơn 244 triệu USD; ô tô nguyên chiếc các loại và linh kiện phụ tùng ô tô hơn 550 triệu USD...
Theo NLĐ