Trao đổi với chúng tôi, anh Đặng Vũ Tuấn Sơn (Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam-VACA) cho hay, thực tế đây là hiện tượng nhật thực toàn phần xảy ra ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chỉ có một số khu vực thuộc Indonesia có thể quan sát hiện tượng toàn phần này, còn Việt Nam nằm ở phía Bắc của khu vực nên chỉ quan sát được nhật thực một phần.
Tại Hà Nội, sự kiện sẽ diễn ra trong khoảng từ 7-9 giờ sáng với cực đại khoảng 7 giờ 46 phút. Tại thời điểm cực đại, tỷ lệ bị che khuất của đĩa sáng Mặt Trời khoảng trên 20%. Theo tính toán, phải đến tháng 12/2019, hiện tượng nhật thực này mới lặp lại.
Để quan sát hiện tượng này, người yêu thiên văn cần phải bảo vệ đôi mắt của mình. Người quan sát không nên nhìn trực tiếp vào Mặt Trời hoặc qua các kính mắt, phim và các vật liệu trong suốt. Đặc biệt, không được nhìn qua kính thiên văn, ống nhòm, ống kính máy ảnh, camera bởi qua thiết bị này, cường độ bức xạ Mặt Trời sẽ tăng lên đáng kể.
VACA cũng hướng dẫn các thành viên cần có một chiếc kính được thiết kế riêng gọi là Solar Glasses để nhìn trực tiếp vào Mặt Trời và nhật thực. Loại kính này được chế tạo riêng cho việc lọc các bức xạ nguy hiểm từ Mặt Trời.
Tổ chức này cũng đã thông báo sẽ tổ chức cho các thành viên quan sát hiện tượng này tại khu vực đường ven hồ thuộc Khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội).
Tuy nhiên, cho tới ngày 7/3, thời tiết ở khu vực Hà Nội khá “ảm đạm” và không có Mặt Trời. Theo dự báo xu thế thời tiết 10 ngày (từ 7-16/3) do Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thực hiện, có vẻ như người Hà Nội sẽ phải thất vọng vì thời tiết không ủng hộ cho việc quan sát hiện tượng này.
Cụ thể, từ ngày 7-9, ở phía Tây Bắc Bộ có mây thay đổi, phổ biến không mưa, ngày nắng. Trong khi đó, phía Đông Bắc Bộ, đêm và sáng nhiều mây, có mưa nhỏ vài nơi và sương mù rải rác, trưa và chiều trời nắng.
Trái lại với khu vực Hà Nội, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế; từ Đà Nẵng đến Bình Thuận; Tây Nguyên; Nam Bộ phổ biến không mưa, ngày nắng…
Về vấn đề này, anh Tuấn Sơn cho biết trong trường hợp trời mưa, VACA sẽ dừng tổ chức việc quan sát nhật thực. Tuy nhiên, nếu trời khô ráo, các thành viên vẫn có thể đến địa điểm quan sát và trong trường hợp không quan sát được, họ sẽ có một buổi offline, giao lưu và chia sẻ với nhau về thiên văn và đặc biệt là kiến thức về nhật thực.
Theo Vietnam+