Nghiên cứu mới: Lập trình vi khuẩn chống ung thư

VietTimes -- Các nhà khoa học tại Đại học Columbia (Mỹ) đã sử dụng những vi khuẩn được lập trình hệ gen để giúp hệ thống miễn dịch nhận diện các tế bào ung thư, theo Taiwan News.
Lập trình vi khuẩn chống lại ung thư hứa hẹn sẽ trở thành phương pháp điều trị mới trong tương lai
Lập trình vi khuẩn chống lại ung thư hứa hẹn sẽ trở thành phương pháp điều trị mới trong tương lai

Hệ thống miễn dịch của con người có cơ chế hoạt động rất phức tạp, song, đôi khi vẫn để lọt những tế bào ác tính có hại cho cơ thể. Lý do nằm ở một loại protein tự nhiên tên là CD47, đi cùng với tế bào ung thư, phát ra tín hiệu cảnh báo khiến cho hệ miễn dịch tự động bỏ qua tế bào ác tính, cho phép chúng phát triển thành các khối u.

Đã có những nghiên cứu cố gắng tạo ra các kháng thể gắn vào CD47 nhằm vô hiệu hóa loại protein này, tạo cơ hội cho hệ miễn dịch tấn công tế bào có hại. Tuy nhiên, phương pháp này gây ra các tác dụng phụ tiêu cực, đồng thời, chưa chứng minh hiệu quả khi điều trị các khối u lớn.

Còn với các nghiên cứu của Đại học Colubia, phương pháp này tác động tới hệ thống miễn dịch và khối u thông qua các vi sinh vật hữu ích đã được lập trình gen.

Lợi dụng cơ chế xâm chiếm khối u để tránh bị hệ thống miễn dịch tiêu diệt của vi khuẩn, các nhà khoa học chế tạo những vi sinh vật xâm nhập vào bên trong khối u, giải phóng các tế bào nano che lấp protein CD47 để hệ thống miễn dịch có thể tìm và diệt những khối u có hại trong cơ thể.

Cơ chế này được ví như "con ngựa thành Troy" tàn phá khối u từ bên trong, mang lại lợi ích kép giúp hệ miễn dịch mạnh hơn, khối u bị thu nhỏ mà chỉ có tác dụng phụ tối thiểu.

Tuy nhiên theo tờ New York Times, phương pháp này mới chỉ thử nghiệm thành công ở chuột, chưa đảm bảo sẽ thành công trên người.