|
Ông Đào Nhật Đình, một chuyên gia về môi trường |
Ngày nay sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông xã hội đã khiến cho người dân cũng có thể trở thành nhà báo, thành người đưa tin. Tuy nhiên các tin trên mạng xã hội thường là tin không có kiểm chứng, thông tin sai sự thật. Là một người dùng có tri thức, xin ông biết vài kinh nghiệm để phân biệt tin giả, tin không chính xác trên mạng xã hội?
Ngày nay trên mạng xã hội ai cũng có thể trở thành một "nhà báo". Tuy nhiên đối với những tờ báo lớn nổi tiếng trên thế giới như tờ New York Times thì chúng ta cần phải trả phí để đọc bởi vì họ có quyền lực báo chí lớn.
Quyền lực báo chí ở đây không phải là do có một ai đó đứng sau, mà quyền lực báo chí mà họ tạo ra là nhờ chính đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp cũng như sự hợp tác với các hãng thông tấn lớn như Reuters để có thể mua lại tin của nhau do đó họ luôn có nguồn tin đáng tin cậy.
Về phía mạng xã hội, chúng ta không nên chối bỏ những lợi ích mà mạng xã hội mang đến. Ví dụ như việc có một tai nạn xảy ra trên đường thì lúc đó mạng xã hội có thể sẽ thắng được cả những báo chính thống bởi thông tin về vụ việc sẽ ngay lập tức được người dân xung quanh hiện trường đăng tải lên mạng xã hội. Tin tổng kết cuối cùng về vụ việc sẽ thuộc về những cơ quan báo đài chính thống.
Thế nhưng, khi những người sử dụng mạng mạng xã hội (Facebooker) đưa tin về những sự việc không xảy ra trên địa bàn của họ thì tính chính xác của những thông tin là không cao. Nhiều khả năng họ đang cố ăn theo một tin tức đang hot nào đó mà có thể những thông tin trong đó chưa chính xác.
Có thể thấy hiện nay, muốn thành một Facebooker nổi tiếng thì họ tự đặt lên bản thân một áp lực phải viết một cái gì đó thật giật gân để có nhiều người đọc và đây chính là một trong những nguồn gốc hình thành nên những tin giả, tin không đúng sự thực.
Một số trang web như Đại Kỷ Nguyên có cả một bộ máy để sản xuất tin giả. Nguồn gốc bình dân nhất là những người muốn nổi tiếng trên mạng xã hội, họ tạo ra các tin giả để lôi kéo lượng người theo dõi. Vấn đề này không chỉ xuất hiện ở trên mạng xã hội mà hiện nay nó còn xuất hiện trên một số tờ báo. Ví dụ như việc đưa tin về việc các gói hê-rô-in trôi dạt vào biển. Bình thường những gói hê-rô-in từ tam giác vàng có chữ Hán. Thế nhưng nếu họ đưa ra một tít bài báo là "Gói ma túy có chữ Trung Quốc trôi vào bờ biển miền Trung" thì họ sẽ kiếm được nhiều view hơn mà họ cũng sẽ không bị mang tiếng là đăng tin giả. Trong cuộc hội thảo về tin giả chúng ta gọi những thông tin này là "misinformation", tức là những người đưa tin chỉ làm lệch thông tin đi một chút để thu hút được nhiều người đọc hơn.
Về vấn đề phân biệt giữa tin thật và tin giả, chúng ta có một số cách đơn giản như sau. Đầu tiên người đọc phải có tính phê bình, có đầu óc chọn lọc những thông tin. Khi nhìn vào một tin tức, đầu tiên ta phải có sự nghi ngờ, kể cả đó có là những tin tức của hãng thông tấn lớn. Tuy nhiên đối với những hãng thông tấn lớn thì chúng ta sẽ ít phải kiểm tra hơn.
