|
Thuốc điều trị COVID-19 rao bán tràn lan trên mạng xã hội Facebook (Ảnh - MT) |
Vội vã mua thuốc trên mạng để phòng bệnh
Những ngày gần đây, số F0 trên địa bàn TP. Hà Nội không ngừng gia tăng, khiến nhiều người lo ngại có thể lặp lại "kịch bản" của TP.HCM mấy tháng trước đây nên hoang mang, lo lắng.
Chỉ riêng ngày 10/1, Hà Nội đã có thêm 2.832 ca dương tính với SARS-CoV-2 và đáng lưu ý khi số mắc "phủ" cả 100% quận, huyện của Thủ đô, với 393 xã, phường, thị trấn. Một số địa phương có số ca mắc cao là Hà Đông 168; Hoàng Mai 165; Thanh Trì 134; Đống Đa 124; Thanh Xuân 115; Nam Từ Liêm 109; Hai Bà Trưng 100,...
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, F0 cộng đồng tăng nhanh, nhiều người dân rất lo lắng, đã lên mạng xã hội Facebook để tìm mua các loại thuốc phòng bệnh COVID-19 như Molnupiravir, Areplivir.
Theo tìm hiểu của PV VietTimes, chỉ cần search tên thuốc Areplivir trên thanh công cụ tìm kiếm của Facebook, chỉ chưa đầy 1 giây đã cho kết quả là 1 loạt các bài viết quảng cáo thuốc Areplivir điều trị COVID-19.
|
Facebook“Hàng xách tay tuyển chọn (T.S) rao bán thuốc Areplivir điều trị COVID-19 (Ảnh - MT) |
Trên nhóm Facebook có tên “Hàng xách tay tuyển chọn (T.S)”, tài khoản tên T.D rao bán thuốc Areplivir với quảng cáo "thuốc có dạng viên nén bao phim, chứa hoạt chất Favipiravir, một loại thuốc phổ rộng trong kháng mạnh các loại virus. Thuốc Areplivir có tác dụng điều trị nhiễm coronavirus mới (COVID-19). Thuốc đã được nghiên cứu sản xuất tại Nga và lưu hành trên các thị trường hiện nay."
Ở dưới bài viết, nhiều người vào bình luận hỏi giá thuốc Areplivir để mua về sử dụng phòng COVID-19. Người bán nhiệt tình hỏi người mua loại phòng bệnh hay đặc trị, dùng cho người lớn/trẻ em với giá 3,5 triệu đồng/hộp.
|
Giá bán thuốc Areplivir được công khai trong phần bình luận (Ảnh - MT) |
Cũng bán thuốc Areplivir, một Facebook có tên T.N rao bán với giá 2 triệu đồng/hộp. Facebook này còn bán cả thuốc kháng virus Favipiravir 400mg với giá 3 triệu đồng/hộp.
Cùng với đó, trên trang Facebook có tên “Chợ thuốc Molnupiravir” chuyên quảng cáo, rao bán thuốc Molnupiravir cho người có nhu cầu mua về tự điều trị/phòng bệnh tại nhà. Một tài khoản Facebook có tên Q.L cho biết thuốc Molnupiravir có giá 3 triệu đồng/hộp.
|
Trang FB có Chợ thuốc Molnupiravir công khai ra giá bán thuốc (Ảnh - MT) |
Ngoài ra, còn rất nhiều trang Facebook khác nhau quảng cáo các loại thuốc để người dân tự mua về phòng bệnh tại nhà như: Arbidol xanh (giá 280.000 đồng/hộp), Arbidol đỏ (350.000 đồng/hộp), Areplivir (2,6 triệu đồng/hộp).
Có thể thấy với những quảng cáo trên, mỗi loại thuốc lại có 1 giá nhưng đều cao ngất ngưởng, còn về chất lượng thì không thể kiểm chứng.
