Người giàu nhất Trung Quốc lao đao vì bạo lực mạng

E-magazine Người giàu nhất Trung Quốc lao đao vì bạo lực mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nước khoáng nhãn hiệu Nongfu Spring giúp ông Chung Thiểm Thiểm vượt qua Jack Ma để trở thành người giàu nhất Trung Quốc từ năm 2020. Những ngày qua, thông tin xấu độc trên mạng đã khiến tỷ phú này phải thôi giữ chức tổng giám đốc tập đoàn.

Làn sóng tẩy chay Nongfu Spring lan rộng

Truyền thông Trung Quốc nhận xét bạo lực mạng mà sản phẩm nước uống tự nhiên Nongfu Spring phải gánh chịu đang rất khủng khiếp, vượt xa phạm trù cạnh tranh thương mại thông thường.

Hiện tại, tài khoản weibo của Nongfu Spring đã nhiều ngày không được cập nhật. Kể từ ngày 1/3, các buổi livestream bán hàng bình thường của tài khoản Douyin shop (TikTok phiên bản nội địa) chính thức của Nongfu Spring cũng đột ngột ngừng hoạt động. Tài khoản Douyin hàng đầu Oriental Leaf còn dừng hoạt động sớm hơn, không có buổi livestream nào sau ngày 28/2.

san-pham-nuoc-khoang-nfst-e-am-6035.jpg
Nước khoáng Nongfu Spring ế ẩm do bị tẩy chay (Ảnh: NetEasy).

Im lặng khi dư luận nổi sóng nhưng công ty của tỉ phú Chung Thiểm Thiểm vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Người ta tiếp tục tấn công, tung các tin đồn thất thiệt trên mạng như: Chung Thiểm Thiểm là người "vô ơn". Họ cho rằng thời kì đầu làm đại lý cấp tỉnh cho sản phẩm Wahaha của Tông Khánh Hậu, ông đã vi phạm các quy tắc kinh doanh, sau đó “chơi xấu” ông chủ và yêu cầu các đại lý chọn phải Wahaha hoặc Nongfu Spring.

Khủng hoảng truyền thông còn xuất hiện khi có thông tin Chung Thiểm Thiểm trở thành người giàu nhất Trung Quốc nhưng khoản tiền chi cho từ thiện của Nongfu Spring ít hơn nhiều so với Wahaha.

Giám đốc không điều hành của Nongfu Spring là Chung Thự Tử (con trai Chung Thiểm Thiểm) trở thành công dân Mỹ khi du học cũng khiến cư dân mạng cho rằng “người kế vị tương lai” Nongfu Spring không yêu nước. "Làm sao có thể coi ông chủ một công ty đang kiếm tiền của người Trung Quốc là người yêu nước khi cho phép con cái trở thành công dân Mỹ?", "Mua Nongfu Spring chẳng khác nào dâng tiền cho người Mỹ", "Chúng ta cần tẩy chay Nongfu Spring!"… là những bình luận dưới các video liên quan đến Nongfu Spring và Chung Thiểm Thiểm.

Ngoài ra, hàng loạt sản phẩm của Nongfu Spring mang phong cách Nhật Bản cũng bị cư dân mạng cho là tiêu cực, nghi ngờ là "sản phẩm nội địa giả". Một số blogger còn liên kết một cách vu vơ việc thiết kế bao bì và quảng cáo để cáo buộc một cách vô căn cứ Nongfu Spring đã truyền bá văn hóa Nhật Bản. Từ "Nongfu" trong tên "Nongfu Spring" cũng bị những người này hiểu sai thành tiếng Nhật.

Việc ORIX, một công ty Nhật Bản đăng ký mua cổ phiếu trước khi Nongfu Spring niêm yết trên sàn chứng khoán cũng bị kỳ thị, trong khi đây là hành vi gọi vốn bình thường của nhiều công ty Trung Quốc.

288edf0d480f425e93cda648e60dbe92-2246.jpg
Chung Thiểm Thiểm, người giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: Sohu.

Doanh số giảm 90%, Chung Thiểm Thiểm thôi chức tổng giám đốc

Một số người thậm chí còn kích động cảm xúc và tạo ra sự hoảng loạn trên các nền tảng xã hội và nhắm vào giá cổ phiếu của Nongfu Spring.

Đầu tháng 3, sau ba ngày sụt giảm liên tiếp, giá cổ phiếu của Nongfu Spring có sự phục hồi tạm thời, nhưng trên Oriental Fortune Online Stock Bar vẫn đầy rẫy những bình luận tiêu cực: "Đừng cố nắm giữ, tuần tới nó sẽ giảm ít nhất 10 điểm, hãy ghi nhớ ý kiến này"; "Bỏ chạy nhanh lên, thời của Nongfu Spring đã kết thúc"…

Giá cổ phiếu của Nongfu Spring sau đó đã lao dốc. Từ ngày 1 đến ngày 8/3, cổ phiếu này sụt giảm 6,53% và giá trị vốn hóa đã bốc hơi 32,6 tỉ đô la Hồng Kông, tức hơn 4,2 tỉ USD. Đến nay tổng tài sản của ông Chung Thiểm Thiểm đã mất khoảng 260 tỷ NDT (36,4 tỷ USD). Theo tin mới nhất vào chiều 11/3, một số báo đưa tin Chung Thiểm Thiểm không còn giữ chức tổng giám đốc và đại diện pháp nhân của công ty, dù vẫn là chủ tịch Tập đoàn Nongfu Spring.