Còn đối với một tin tức đăng tải trên mạng xã hội, đầu tiên chúng ta cần phải nghi ngờ và sau đó kiểm chứng. Ví dụ như thông tin đập Tam Hiệp ở Trung Quốc bị biến dạng, chúng ta có thể kiểm chứng bằng cách tìm kiếm xem các hãng thông tấn lớn có đăng tải về thông tin này hay không. Nếu như không có hãng thông tin lớn nào đưa tin thì rất có khả năng đây là một thông tin giả. Tất nhiên, những thông tin nhỏ thì sẽ không được các hãng thông tấn lớn ở Việt Nam đưa tin nhưng những sự việc quan trọng ở trong nước cũng như thế giới thì chắc chắn sẽ được đề cập. Ví dụ như thông tin Bắc Kinh cắt giảm điện than, nếu như người đọc không có sự nghi ngờ thì sẽ "share" lại ngay lập tức với tiêu đề "Trung Quốc cắt giảm điện than". Còn đối với những người đọc có đầu óc phân tích thì sẽ hiểu ngay việc 1000 Gigawatt không có cách nào có thể bỏ trong vòng 50 năm chứ chưa nói đến trong vòng 1 hoặc 2 năm.
Trong hội thảo gần đây về tin giả, tin không chính xác, ông có nói rằng bụi mịn đã có từ 20 năm nay rồi, chỉ đến bây giờ báo chí và truyền thông xã hội mới làm rầm rộ khiến người dân hoảng sợ. Vậy theo ông đây có phải là một loại thông tin chưa chính xác hay không? Vậy làm cách nào để người dân có được những thông tin chính xác?
|
Theo nghiên cứu của giáo sư Phạm Duy Hiển, bụi mịn đã được ghi nhận cách đây 20 năm ở Hà Nội và cho đến nay hàm lượng bụi đó vẫn như vậy. Nếu như tính chính xác trên con số thì có thể thấy lượng bụi mịn những năm gần đây đang giảm xuống, tuy nhiên nếu xét trên phương diện thống kê và kỹ thuật thì không thế nói lượng bụi mịn đang có xu hướng giảm. Vào năm 1998, lượng bụi mịn trung bình năm rơi vào khoảng 50 microgram/m3. Sau đó có những năm lượng bụi mịn xuống 40 rồi lại lên 55, thậm chí có khoảng thời gian lượng bụi mịn trung bình năm lên tới con số 59 microgram/m3. Đây là bụi PM 2.5.
Báo chí không hề đưa tin giả về bụi mịn mà trên thực tế đúng là không khí tại Hà Nội ô nhiễm thật. Tuy nhiên báo chí đưa tin chưa đúng ở chỗ vấn đề này đã có ít nhất cách đây 20 năm nhưng giờ các cơ quan báo đài mới đưa tin khiến cho người dân có cảm giác rằng bụi mịn mới xuất hiện trong không khí một hai năm trở lại đây.
Những thông tin về bụi mịn đang trở thành một đề tài nóng được chia sẻ rất nhiều trong khoảng thời gian vừa qua là bởi cách đây 5 năm Trung Quốc bắt đầu sản xuất và bán ra những sensor nhận biết mức độ ô nhiễm với giá chỉ khoảng 5 USD, khi lắp thành máy chỉ độ 100 USD, vì vậy mọi người đều có thể mua và đo được lượng bụi PM 2.5 có trong không khí. Đó là một trong những lý do mà tin tức về bụi mịn rộ lên trong khoảng thời gian vừa qua.
Mặt khác chúng ta cũng phải thừa nhận một điều rằng bụi mịn đã được ghi nhận cách đây 20 năm. Tuy lượng bụi không đổi nhưng thành phần có thể thay đổi. Cách đây 20 năm, bụi tại Hà Nội chắc chắn có chì, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại thì lượng chì trong bụi còn rất ít mà thay vào đó có thể là hợp chất có Benzen.
Vẫn là vấn đề bụi mịn, với tư cách là một chuyên gia môi trường, theo ông nhà nước cần có giải pháp cấp bách nào để hạn chế tình trạng bụi mịn vượt ngưỡng cho phép nhiều lần?
Việc xử lý vấn đề bụi mịn không phải là một chuyện có thể xử lý trong một sớm một chiều. Trên thực tế nhà nước và doanh nghiệp đã tiến hành những biện pháp có tác dụng hạn chế lượng bụi mịn từ cách đây rất lâu. Một số ví dụ như việc hướng dẫn người dân ở những vùng nông thôn ủ rơm để bón cho cây thay vì đốt như thông thường. Doanh nghiệp đã nâng cấp nhiệt điện Phả Lại xả khói mù mịt năm 1999 bằng lắp đặt lọc bụi tĩnh điện mới. Nhà nước cũng đã khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng nhằm hạn chế lượng khói bụi thải ra từ ô tô, xe máy. Ngoài ra, những năm gần đây người dân bắt đầu sử dụng những phương tiện chạy bằng điện để bảo vệ môi trường. Xăng không chì từ lâu đã thay thế xăng pha chì để loại bỏ bụi chì trong không khí...
