Người bị mắc kẹt trong hang động sẽ phải đối phó với những sang chấn về tâm lý như thế nào?

VietTimes – Các cậu bé thuộc một đội bóng thiếu niên của Thái Lan sẽ được giải cứu sớm, nhưng các em sẽ còn gặp phải những vấn đề về tâm lý trong một thời gian dài. Một nhà thám hiểm từng bị mắc kẹt trong hang động đã kể về những trải nghiệm đáng sợ của ông.
Mặc kẹt trong hang động có thể gây ra những sang chấn tâm lý về lâu dài (ảnh: Mindthetrip)
Mặc kẹt trong hang động có thể gây ra những sang chấn tâm lý về lâu dài (ảnh: Mindthetrip)

Thiếu tá quân đội về hưu Jonathan Sims biết chính xác cảm giác bị mắc kẹt trong một hang động ẩm ướt, tối tăm, bị chặn bởi một “hàng rào” nước dâng lên từng giờ là như thế nào. Ông đã trải qua 10 ngày bị mắc kẹt trong một hang động ở Mexico vào năm 2004, trước khi được giải cứu bởi Richard Stanton – một thợ lặn hang động người Anh. Stanton cũng chính là người đã tìm thấy các cậu bé Thái Lan trong hang Tham Luang hôm thứ Hai tuần trước.

“Tôi nhớ cảm giác vui sướng khi Stanton nổi lên và tôi thấy mặt anh ấy. Đó là một điều tuyệt diệu”. Trong hai tuần qua, kể từ khi Sims nghe nói về đội bóng trẻ và huấn luyện viên của họ bị mất tích trong một hang động, cơn ác mộng về những ngày tháng bị mắc kẹt trong ông lại sống dậy. “Trái tim tôi hướng về những đứa trẻ đó. Tôi đã suy nghĩ về chúng rất nhiều”, ông Sims nói.

Trong khi cha mẹ, người thân và bạn bè của các cậu bé đang mong ngóng giây phút chúng được mang ra ngoài hang, những đứa trẻ này khi được giải cứu sẽ gặp phải những sang chấn về tâm lý. Bất kỳ vết thương vật lý nào cũng có thể được chữa trị nhanh chóng, nhưng tác động lên sức khỏe tâm thần thì có thể kéo dài lâu hơn. Chúng có thể sợ nước, sợ bóng tối, sợ ở nhà một mình.

Richard William Stanton (bên trái) là một thợ lặn đầy kinh nghiệm của Anh. Ông đã tham gia nhiều chiến dịch giải cứu người mắc kẹt trong hang (ảnh: Getty Images)
 Richard William Stanton (bên trái) là một thợ lặn đầy kinh nghiệm của Anh. Ông đã tham gia nhiều chiến dịch giải cứu người mắc kẹt trong hang (ảnh: Getty Images)

Không giống như các cậu bé người Thái, ông Jonathan Sims là một thợ lặn hang động giàu kinh nghiệm và là một cựu sĩ quan quân đội từng có mặt tại Kosovo và Falklands. Ông được đào tạo để đương đầu với những tình huống khó khăn và nguy hiểm. Nhưng ngay cả như vậy, khoảnh khắc ông nhận ra mình bị mắc kẹt là thực sự kinh khủng. “Đó là đêm đầu tiên không ngủ, tiếng nước va đập trong hang động tạo ra những âm thanh như tiếng nổ trong đầu. Suốt đêm chúng tôi có thể nghe thấy tiếng ồn to hơn và to hơn. Nó khiến chúng tôi cảm thấy… bồn chồn”, ông Sims nhớ lại.

Nhóm của Sims bị  mắc kẹt trong hang động gồm 6 thành viên, hầu hết trong số họ là những người lính Anh tham gia vào một bài huấn luyện để khám phá hang động. Họ chỉ mang theo một lượng thực phẩm ít ỏi, phải lột trần để đối phó với cái nóng nhiệt đới và cắt một miếng giấy thành 52 ô vuông để chơi bài. “Điều quan trọng là trạng thái tinh thần của bạn. Nếu bạn bắt đầu hoảng loạn, đó là một thảm họa”, Sims nói.

Những người bị kẹt thấy mình đang mơ về thức ăn. “Chúng tôi rất đói. Chúng tôi tiếp tục nói về những gì mình sẽ ăn sau khi được giải cứu. Để trấn an tinh thần, chúng tôi kể cho nhau nghe những câu chuyện về cuộc đời mình. Tôi nghĩ yếu tố giúp các cậu bé Thái Lan sống sót chính là chúng có bạn bè ở xung quanh”.

Giáo sư Đại học Nottingham kiêm Giám đốc Trung tâm chấn thương NHS Nottinghamshire, ông Stephen Regel, có cùng quan điểm: “Hỗ trợ lẫn nhau là yếu tố giúp con người đối phó với chấn thương và nghịch cảnh. Thực tế là các em ở cùng một nơi, không đơn độc, tách biệt hoặc bị thương. Họ là một đội bóng đá với một mức độ tình bạn thân thiết, đồng thời có một người trưởng thành (huấn luyện viên) giúp trấn an tinh thần. Tất cả điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt đáng kể. Các em sẽ ít bị các vấn đề về tâm lý sau này”.

