Người già Trung Quốc học cách dùng smartphone

Nhiều người cao tuổi ở Trung Quốc đang phải theo học các lớp dạy sử dụng điện thoại thông minh để không bị lạc hậu so với thời đại.
Hai người cao niên đang sử dụng điện thoại di động ở tỉnh Sơn Đông, tháng 5/2017. Ảnh: VCG.
Hai người cao niên đang sử dụng điện thoại di động ở tỉnh Sơn Đông, tháng 5/2017. Ảnh: VCG.

rong một căn phòng tại trung tâm dịch vụ hỗ trợ cộng đồng ở Bắc Kinh, Fu Guiling và hàng xóm của bà hoàn toàn tập trung nhìn vào màn hình cảm ứng, đôi lúc lắc lắc chiếc điện thoại thông minh của mình và cười khúc khích.

Người phụ nữ 66 tuổi này trước đó luôn sợ các thiết bị di động, cho đến khi bà được tham dự khóa học do See Young, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Bắc Kinh. Khóa học này có vai trò giúp những người cao tuổi làm quen và khai thác các tiện ích công nghệ một cách dễ dàng.

Đối với những người thuộc thế hệ trẻ, việc chia sẻ hình ảnh và video, trò chuyện hay mua sắm trực tuyến có thể là điều rất dễ dàng. Nhưng đối với hơn 230 triệu người già ở Trung Quốc, những người lớn lên trong thời đại tiền kỹ thuật số, công nghệ đã vượt qua họ quá nhanh tới mức bản thân không thể theo kịp dòng chảy thời đại.

Thế hệ bị lãng quên bởi công nghệ

"Điện thoại của tôi gặp vấn đề gì thế này? Màn hình đã chuyển sang màu đen, tôi không thể mở nó", Fu hỏi một tình nguyện viên của See Young.

Người phụ nữ này bị nhầm lẫn bởi chức năng "khóa màn hình". Hai tuần trước, cô con gái đã cho bà một chiếc điện thoại thông minh thương hiệu Huawei. Đây là lần đầu tiên bà sở hữu một thiết bị như vậy.

"Tôi chỉ biết cách trả lời điện thoại", bà cười trong khi chia sẻ.

Tuy nhiên, khóa học See Young đang dạy Fu và một vài người hàng xóm của bà những cách khác nhau để sử dụng ứng dụng mạng xã hội WeChat, chẳng hạn cách mở rộng phông chữ cho dễ đọc, sử dụng chức năng "lắc" hay cách tạo các cuộc trò chuyện theo nhóm.

Kể từ khi xuất hiện vào năm 2011, See Young đã giúp đỡ hơn 18.000 người cao tuổi trên khắp Trung Quốc và đã có hơn 3.800 tình nguyện viên, chủ yếu là sinh viên đại học.

Zhang Jiaxin, người đồng sáng lập See Young, cho biết: "Tất cả mọi thứ bắt đầu từ bà ngoại của tôi. Chúng tôi phát triển lên từ một nhóm sinh viên tình nguyện của Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh".

Sinh ra ở một thị trấn nhỏ của tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc, Zhang được nuôi lớn bởi bà ngoại của mình. Năm 2008, anh thi đậu trường đại học ở Bắc Kinh và từ đó cách duy nhất để anh nhìn thấy bà ngoại là qua các cuộc gọi thoại kèm hình ảnh (video call).

"Tôi đã dạy từng bước, nhưng bà vẫn không làm được", Zhang nói. "Tôi nhận ra rằng có rất nhiều người lớn tuổi ở Trung Quốc không thể thao tác với máy tính và các thiết bị hiện đại khác. Vì vậy, tôi bắt đầu lập ra See Young để làm cho tuổi già của họ trở nên dễ dàng hơn".

Việc dạy kiến thức công nghệ cho người cao tuổi đặt ra nhiều thách thức, từ việc thị lực của họ khá yếu ớt cho tới trí nhớ ngắn hạn, rồi khả năng thao tác tay khó khăn. Những người lớn tuổi cũng thường thấy họ bị xã hội hiện đại bỏ rơi bởi không thể theo kịp nhịp sống công nghệ cuồn cuộn hằng ngày. 

Tình nguyện viên đang dạy một nhóm phụ nữ lớn tuổi các bước để sử dụng điện thoại.

Tình nguyện viên đang dạy một nhóm phụ nữ lớn tuổi các bước để sử dụng điện thoại. Ảnh: icrosschina

Theo Bộ Nội vụ, Trung Quốc có hơn 230 triệu người từ 60 tuổi trở lên vào cuối năm 2016, chiếm 16,7% tổng dân số. Người cao tuổi của đất nước này sẽ chiếm khoảng một phần tư dân số vào năm 2030.

