Người Sài Gòn tận mắt “soi” thịt heo bằng smartphone

Sáng 16-12, đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP HCM chính thức triển khai ở các kênh phân phối trên địa bàn.
Nhân viên Co.opmart Foodcosa Quang Trung (Gò Vấp) hướng dẫn khách hàng cách kiểm tra nguồn gốc thịt heo bằng máy soi đặt tại siêu thị

Khách hàng tại các hệ thống phân phối của Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (gồm Co.op Xtra, Co.opmart, Co.op Food), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (siêu thị Sài Gòn, cửa hàng Satra Food), hệ thống cửa hàng Vissan, Cocomart, Auchan, Aencitimart, Queenland đã có thể xem thông tin truy xuất nguồn gốc thịt heo thông qua phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc các máy soi tem truy xuất nguồn gốc thịt heo đặt tại các điểm bán. Các hệ thống Sagrifood, BigC, Lottemart, Aeon VN và C.P sẽ triển khai trong vài ngày nữa.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, Phó Chủ nhiệm ban đề án, cho biết đề án thuộc Dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2020. Giai đoạn 1 của đề án tổ chức quản lý, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thịt heo từ cổng trang trại chăn nuôi đến cơ sở giết mổ, chợ, siêu thị, cửa hàng bán lẻ và người tiêu dùng.

Trước mắt, thịt heo truy xuất nguồn gốc được bán tại kênh phân phối hiện đại, khoảng 1-2 tuần nữa sẽ triển khai tại một số chợ truyền thống. "Mỗi ngày, TP HCM tiêu thụ 10.000 con heo, 80% -85% nguồn heo người dân TP HCM tiêu thụ do 14 tỉnh Đông - Tây Nam Bộ cung cấp. Hiện đề án đã cơ bản hoàn thành về kỹ thuật, sẽ áp dụng thí điểm từ nay đến 1-3-2017 để tiếp tục có những điều chỉnh, bổ sung trước khi áp dụng rộng rãi." - ông Kiên cho biết.

Tem nhận diện được dán lên từng vỉ thịt trước khi bán cho khách hàng

Khách hàng tự thao tác "soi" nguồn gốc thịt heo

Lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM thử "soi" thịt qua ứng dụng trên smartphone

Kết quả "soi" thể hiện đầy đủ thông tin từ trại nuôi, lò giết mổ, nơi phân phối sỉ và nơi bán lẻ miếng thịt heo

Công nghệ truy xuất nguồn gốc thịt heo do Hội Công nghệ cao TP nghiên cứu, triển khai. Theo đó, thịt heo được quản lý bởi chuỗi ứng dụng công nghệ này chỉ qua 1 con tem. Từng miếng thịt đến tay người tiêu dùng sẽ mang đầy đủ thông tin từ trại nuôi, cán bộ kiểm dịch… nhờ vậy, sẽ gắn với trách nhiệm của từng bộ phận cụ thể.

Các con heo khi xuất chuồng đều đeo 2 vòng nhận diện có khắc mã QR bằng Leser trên dây niêm phong có chốt bằng thép, chống giả mạo và không thể tháo lắp. Mã trên vòng nhận diện khi được trang trại kích hoạt sẽ chứa các thông tin về trang trại nuôi heo, heo đi tiếp chu trình và mỗi công đoạn sẽ có những đối tác khác tham gia hay cơ quan chứng năng quản lý sẽ “ dán tem điện tử “ lên vòng nhận diện hay kích hoạt lên vòng nhận diện.

Ở công đoạn cuối cùng, tiểu thương trước khi bán cho người tiêu dùng sẽ “ dán tem điện tử “ lên vòng nhận diện xác nhận lô thịt họ bán và đồng thời kich hoạt các tem nhận diện bằng giấy có in mã vạch chứa một số thông tin cơ bản và quan trọng giúp người tiêu dùng biết mua thịt của ai, tại đâu, được giết mổ lúc nào…

Theo NLĐ