Niềm tin “ảo”, hậu quả “thật”
Chia sẻ với PV VietTimes, TS. Bùi Lê Minh – Trưởng Ngành Công nghệ Sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành) - cho biết: Hiện nay, có một thực tế đáng lo ngại là, trong khi các loại thuốc kháng virus chưa được chính thức cấp phép sử dụng, hoặc chỉ được sử dụng với chỉ định và hướng dẫn cặn kẽ của bác sĩ trong quá trình điều trị COVID-19, thì lại đang được rao bán rất phổ biến trên thị trường "chợ đen", mạng xã hội. Trong đó phải kể các thuốc như Molnupiravir, Favipiravir (hay các tên khác như Avigan, Areplivir, Avifavir) và Arbidol. Các loại thuốc này mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở một số quốc gia, chưa được cấp giấy phép lưu hành ở Việt Nam và không phải thuốc người dân được dùng nếu không có chỉ định của bác sĩ.
|
TS. Bùi Lê Minh – Trưởng Ngành Công nghệ Sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành) (Ảnh - NVCC) |
Molnupiravir hoạt động với cơ chế gây đột biến cấu trúc RNA của virus bằng cách cung cấp các cấu trúc đơn phân “giả” cho quá trình tổng hợp RNA và tạo ra các bản sao lỗi, dẫn tới việc virus không thể nhân lên trong tế bào chủ được nữa. Mặc dù cơ chế này đã được khẳng định là có hiệu quả thông qua các thí nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng, giúp giảm nguy cơ nhập viện 30-50% ở các bệnh nhân COVID-19, nhưng nó cũng đi kèm với 2 nguy cơ lớn sau:
Thứ nhất, việc sử dụng không đúng liều (uống ít hơn chỉ dẫn, ngừng sử dụng sớm) sẽ có nguy cơ hình thành các biến thể virus không mất chức năng hoàn toàn và tiếp tục lây lan ra cộng đồng. Việc người bệnh không tuân thủ chỉ dẫn sử dụng thuốc là rất phổ biến, tương tự với việc sử dụng kháng sinh không theo đúng liệu trình dẫn tới tình trạng vi sinh vật kháng thuốc xuất hiện tràn lan mà chúng ta đều đã biết. Các thử nghiệm việc dùng thuốc này ở liều dưới ngưỡng tối ưu với các virus corona khác cho thấy nguy cơ này là hiện hữu.
Thứ hai, Molnupiravir không những làm biến đổi trình tự RNA, nó còn có thể làm thay đổi trình tự DNA do sử dụng chung đơn phân “giả” cho quá trình tổng hợp 2 loại phân tử này. Thuốc không chỉ có tác dụng chính là làm hỏng mã trình tự của RNA polymerase (loại enzyme giúp virus tái bản RNA), mà cũng có thể gây ra đột biến ở các trình tự DNA quy định các loại enzyme, protein khác của cơ thể người. Những bằng chứng về cơ chế phân tử của Molnupiravir là báo động cho nguy cơ ung thư ở người sử dụng, và nguy hiểm hơn là nguy cơ gây dị tật bẩm sinh nếu bố hoặc mẹ sử dụng thuốc trước và trong thai kỳ.
Theo TS. Minh, mặc dù 2 công ty chịu trách nhiệm trong việc phát triển Molnupiravir là Merck và Ridgeback đã thực hiện các đánh giá khả năng gây đột biến của thuốc trên động vật trước khi sử dụng ở người, nhưng nó không phản ánh được hết các trường hợp và đặc biệt là vẫn có thể xảy ra ở tần suất không phát hiện được ở 1.500 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng.
Merck đã từng có tai tiếng với thuốc Vioxx, là thuốc giảm đau đã được cấp phép sử dụng của FDA dựa trên dữ liệu an toàn của khoảng 5.000 tình nguyện viên sử dụng thuốc. Sau khi được cấp phép 5 năm, Vioxx đã bị thu hồi giấy phép do các nghiên cứu theo dõi lâu dài cho thấy thuốc có liên hệ với các tình trạng bệnh cảnh hiếm gặp ở tim và có thể đã giết chết 56.000 người, cũng như để lại di chứng cho 140.000 người với bệnh tim vào thời điểm bị thu hồi giấy phép.