|
"Bụi mịn" đang là một chủ đề được rất nhiều người quan tâm (Ảnh: adayroi)
|
Quay trở lại với vấn đề tin giả, theo ông nhà nước cần có những chính sách như thế nào để hạn chế tin giả, tin sai sự thực và làm thế nào để thay đổi được nhận thức của người dùng khi mà họ tin tưởng mạng xã hội hơn báo chí chính thống?
Trong những vụ khủng hoảng vừa qua nhà nước đã xử lý rất yếu khi không cung cấp những thông tin kịp thời cho báo chí. Thứ nhất, chế độ phát ngôn của nhà nước khiến cho các thủ trưởng rất ít khi trả lời vào chi tiết những câu hỏi của báo chí mà chỉ trả lời xung quanh những thông tin đã có trong thông cáo báo chí. Đây là một trong những cơ chế dẫn tới khó khăn. Cơ chế thứ 2 là việc thông tin của chúng ta phải đi qua rất nhiều cấp phức tạp, phải họp bàn chuyên gia rồi mới được đưa cao nhất để quyết trong khi người đọc thì cần những thông tin đó ngay lập tức.
Lấy ví dụ như vụ cháy nhà máy Rạng Đông, ở cấp phường đã có thông tin rất nhanh về sự việc, điều này theo tôi đánh giá là tương đối tốt. Tuy nhiên về nguyên tắc phường Thượng Đình không được phát ngôn, thành phố mới là cơ quan được quyền phát ngôn về vụ việc, và thành phố nên thông báo với người dân rằng thông tin mà phường cung cấp cần được cập nhật, chứ không nên nói những thông tin đó là sai.
Trong vụ việc đó, những thông tin mà nhà nước đưa ra còn rất lúng túng khiến cho dân tình náo loạn. Đây không phải là lỗi của riêng một cơ quan, hay một bộ, mà đây là lỗi chung của cả một bộ máy nhà nước. Phía nhà nước cần phải đưa ra những thông tin nhanh hơn, nhiều hơn, minh bạch hơn và sẵn sàng sửa sai.
Cái thứ hai cần đề cập đến đó là về phương diện của người dân, người dân cần phải đọc tin với sự "nghi ngờ" trong đó. Không chia sẻ những tin tức mà mình chưa thực sự tin tưởng. Phải tự kiểm tra những thông tin mà mình đọc được. Về vấn đề tự kiểm tra, những người dân thường sẽ khó lòng có thể tự kiểm tra thông tin, vì vậy cần phải có những tiếng nói nhất định mà người dân có thể tin tưởng để có thể xác định cho người dân biết đâu là tin đúng đâu là tin giả. Những người dân ở địa phương xảy ra vụ việc nên có những phản hồi về việc liệu những thông tin đưa ra trên mạng xã hội có chính xác không qua đó kêu gọi bạn bè nên cảnh giác với những thông tin sai sự thật. Ví dụ như vụ sông Đà thì những người sinh sống có thể ra trực tiếp nhà máy nước sông Đà để xem. Đây cũng là một cách hay để hạn chế tin giả.
Ông có thể chia sẻ thêm cách để phân biệt đâu là ảnh giả, đâu là ảnh thật trên mạng không thưa ông ?
Trong tin giả thì họ hay dùng ảnh để gây ấn tượng. Cách các nguồn tin giả hay dùng nhất chính là sử dụng ảnh thật nhưng tiêu đề lại là giả. Chúng ta có một số cách để kiểm tra ảnh như sau. Chúng ta có thể kiểm tra thông qua Google Images, qua đó chúng ta có thể tìm được nguồn của bức ảnh. Cách thứ hai để phân biệt ảnh giả và ảnh thật đó chính là sử dụng phông nền kiến thức cá nhân. Kiến thức cho phép ta biết ảnh có đúng chụp ở khu vực đó không, nhà máy đó có đúng là nhà máy tiêu đề đưa ra không? Đây là 2 cách phân biệt ảnh giả, ảnh thật phổ biến hiện nay.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!