Việc xóa bỏ khoảng cách giữa người cao tuổi và các công nghệ mới có thể là một cách hiệu quả để giải quyết nhiều vấn đề về lão hóa. Nó giúp cho những người cao tuổi mở ra một thế giới hoàn toàn mới dành cho họ.

Fu đã từng làm việc tại một nhà máy sản xuất đồ đồng tráng men nổi tiếng. Kể từ khi về hưu, bà có thói quen ra công viên mỗi sáng, sau đó đi chợ mua rau và về nhà nấu bữa trưa.

"Con gái tôi rất bận rộn, nó đã cài đặt một số ứng dụng vào điện thoại cho tôi nhưng không có thời gian để chỉ cho tôi cách sử dụng chúng. Tôi là một người học rất chậm", Fu nói.

Bà đã dán một mảnh giấy nhỏ vào mặt sau của điện thoại, trên đó viết tên của mình và số điện thoại. Bà cho biết: "Tôi không thể nhớ được nhiều thứ, nhưng công nghệ giúp tôi kết nối với những bạn bè cũ".

Những người già vẫn trẻ

Cái tên See Young xuất phát từ một bài thơ cổ của Trung Quốc với hàm ý rằng bình minh có thể đến một lần nữa với những người cao tuổi. "Cái tên cũng có thể được diễn giải là 'Xem kìa, những người già vẫn còn trẻ'", người sáng lập tổ chức này nói.

Zhang Jin, một cựu dược sĩ 61 tuổi, nói rằng bà đã biết cách sử dụng dịch vụ chia sẻ xe đạp, quản lý tiền trực tuyến và tạo video trên danh sách nghiên cứu của mình. "Trong một xã hội đang phát triển nhanh chóng, chúng tôi sợ bị bỏ rơi bởi những đứa trẻ. Vì vậy, chúng tôi nỗ lực để có được những điều mới mẻ", Zhang Jin cho biết.

Được hỗ trợ bởi các quỹ của chính phủ và các khoản đóng góp xã hội, các khóa học của See Young bao gồm nội dung về thanh toán di động, đăng ký bệnh viện trực tuyến, hướng dẫn cách sử dụng WeChat và tạo video từ hình ảnh và âm nhạc. Mỗi khóa học sẽ do một giảng viên và nhiều tình nguyện viên tham gia hỗ trợ.

Một điều được đặc biệt chú ý trong việc chia sẻ kiến thức là vấn đề an toàn. Luo Xu, một trong số những người đồng sáng lập tổ chức nói rằng người cao tuổi thường là mục tiêu của hành vi gian lận tài chính. Do đó, họ đã đưa ra một lớp học để học viên ra phát hiện những vấn đề này.

Tổ chức này đã tóm tắt các kinh nghiệm của họ để xuất bản ba cuốn sách. Nhóm cũng đã quay video cho khoảng 10 khóa học trực tuyến từ tháng Bảy vừa qua. Với các khóa học trực tuyến, cộng đồng tình nguyện viên ở địa phương có thể tổ chức các bài học cũng như hoạt động mà không cần có sự tham gia của See Young.

"Ưu tiên của chúng tôi là kết nối thế hệ trước với công nghệ. Sau đó, chúng tôi dự định sẽ hỗ trợ các vấn đề mà họ thực sự quan tâm, như việc chia sẻ các kinh nghiệm hay kiến thức mang tính di sản", Luo nói.

Các lớp học của See Young thu hút đông đảo người cao tuổi tới theo học.

Các lớp học của See Young thu hút đông đảo người cao tuổi tới theo học. Ảnh:icrosschina

Wang Xianggui,  22 tuổi, một sinh viên đại học nhưng đã làm giảng viên của See Young cho biết: "Các khóa học được đưa ra dựa trên nghiên cứu của chúng tôi. Ví dụ thế hệ cũ thích lưu giữ kỷ niệm, do đó chúng tôi dạy họ sử dụng một ứng dụng để số hóa những bức ảnh cũ".

"Ngoài việc làm cho cuộc sống dễ dàng hơn nhờ công nghệ, một số người đến với mục đích để trò chuyện và tránh sự cô đơn", anh nói thêm.

Wang đang học ngành kỹ sư thông tin và có kế hoạch làm việc trong một công ty Internet sau khi tốt nghiệp. "Trong tương lai, có lẽ tôi có thể giúp các cụ ông và cụ bà kết nối với công nghệ theo một cách khác, giống như phát minh ra các công cụ số kỹ thuật số thân thiện hơn chẳng hạn", anh chia sẻ.

Theo VnExpress
http://sohoa.vnexpress.net/tin-tuc/doi-song-so/nguoi-gia-trung-quoc-hoc-cach-dung-smartphone-3627776.html