Các cảnh báo về nguy cơ gây đột biến của Molnupiravir đã có từ lâu, nhưng vì lợi ích khi sử dụng lớn hơn nguy cơ gây ra do mắc COVID-19 nên các thông tin về hiệu quả của thuốc đã làm nhiều người không để ý tới các nguy cơ này. Đây là lý do Molnupiravir cần được hướng dẫn sử dụng bởi bác sĩ và chống chỉ định trong các trường hợp có ý định có thai, cho con bú trong vòng 100 ngày kể từ ngày cuối cùng sử dụng thuốc.
Favipiravir cũng tương tự như Molnupiravir, là một thuốc kháng virus với cơ chế gây đột biến. Favipiravir vốn được thiết kế để sử dụng chống virus cúm mùa. Khác với Molnupiravir dẫn tới đột biến thay thế uracil (U) bằng cytosine (C) thì favipiravir làm đổi chỗ guanine (G) và adenosine (A), làm tế bào không sản xuất được đủ RNA polymerase và ngừng quá trình tái bản của virus. Mặc dù nghiên cứu cơ chế cho thấy Favipiravir có khả năng gây đột biến kém hơn Molnupiravir nhưng bản thân Favipiravir cũng đã được biết đến với khả năng tạo ra quái thai và dị tật bẩm sinh từ thí nghiệm trên động vật.
Các đánh giá lâm sàng với Favipiravir cho thấy thuốc có thể giảm thời gian điều trị, giúp rút ngắn thời gian dẫn tới âm tính với xét nghiệm PCR nhưng lại không làm thay đổi đáng kể tỷ lệ tử vong ở nhóm có điều trị so với nhóm đối chứng không dùng thuốc. Thuốc này không được Anh và Mỹ cấp phép dù được phát triển từ 2014 ở Nhật bởi Fujifilm (Toyama Chemical) và hiện nay chỉ được dùng ở Nhật trong điều kiện bệnh nhân mắc cúm mùa không đáp ứng với các thuốc kháng virus khác. Favipiravir đã hết thời gian bảo hộ độc quyền vào năm 2019 nên các công ty dược khác có thể sản xuất các dược phẩm chứa Favipiravir dưới các tên khác như Areplivir và Avifavir của Nga (ngoài Avigan là tên thuốc chứa Favipiravir của Fujifilm).
Một loại thuốc kháng virus khác cũng đang được bán trên thị trường chợ đen là Arbidol. Thành phần chính của Arbidol là Umifenovir và thuốc này vốn được sử dụng để chữa cúm mùa. Umifenovir được phát triển và sử dụng ở Nga, Trung Quốc, nên nguồn nhập về Việt Nam cũng từ các nước này. Cơ chế tác dụng của Umifenovir khác Molnupiravir và Favipiravir, nó không phải chất gây đột biến mà có tác dụng ngăn chặn quá trình dung hợp màng của virus và tế bào chủ, từ đó chặn khả năng lây nhiễm của virus.
Một công bố tháng 11/2021 đã xác định Umifenovir bám trực tiếp vào tiểu phần S2 tham gia vào quá trình dung hợp màng. Mặc dù đã xác định được cơ chế phân tử nhưng vấn đề của Umifenovir là thiếu các nghiên cứu tiền lâm sàng và các dữ liệu đánh giá lâm sàng quy mô lớn nên các kết quả không thống nhất. Umifenovir đã được đánh giá hiệu quả lâm sàng so sánh với Favipiravir nhưng các kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa hai hoạt chất này. Mặc dù Arbidol có vẻ an toàn hơn Molnupiravir và Favipiravir, nhưng hiệu quả của thuốc này vẫn là điều chưa được làm sáng tỏ.
