Các quan chức Trung Quốc đang tìm cách nêu bật các lợi ích có được từ mối quan hệ kinh tế với Mỹ và đánh bóng hình ảnh ông Tập như một vị lãnh đạo của nhân dân trước chuyến công du chính thức của chủ tịch Trung Quốc đến nước Mỹ, bất chấp giữa Washington và Bắc Kinh còn tồn tại nhiều bất đồng.
Các cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập đã bất ngờ xuất hiện tại một sự kiện ở Seattle (Mỹ) hồi giữa tuần này nhằm quảng bá các thỏa thuận hợp tác mới giữa doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc trước chuyến đi của chủ tịch Trung Quốc.
Tại sự kiện này, các cố vấn của ông Tập đã công bố thương vụ xây tuyến tàu điện cao tốc dài hơn 370 km nối liền nam California với Las Vegas, ký kết với tập đoàn XpressWest (Mỹ). Chi tiết về nguồn tài chính dành cho dự án “khủng” này hiện vẫn chưa được tiết lộ, theo Wall Street Journal. Dự án này đã được bàn bạc từ nhiều năm và từng thất bại vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như tác hại đến môi trường, chi phí giải phóng mặt bằng…
Ngoài ra, cố vấn của chủ tịch Trung Quốc cũng tiết lộ kế hoạch thiết lập một quỹ đầu tư trị giá 3 tỉ USD cho các dự án năng lượng tại Trung Quốc và một thỏa thuận thực hiện các dự án năng lượng sạch giữa tập đoàn General Electric (Mỹ) và Tổng công ty Máy móc công nghiệp quốc gia Trung Quốc (CNMIC).
Wall Street Journal cho biết Bắc Kinh cũng sẽ cố tái tạo lại những khoảnh khắc tốt đẹp từ chuyến đi Mỹ hồi năm 2012 của ông Tập, khi đó còn là phó chủ tịch nước.
“Ông Tập sẽ đối mặt với một dư luận Mỹ e dè hơn rất nhiều so với 3 năm trước… Kinh tế tăng trưởng chậm cùng với cách giải quyết tỉ giá đồng nội tệ và đà sụt giảm trên thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã khiến quan chức Mỹ và các nhà đầu tư nghi ngờ năng lực quản lý kinh tế của chủ tịch Trung Quốc”, tờ báo Mỹ bình luận.
Các chủ doanh nghiệp, cũng như giới chính trị gia Mỹ đã trở nên thiếu thiện cảm với Trung Quốc sau khi các công ty Mỹ liên tục bị tin tặc được cho là của Bắc Kinh tấn công, và nhiều công ty nước ngoài ngày càng lo ngại rằng chính sách an ninh quốc gia mới dưới thời ông Tập sẽ hạn chế hoạt động làm ăn của họ, theo Wall Street Journal.
Và việc Bắc Kinh vẫn cố bồi đắp các đảo nhân tạo phi pháp tại Biển Đông bất chấp sự phản đối từ phía Mỹ và các nước láng giềng cũng đang tạo áp lực về chính trị lên chính quyền Obama, buộc Nhà Trắng phải có hành động để trấn an các đồng minh trong khu vực, tờ báo Mỹ nhận định.
Chiến thuật ‘lấy lòng’ của Trung Quốc chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập
Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ hồi năm 2012 khi còn là phó chủ tịch Trung Quốc - Ảnh: Reuters |
Nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích nhận xét chiến thuật Trung Quốc dùng để chuẩn bị cho chuyến công du Mỹ của ông Tập chính là ra sức hướng sự chú ý của dư luận vào mối quan hệ kinh tế giữa 2 nước và quảng bá hình ảnh tích cực của chủ tịch Trung Quốc khi ông có mặt ở Seattle, Tacoma và New York.
Theo lịch trình, ông Tập sẽ có buổi gặp gỡ giới chủ doanh nghiệp, nhiều người trong số này làm việc trong lĩnh vực công nghệ, tại Seattle. Ông cũng sẽ có dịp tái ngộ những người dân mà ông đã tiếp xúc tại thành phố cảng Tacoma thuộc bang Washington hồi năm 1993.
Còn tại New York, Chủ tịch Trung Quốc sẽ tham dự các hội nghị của Liên Hiệp Quốc, gồm một hội thảo về nữ quyền do Trung Quốc đồng chủ trì.
“Mọi hoạt động của ông Tập Cận Bình sẽ diễn ra hoặc ở Seattle hoặc New York, chứ không phải ở thủ đô Washington. Bạn có thể thấy điều đó qua cách Trung Quốc chuẩn bị cho chuyến đi”, Wall Street Journal dẫn lời Christopher Johnson, cựu chuyên gia phân tích CIA và hiện làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS).
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng chiến thuật này có thể bị “phá sản”, nếu Tổng thống Mỹ Barack Obama tỏ ra cứng rắn khi bàn về các bất đồng giữa 2 nước trong cuộc gặp với ông Tập vào ngày 25.9 tại Nhà Trắng.
Ngoài ra, doanh nghiệp nước ngoài đang ngày càng bực bội với Bắc Kinh, và điều này được thể hiện qua việc Phòng thương mại Mỹ và châu Âu tại Trung Quốc trong tuần này đã than phiền rằng Bắc Kinh đi ngược lại những cam kết về mở cửa thị trường nội địa, đồng thời quá chậm chạp trong việc giảm số lượng ngành công nghiệp hạn chế đầu tư nước ngoài.
Các nhà đầu tư quốc tế cũng tỏ ra lo ngại cách Trung Quốc điều hành nền kinh tế. Lloyd Blankfein, giám đốc điều hành tập đoàn tài chính Goldman, đánh giá các biện pháp giải quyết khủng hoảng thị trường chứng khoán mới đây của Bắc Kinh là “cẩu thả”, đồng thời cho hay sẽ không đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này trong thời điểm hiện tại.
Bất chấp những “lùm xùm” kể trên, ông Tập nhiều khả năng vẫn sẽ cố tái tạo bầu không khí lạc quan tại Tacoma mà ông từng gầy dựng lúc thăm Mỹ vào năm 2012, tại thời điểm chỉ còn vài tháng là ông lên nắm chức tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, theoWall Street Journal.
“Ông ấy muốn tạo ra hình ảnh gần gũi với người dân, bao gồm việc tiếp xúc với những thường dân Mỹ. Ông uốn chiếm được cảm tình của công chúng tại Mỹ”, ông Chương Lập Phàm, một nhà sử học kiêm bình luận viên chính trị tại Bắc Kinh, nhận xét.
Theo Thanh Niên