20231020083959-c3986866-96d1-41fe-b5c6-b3d14d66e4cb-36-5222.jpg
Làn sóng tẩy chay Nongfu Spring đang lan rộng ở Trung Quốc.

Dưới tác động tiêu cực của dư luận, doanh số bán hàng của Nongfu Spring đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lấy tài khoản Douyin shop hàng đầu chính thức của Nongfu Spring làm ví dụ, khu vực hội thoại tương tác chủ yếu là những lời chửi bới. Điều này đã khiến doanh số bán hàng của cửa hàng online từ mức trung bình hàng ngày từ 100.000 đến 250.000 NDT trước đó giảm xuống chỉ còn 5.000 đến 7.500 NDT, mất hơn 90%. Kể từ ngày 1/3, tài khoản này không còn livestream bán hàng nữa.

Các đại lý của Nongfu Spring cũng gặp tình trạng khó khăn tương tự. Một công ty thương mại kinh doanh các thương hiệu nổi tiếng như Wahaha và Nongfu Spring cho biết doanh số bán Nongfu Spring đã giảm rõ rệt.

Trang kinh tế Ifeng bình luận diễn biến của tình trạng này đã vượt quá dự liệu của Nongfu Spring và nhiều người. Cuộc cạnh tranh thương mại ban đầu dường như đã bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc phi lý trí và phát triển thành một cuộc “săn phù thủy” nhằm vào Nongfu Spring và cá nhân ông Chung Thiểm Thiểm.

Vụ Nongfu Spring mang đặc điểm điển hình của một cuộc “săn phù thủy” - cách nói được mượn từ cuộc đàn áp phụ nữ ở châu Âu thời trung cổ. Một số người còn lấy danh nghĩa lòng yêu nước để tấn công Chung Thiểm Thiểm và doanh nghiệp của ông kiểu bạo lực mạng; tố cáo doanh nghiệp bán hàng Nhật Bản, phán xử về đạo đức.

hinh-anh-nuoc-khoang-bi-do-bo-3798.jpg
Hình ảnh đổ bỏ nước khoáng Nongfu Spring lan tràn trên mạng (Ảnh: NetEasy).

Đằng sau cơn lên đồng dư luận này còn có một thế lực khác là một số người mượn cớ “yêu nước”, nắm bắt cơ hội và biến động lực ủng hộ Wahaha và tấn công Nongfu Spring thành cơ hội câu views.

"Chúng tôi không bán Nongfu Spring giá 1,2 NDT nữa. Tôi nghĩ việc kinh doanh phải thể hiện tình cảm nên tôi không nhập tất cả sản phẩm của Nongfu Spring mà sẽ dồn sức để bán Wahaha", thương nhân điều hành một cửa hàng tuyên bố trước ống kính hôm 4/3.

Trong video thứ hai tung ra ngày 5/3, ông ta ném chai Nongfu Spring và chiếc iPhone sang một bên và nói: “Tôi không bán Nongfu Spring và không dùng iPhone nữa. Muốn uống thì hãy uống Wahaha”. Video này nhận được rất nhiều like.

Nhiều công ty nhắm đến người dùng cũng mưu đồ kiếm chác tương tác. Trong một số video, họ cố tình để lộ tên thương hiệu Wahaha ở vị trí nổi bật, sắp xếp bàn hội nghị chứa đầy các chai Wahaha… Họ lợi dụng sự chú ý của công chúng về sự cố Nongfu Spring và khéo léo biến lượng truy cập thành lợi nhuận hữu hình. Và ngày càng có nhiều người gia nhập phe chế nhạo Nongfu Spring, sự thật và cảm xúc lẫn lộn, đúng sai không còn quan trọng, dưới sự cám dỗ của lượng views, thậm chí dẫn đến sự phi lý.

Để thu hút sự chú ý, một số blogger đã đăng video đổ bỏ những chai nước và đồ uống mang nhãn hiệu Nongfu Spring vào nhà vệ sinh hoặc bể bơi, kèm theo những dòng chữ mang tính kích động như "Loại đồ uống chó chết này chỉ đáng vứt vào thùng rác, đổ xuống cống”. Một số người thậm chí còn livestream cảnh đổ bỏ Nongfu Spring, cố tình kích động tình cảm tẩy chay sản phẩm này trên xã hội.

Trong cơn lên đồng tập thể này, việc uống Wahaha được xem như lẽ phải, còn việc lựa chọn Nongfu Spring trở thành một vết nhơ đạo đức. Một số công ty thương mại lo ngại ảnh hưởng đã phải xuôi theo, loại bỏ Nongfu Spring khỏi kệ hàng.

Có doanh nghiệp bị cư dân mạng chửi bới vì trong video phát trên mạng có sản phẩm Nongfu Spring trên bàn. Họ đã phải tung ra video xin lỗi và trịnh trọng tuyên bố rằng từ nay trở đi, công ty sẽ bỏ Nongfu Spring, chọn Wahaha. Một số siêu thị cũng chọn cách loại bỏ Nongfu Spring khỏi kệ hàng sau khi bị người tiêu dùng đe dọa tẩy chay.

(Theo NetEasy, Thepaper, Ifeng)