Trong bài viết của mình trên Facebook, chị Mai nói rằng có thể mình đã bị kẻ xấu đánh cắp danh tính để thực hiện hành vi phạm pháp. Đánh cắp danh tính là một dạng tội phạm xuất hiện trong thời đại công nghệ thông tin. Danh tính bị đánh cắp bao gồm tất cả thông tin về tên tuổi, số điện thoại, nơi ở, nơi làm việc, số chứng minh thư (số an sinh xã hội)... VietTimes sẽ có một bài viết giải thích vì sao mỗi người chúng ta có nguy cơ bị đánh cắp danh tính, và kẻ xấu thực hiện việc đánh cắp danh tính như thế nào.
Còn bây giờ chúng ta hãy cùng lắng nghe câu chuyện của chị Mai để rút ra những bài học cho việc bảo vệ thông tin cá nhân.
Theo lời chị Mai kể lại thì sau 2 năm yêu nhau, tháng 12 năm ngoái, bạn trai Daniel đã rủ chị về thăm nhà ở Malta, vừa để du lịch châu Âu, vừa để ra mắt bố mẹ chồng tương lai. Chị đã quyết định thu xếp công việc và dành 3 tuần để đi châu Âu cùng anh. Thủ tục xin visa của chị được Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội cấp rất nhanh chóng.
chị Phạm Thị Tuyết Mai (ảnh FBNV)
|
Sáng 18/12/2018, khoảng 7h30 sáng, sau gần 13 tiếng bay từ Hà Nội, chị Mai và bạn trai đã đáp xuống sân bay Charles de Gaulle Paris. Do Air France không có chuyến bay tiếp đến Malta, nên khi đến Paris, anh chị có 3 tiếng để nối chuyến, check in lại hành lý chặng Paris- Malta.
Khi đi qua cửa kiểm soát hộ chiếu, chị Mai và bạn trai bị tách đôi. Bạn trai chị đứng ở cửa kiểm soát cho những người có hộ chiếu châu Âu, còn chị đứng ở cửa kiểm soát cho những người có hộ chiếu quốc tế.
Khi chị Mai trình hộ chiếu, viên hải quan người Pháp đưa hộ chiếu qua máy quét vài lần. Rồi anh ta gọi điện cho ai đó. Sau đó, anh ta nói với chị Mai rằng hộ chiếu bị trục trặc và yêu cầu chị đi theo anh ta. Chị Mai được dẫn đến một phòng chờ. Ngay khi bước chân vào phòng, chị đã được yêu cầu không sử dụng điện thoại. Trong khi bạn trai Daniel liên tục gọi điện vì không tìm thấy chị ở đâu, chị đành không nghe điện thoại.
Có một viên cảnh sát xuất hiện và hỏi đi hỏi lại chị “vừa bay từ đâu đến”, “đã từng đến Bỉ chưa?” Chị Mai trả lời rằng mình chưa bao giờ tới Bỉ. Trong đầu chị đã nghĩ: “Visa của mình là đại sứ quán Pháp cấp, liên quan gì đến Bỉ nhỉ?”.
Một lúc sau, chị Mai lại bị dẫn vào một căn phòng khác. Một viên cảnh sát ở đây thông báo với chị rằng chị có một án truy nã bởi cảnh sát Bỉ từ năm 2014 về tội buôn bán và tàng trữ ma túy. Chị Mai quá sốc, nhưng vẫn tìm cách giải thích rằng chắc có sự nhầm lẫn nào đó, vì chị chưa từng đến Bỉ.
Trước đây thì chị Mai đã từng có 5 năm du học tại Hà Lan và chị đã về nước vào tháng 3/2010. Trong 9 năm qua, chị chỉ có một lần duy nhất trở lại châu Âu vào tháng 11/2011 khi sang Tây Ban Nha một tuần để mua hàng cho công ty Mango, nơi chị làm việc.
Vậy mà chị lại được cảnh sát Pháp thông báo là chị đã tham gia buôn bán ma túy vào cuối năm 2010 đến đầu năm 2011, và bị xử vắng mặt ở Bỉ vào năm 2013. Lệnh truy nã phát đi trên toàn châu Âu từ năm 2014. Theo thỏa thuận tư pháp với Bỉ, cảnh sát Pháp đã bắt giữ khi chị Mai đặt chân đến Pháp.
