|
Ngoại trưởng Mỹ bác bỏ yêu sách quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông giống như người tiền nhiệm Mike Pompeo (Ảnh: AP). |
Theo trang tin Đa Chiều ngày 14/7, ông Antony Blinken tuyên bố Mỹ bác bỏ các yêu sách “bất hợp pháp” của Trung Quốc ở Biển Đông và sát cánh cùng các nước Đông Nam Á đang đối mặt với sự “ép buộc” từ Bắc Kinh.
Trong khi đó, tại Bắc Kinh, hôm 14/7, các quan chức Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với điều họ gọi là "lập trường sai trái của Mỹ".
Đây là cuộc họp đầu tiên của ông Blinken với các ngoại trưởng của 10 nước ASEAN kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1 năm nay. Một số nhà ngoại giao và những người khác lo lắng rằng Washington đang không quan tâm đúng mức đến Đông Nam Á, cho dù khu vực này có ý nghĩa chiến lược lớn đối với Mỹ trong việc đối phó với một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh.
|
Hôm 4/4, các chỉ huy tàu khu trục USS Mustin (Mỹ) giám sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc từ khoảng cách gần (Ảnh: USNavy). |
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Blinken khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ - ASEAN đã nhắc lại cam kết của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và nhấn mạnh vai trò then chốt của ASEAN trong cấu trúc an ninh của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Hai bên cũng cam kết tiếp tục xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và ASEAN, mối quan hệ dựa trên cơ sở nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, phồn vinh kinh tế và trao đổi nhân sự mạnh mẽ.
Một năm trước, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo lần đầu tiên nói rõ, Mỹ cho rằng việc Bắc Kinh yêu sách quyền lợi tài nguyên ngoài khơi bao trùm phần lớn diện tích Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp” và lên án việc Bắc Kinh sử dụng “cường quyền là công lý” để đe dọa làm tổn hại đến chủ quyền của các nước Đông Nam Á. Ông cũng nói rằng Mỹ luôn sát cánh cùng các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á để bảo vệ chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi phù hợp với các quyền và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế.
|
Tàu sân bay USS Roosvelt tập trận trên Biển Đông hôm 6/4 (Ảnh: HĐ7). |
Vào thứ Sáu tuần trước (9/7), Bắc Kinh đã nhắc lại rằng họ sẽ “không chấp nhận, không công nhận và không thực hiện" phán quyết của tòa quốc tế.
Trung Quốc luôn tuyên bố rằng "Mỹ không phải là một bên liên quan đến Biển Đông và các tranh chấp, nhưng thường xuyên can thiệp vào vấn đề Biển Đông", đồng thời kêu gọi Mỹ “không nên trở thành kẻ gây rối, phá hoại và làm loạn hòa bình và ổn định của khu vực".
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin hôm thứ Tư (14/7) phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ - ASEAN đã hoan nghênh sự tham gia của Mỹ vào các vấn đề khu vực, nói rằng hợp tác đa phương là cách duy nhất để đảm bảo ổn định, hòa bình, thịnh vượng và an ninh của khu vực.
Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews), Ned Price, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao những nhận xét của Blinken trong cuộc họp.
|
Trung Quốc bồi đắp một số bãi ngầm ở Trường Sa thành đảo nhân tạo rồi xây dựng thành các căn cứ quân sự. Trong ảnh là đảo nhân tạo Vành Khăn (Ảnh: AMTI). |
Trong cuộc họp qua truyền hình, ông Blinken nhắc lại cam kết của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN trong cấu trúc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Ông Blinken nhấn mạnh, Mỹ cam kết hợp tác với các đối tác ASEAN và quốc tế để chống lại đại dịch COVID-19. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các hành động táo bạo để đối phó với khủng hoảng khí hậu.
Về vấn đề Biển Đông, ông Brinken nhấn mạnh Mỹ bác bỏ "chủ trương phi pháp" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Blinken cũng nhắc lại rằng, trước sự “ép buộc” của Trung Quốc, Mỹ đứng về phía các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền về Biển Đông.
Nói về tình hình ở Myanmar, Blinken nói rằng ông quan ngại sâu sắc về cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar. Ông kêu gọi ASEAN có hành động chung để thúc giục Myanmar chấm dứt bạo lực, khôi phục quá trình chuyển đổi dân chủ và trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ bất công.
Chủ nhật tuần trước, nhân kỷ niệm 5 năm ngày Tòa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết về vấn đề Biển Đông, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố tiếp tục chính sách của chính quyền Donald Trump trước đây về vấn đề yêu sách chủ quyền Trung Quốc ở Biển Đông, tiếp tục nhận định việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với phần lớn khu vực trên Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp.
|
Trung Quốc đưa số lượng lớn các tàu dân quân biển neo đậu trên Biển Đông gây nên căng thẳng trong quan hệ với Philippines (Ảnh: AP). |
Ngày 12/7, ông Blinken đã ra tuyên bố nhân kỷ niệm 5 năm ngày ra phán quyết của Tòa Trọng tài Biển Đông, nêu rõ trật tự hàng hải dựa trên luật lệ đang bị đe dọa nghiêm trọng ở Biển Đông. Tòa Trọng tài bác bỏ các yêu sách về biển “quá đáng” của Trung Quốc ở Biển Đông, rằng nó thiếu cơ sở luật pháp quốc tế.
Ông Blinken cũng đưa ra lời cảnh báo đối với Trung Quốc, nói nếu Trung Quốc tấn công quân đội Philippines ở Biển Đông, Mỹ sẽ "kích hoạt U.S.-Philippines Mutual Defense Treaty (Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines) kí năm 1951".
Cùng ngày 12/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bác bỏ phát biểu trên của ông Blinken về Biển Đông trong một cuộc họp báo thường kỳ.
Triệu Lập Kiên nói “chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc ở Biển Đông được hình thành trong một quá trình lịch sử lâu dài, có đầy đủ cơ sở lịch sử, pháp lý và được các chính phủ kế tiếp của Trung Quốc kiên trì”; rằng “cho đến đầu những năm 1970, không có quốc gia nào phản đối lập trường nêu trên của Trung Quốc”.
Ông Triệu Lập Kiên nói: “Việc Mỹ cho rằng các quyền và lợi ích biển của Trung Quốc ở Biển Đông thiếu cơ sở về luật pháp quốc tế, hoàn toàn không phù hợp với thực tế”.