FaceApp - ứng dụng có tính năng chỉnh sửa khuôn mặt của người dùng trở nên già hơn hoặc trẻ lại - đang tạo ra cơn sốt cho cộng đồng mạng toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chỉ riêng trên Play Store, đã có hơn 100 triệu người tải ứng dụng FaceApp.
Tuy nhiên, đi kèm sự nổi tiếng là những lo ngại về vấn đề sử dụng dữ liệu của FaceApp. Khi chấp thuận điều khoản sử dụng, người dùng vẫn sở hữu bản quyền về khuôn mặt của mình, nhưng FaceApp được phép can thiệp miễn phí và vĩnh viễn hình ảnh khuôn mặt của bạn. Điều đó có nghĩa là FaceApp gần như toàn quyền sử dụng những bức ảnh bạn đã đăng tải.
Trước FaceApp, nhiều ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh cũng từng bị tố thu thập dữ liệu người dùng trái pháp. Thậm chí, nhiều phần mềm đã bị gỡ khỏi các kho ứng dụng.
Meitu - chỉnh ảnh thành tranh vẽ
Giữa tháng 1/2017, ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh Meitu trở thành hiện tượng tại nhiều nước trên thế giới. Bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt kết hợp với AR, nó cho phép người dùng chạm 1 lần để chỉnh sửa toàn bộ vẻ ngoài, tạo ra hình ảnh "như tranh vẽ".
Tuy nhiên, chuyên trang về bảo mật ứng dụng Naked Security đã đưa ra cảnh báo về vấn đề thu thập dữ liệu của phần mềm này. Theo đó, ngoài camera, bộ sưu tập, Meitu còn yêu cầu vị trí người dùng, theo dõi thông tin Wi-Fi, SIM và cả thông tin về nhà mạng. Thậm chí, nó lưu cả số IMEI người dùng.
Tờ The Register cho biết Meitu thu thập dữ liệu về thiết bị đang chạy ứng dụng, cả Android lẫn iOS. Nó có cả "tính năng theo dõi quảng cáo ẩn được mã hóa cẩu thả".
Pitu - chỉnh sửa ảnh cổ trang
Tháng 2/2017, cộng đồng mạng tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới liên tục chia sẻ những bức ảnh cổ trang được tạo ra từ ứng dụng Pitu. Phần mềm chỉnh sửa hình ảnh này cũng bị cáo buộc tự ý đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng.
Ứng dụng này được phát hành hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, để sử dụng, nó yêu cầu người dùng cung cấp rất nhiều quyền truy cập không liên quan đến tính năng phần mềm như các tệp tin trong điện thoại, thông tin cuộc gọi, vị trí, micro hay kết nối Wi-Fi.
Trao đổi với EliteReaders, Patrick Jhan Fababeir, một kỹ sư công nghệ thông tin cho biết ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh này có thể ghi lại âm thanh, truy cập vị trí và các thông tin trên điện thoại. Thậm chí, một số chuyên gia bảo mật cho rằng nó còn truy cập cả vào nhật ký điện thoại.
"Ứng dụng này miễn phí nhưng không đồng nghĩa với việc người dùng không phải trả giá", Jano Cochon, Quản trị viên của chuyên trang công nghệ BloggerEngineer nhận định.
Google từng xóa 29 phần mềm chỉnh sửa hình ảnh giả trên kho ứng dụng
Đầu tháng 2, công ty bảo mật Trend Micro đã công bố danh sách 29 ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh có chứa mã độc trên kho ứng dụng Google Play. Theo đó, sau khi người dùng cài đặt các phần mềm này, chúng sẽ tự động hiển thị quảng cáo lên màn hình để lừa người dùng tải các phần mềm khác.
Trong khi đó, một số phần mềm khác không hề được trang bị tính năng chỉnh sửa hình ảnh. Chúng yêu cầu người dùng đăng tải hình ảnh lên máy chủ để xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế, phần mềm này không hề hoạt động. Như vậy, người dùng đã vô cớ mất toàn bộ thông tin về hình ảnh cá nhân.
Trend Micro cho biết những phần mềm này đã nhận được hàng triệu lượt tải xuống. Đa số người dùng đến từ khu vực châu Á, trong đó có Ấn Độ, Việt Nam.
Danh sách này bao gồm một số cái tên nổi bật như Pro Camera Beauty, Cartoon Art Photo, Emoji Camera, Artistic effect Filter, Art Editor, Beauty Camera, Selfie Camera Pro. Sau thông tin trên, Google đã gỡ bỏ những phần mềm này khỏi kho ứng dụng Google Play.