Rõ ràng, chị Mai là nạn nhân của một vụ án mà danh tính của chị đã bị kẻ xấu sử dụng để thực hiện hành vi phạm pháp. Hành vi đánh cắp danh tính này nước ngoài gọi là “identity thief”, và chị Mai không phải là nạn nhân duy nhất. Đã có nhiều người, kể cả công dân châu Âu bị đánh cắp danh tính và gặp những rắc rối với pháp luật.
Chị Phạm Thị Tuyết Mai sau đó đã bị cảnh sát Pháp khám người, thu hết đồ đạc cá nhân. Thậm chí chị còn bị yêu cầu cởi dây giầy và áo lót để thu giữ. Chị bị nhốt vào một phòng giam ở sân bay, tối không có đèn, chỉ có ánh đèn hắt vào từ phòng bên ngoài. Phòng có cửa song sắt khóa bên ngoài, lạnh lẽo với một giường đá trải đệm mút mỏng.
Chị Mai đã phải nằm co ro trên đệm, mệt, lạnh và chưa hết sốc. Nước mắt thì đầm đìa, chị cầu mong bạn trai bên ngoài tìm được đến chỗ nhà giam để báo cho gia đình ở Việt Nam biết về tình trạng của mình để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Mặc dù mặc áo len và khoác măng tô dạ nhưng chị Mai vẫn cảm thấy không khí trong phòng giam quá lạnh, lạnh buốt từ bàn chân cho đến toàn thân, run cầm cập. Chị đập cửa xin một cốc nước ấm, nhưng người ta lại đưa chị một cốc nước lạnh lấy từ vòi và nói rằng chỉ có nước này thôi.
Ở trong phòng giam sân bay chừng vài tiếng, ngủ lơ mơ vì lạnh, chợt cửa phòng giam mở ra. Lần này có 3 cảnh sát được trang bị súng máy cùm tay chị Mai ngược về phía sau bằng còng số 8, dẫn giải chị lên ô tô. Sau 30 phút đi lòng vòng thì họ đưa chị đến một phòng giam khác. Phòng giam này còn kinh khủng hơn phòng giam trước khi chỉ rộng 2 mét vuông, không có cửa sổ. Trong phòng giam có một cái giường xây bằng gạch đá và một đệm mút mỏng. Cạnh giường là một cái toilet xí bệt, trên tường bám đầy nước tiểu vàng. Mùi khai nồng nặc bốc lên, dưới sàn nhà lênh láng nước, không hiểu là nước gì.
Tháp Eiffel (ảnh: FBNV)
|
Chị Mai đã phải ở trong căn phòng giam hôi hám và chật chội ấy trong 16 tiếng đồng hồ, trước khi được đưa đến phiên tòa xét xử được mở ra vào ngày hôm sau. Thật may là chị được bố trí một thông dịch viên và một luật sư bào chữa miễn phí. Với những lý lẽ rất thuyết phục được đưa ra, thẩm phán cũng cho rằng nhiều khả năng chị Mai bị đánh cắp danh tính. Nhưng tòa án Pháp chỉ cho phép chị tại ngoại mà không được rời khỏi Pháp, và chị phải chờ đến phiên tòa được mở ra tại Bỉ để chứng minh mình bị oan.
Hiện giờ thì chị Mai đã ở Pháp được hơn một tháng và chưa biết đến khi nào phiên tòa tại Bỉ mới được mở để chị có thể chứng minh sự trong sạch của mình. Một số người hiểu biết về luật tố tụng ở châu Âu nói rằng chị có thể phải chờ từ vài tháng đến nửa năm. Chị Mai cũng đã chia sẻ câu chuyện của mình trên Facebook để cảnh báo về nguy cơ bị đánh cắp danh tính cho mọi người.
Ngay từ khi chị Mai bị giam giữ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng tìm cách hỗ trợ và họ cũng đã tham dự phiên tòa xét xử lần đầu của chị Mai tại Pháp. Tuy nhiên, chừng nào phiên tòa tại Bỉ còn chưa mở ra, thì chị Mai vẫn sẽ bị mắc kẹt ở Pháp.