Ông Stephen Regel tin rằng các cậu bé, những người trong độ tuổi từ 11 đến 16, có thể đã có một cách tiếp cận tốt khi bị mắc kẹt trong hang động. “Có một yếu tố văn hóa cần tính đến. Những trẻ em này đến từ một xã hội Phật giáo, được chỉ dạy các biện pháp sinh tồn mà trẻ em phương Tây không có được. Nhưng họ càng ở đó lâu hơn, họ càng cần điều chỉnh khi ra ngoài”.

Người bị mắc kẹt trong hang động sẽ phải đối phó với những sang chấn về tâm lý như thế nào? ảnh 2

 Les Hewitt chụp ảnh tại một cửa hang ở Yorkshire

Hai mươi sáu năm sau khi Les Hewitt bị mắc kẹt tại hang Sleets Gill ở Bắc Yorkshire do lũ lụt, ông vẫn có những giấc mơ bị mắc kẹt trong một căn phòng đang dần dần ngập nước. “Tôi sẽ không bao giờ quên thời gian dài đằng đẵng ngồi đó trong bóng tối, nghe tiếng nhỏ giọt, nhỏ giọt, nhỏ giọt của nước, biết rằng nó đang dâng lên và bao quanh tôi. Tôi là một người đàn ông trưởng thành và tôi rất sợ hãi. Những đứa trẻ đó hẳn đã rất sợ hãi”.

Khi nước ngày một dâng cao và cảm giác sắp bị chết đuối xâm chiếm, ông Sims bắt đầu ảo giác và nghĩ đến cách tự sát. “Nếu tôi có súng, tôi sẽ tự bắn mình”, Sims hồi tưởng lại ký ức khiến giọng ông run rẩy. “Tôi đã bị ám ảnh với nó trong khoảng hai năm”.

Jonathan Sims nói rằng ông sẽ không ngạc nhiên về việc các cậu bé sẽ bị ảnh hưởng bởi những gì đã xảy ra với họ, trong suốt quãng đời còn lại. “Những cậu bé đó sẽ có những cơn ác mộng về nó mãi mãi. Nhưng trẻ em rất kiên cường và sẽ tin những gì người lớn nói với chúng”.

Regel suy đoán rằng các em có thể đối phó với những sang chấn tâm lý tốt hơn người lớn. “Trẻ em có khuynh hướng nhìn các sự vật chỉ với hai màu đen và trắng. Các em đã có một cuộc phiêu lưu với huấn luyện viên vào hang động. Và được giải cứu cùng với các thợ lặn lại là một cuộc phiêu lưu khác. Các em chắc chắn sẽ cảm thấy yên tâm bởi được dẫn dắt bởi những người lính của hải quân Thái Lan”.

Ông Martin Grass, Trưởng đại diện công ty Cave Diving Group – một người đã tham gia vào nhiều chiến dịch giải cứu trong hang động, tin rằng các thợ lặn sẽ trở thành một “bác sỹ tâm lý” với các em. “Hy vọng rằng các đứa trẻ sẽ thấy việc lặn là một phần của cuộc phiêu lưu. Nhưng các thợ lặn sẽ cảm thấy áp lực. Sẽ có những lo ngại về nguồn cung cấp khí và sự tích tụ CO2 trong hang động”.

Người bị mắc kẹt trong hang động sẽ phải đối phó với những sang chấn về tâm lý như thế nào? ảnh 3

 Nhà thám hiểm Martin Grass (ảnh: Dave Ryall)

Ông Jonathan Sims vẫn còn nhớ đến cú sốc khi được chào đón bởi 2.000 nhà báo khi ông được đưa ra ngoài hang động. “Việc giải cứu chúng tôi không quá khó bởi những người giải cứu chỉ phải lặn qua một quãng đường. Nhưng với các cậu bé Thái Lan, quá trình giải cứu phức tạp hơn bởi phải kết hợp giữa đi bộ, leo trèo và lặn”.

“Điều tôi hy vọng là họ để Stanton đưa ra quyết định, bởi vì anh ấy thực sự biết mình đang làm gì - và anh ấy không bao giờ lo lắng về bất cứ điều gì. Stanton hoàn toàn bình tĩnh và chuyên nghiệp. Anh ấy biết việc cứu được một, hai người đầu tiên ra khỏi hang và sau đó thông báo lại cho những người bên trong sẽ có một tác động tâm lý tốt đến những người còn lại”.

Cái chết của Saman Kunan, một cựu thợ lặn Hải quân Thái tuần trước khi không đủ ôxy bơi ra khỏi hang đã cho thấy những rủi ro to lớn. Điều này có thể khiến cuộc giải cứu không còn mang ý nghĩa là một cuộc phiêu lưu đối với những đứa trẻ, giáo sư Regel dự đoán. Nhưng nếu tất cả diễn ra tốt đẹp, ông Rehel nghĩ rằng các em sẽ có một kinh nghiệm tốt.

“Tinh thần các em có vẻ tốt và tôi nghĩ rằng các em sẽ có khả năng phục hồi tâm lý tốt hơn người bình thường. Thách thức sẽ là khi các em được đưa ra khỏi hang và phải đối phó với sự chú ý của báo chí. Các em sẽ trở thành những người nổi tiếng và điều đó đáng lo ngại nếu các em không có đủ không gian để xử lý những gì đã xảy ra. Các cậu bé càng sớm trở lại cuộc sống bình thường, thì sự hồi phục của các em sẽ càng nhanh chóng”.