Người dân và doanh nghiệp là trọng tâm của chuyển đổi số

VietTimes – “Chuyển đổi số tác động tới tất cả mọi người dân, nên cần cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ III (Ảnh: VGP)

Đó là một trong những định hướng lớn về chuyển đổi số được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cập tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ III, diễn ra vào chiều ngày 11/12.

Đây là sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư. Diễn đàn cũng là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng để huy động nguồn lực nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Theo người đứng đầu Chính phủ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là yêu cầu khách quan của sự phát triển. Do đó, chuyển đổi số cần cách tiếp cận toàn cầu, không thể làm một mình mà phải hợp tác và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số tác động tới tất cả mọi người dân, nên cần cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực. “Chính sách chuyển đổi số phải hướng đến người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu phải phát huy tinh thần dân tộc trong chuyển đổi số; phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, nguồn lực bên trong (với ba trụ cột là con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa-lịch sử) là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định, còn nguồn lực bên ngoài (gồm nguồn vốn, công nghệ, năng lực quản trị…) là quan trọng và đột phá.

Hoạt động chuyển đổi số phải tham gia tích cực vào một số lĩnh vực, tập trung vào một số nhiệm vụ lớn như thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững, phát triển xanh; phòng chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; ứng phó các thách thức như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số…

Thủ tướng lưu ý, phải tránh cả hai khuynh hướng là chủ quan, nóng vội và trì trệ, bảo thủ. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

“Đường gần mấy không đi thì không bao giờ đến, đường xa đến mấy mà đi ắt sẽ đến”, Thủ tướng chia sẻ./.