Từ những thông tin trên, TS. Minh khẳng định: Có thể thấy một điều là hiện nay chúng ta chưa có thuốc kháng virus dùng trong chữa trị COVID-19 vừa hiệu quả cao, vừa an toàn. Trong khi đó, tỉ lệ tiêm phủ vaccine trên toàn quốc đã đạt mức cao, tỉ lệ những người có nguy cơ bệnh nặng, tử vong đang ngày càng giảm và chiếm tỷ lệ rất thấp. Phần lớn các bệnh nhân COVID-19 (trên 85%) không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và có thể khỏi bệnh chỉ cần chăm sóc sức khỏe tốt mà không cần phải dùng tới thuốc kháng virus.
“Một số người cho rằng việc mình dùng các loại thuốc này là nguyên nhân sau đó khỏi bệnh, nhưng thực tế thì không ai có thể nói chắc chắn một người sẽ bị bệnh nặng hay nhẹ khi không dùng các thuốc kháng virus, tức là không thể đánh giá hiệu quả thuốc qua trải nghiệm cá nhân. Việc người dân tự ý mua các loại thuốc này và sử dụng tùy tiện chưa chắc đã có tác dụng, thậm chí còn dẫn đến nguy cơ như tăng khả năng ung thư, quái thai và nguy cơ tạo biến thể virus mới. Chính vì vậy, người dân cần có hiểu biết rõ ràng về lợi ích và nguy cơ của các loại thuốc này và tuân theo các chỉ dẫn của các bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ tư vấn” – TS. Minh nói.
|
Quảng cáo bán thuốc Fapiravir trên mạng xã hội (Ảnh - MT) |
Là người trực tiếp hỗ trợ từ xa cho nhiều F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội, BS. Lê Xuân Thắng - từng công tác tại Khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Quân Y 103) - cho hay: Nhiều trường hợp khi liên hệ với tôi đã tự dùng các bài thuốc "truyền miệng". Thậm chí, nhiều gia đình có 1 người là F0 còn chia sẻ đơn thuốc của mình cho các F1 cùng nhà uống để phòng bệnh, trong khi họ vẫn chưa có triệu chứng gì. Đây là thực trạng đáng báo động bởi có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Theo BS. Thắng, các loại thuốc nếu sử dụng sai đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh. Đặc biệt là các thuốc có thành phần paracetamol và corticoid. Đây là những thành phần thuốc dùng có chỉ định. Nếu sử dụng đại trà, tràn lan thì hậu quả để lại rất nguy hiểm - loét dạ dày, thậm chí nếu quá nặng có thể gây thủng dạ dày. Ngoài ra, paracetamol nếu uống quá nhiều có thể gây ảnh hưởng cho gan, nặng hơn là ngộ độc gan.
BS. Thắng còn dẫn chứng một trường hợp mà mình từng tư vấn cách đây không lâu: "Có trường hợp người chồng là F0 không triệu chứng tự mua thuốc có chứa paracetamol và corticoid về uống. Người vợ là F1 cũng uống cùng thuốc với chồng vì nghĩ là để phòng bệnh. Tuy nhiên, buổi sáng vừa uống thuốc, đến tối người vợ đã bị đau bụng. Khi gọi cho tôi, qua mô tả của bệnh nhân, xác định được người vợ gặp tình trạng dạ dày do sử dụng corticoid".
Từ thực trạng này, BS. Thắng khuyến cáo: Người dân khi phát hiện mình là F0 cần hết sức bình tĩnh và liên hệ ngay đến các cơ quan chức năng để được hướng dẫn. Việc điều trị, sử dụng thuốc cần có sự tư vấn, hướng dẫn của các bác sĩ, người có chuyên môn. Ngoài ra, tránh việc tích trữ thuốc vì dễ gây tình trạng người cần không có, người có lại không cần.