Dữ liệu mới nhất, và rất khó tin, về đại dịch COVID-19 ở đất nước 125 triệu dân đã khiến nhiều chuyên gia tin rằng nước này đã thành công trong việc xóa sổ biến chủng Delta. Nghiên cứu được Viện Gene Quốc gia Nhật Bản chỉ ra rằng biến chủng này đang tự đi đến chỗ “tuyệt chủng tự nhiên” sau khi trải qua một số lần đột biến khiến cho nó không thể tự nhân bản được nữa.
Người dân ở xứ sở Mặt trời mọc đã luôn được đặt trong tình trạng báo động cao kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, đặc biệt là sau khi biến chủng Delta trỗi dậy và thâm nhập vào cộng đồng của họ bắt đầu từ năm 2021.
Trong giai đoạn đỉnh của làn sóng dịch thứ 5, Nhật Bản từng ghi nhận khoảng 26.000 ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày, trong khi nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng phải áp dụng lệnh phong tỏa để ngăn chặn đà lây lan của biến chủng Delta.
Thế nhưng đến tháng 11/2021, Nhật Bản chứng kiến đà phục hồi đáng ngạc nhiên khi chỉ ghi nhận dưới 200 ca nhiễm trong vài tuần gần đây và trong hôm thứ Sáu tuần trước, 18/11, lần đầu tiên không ghi nhận một ca tử vong do COVID-19 nào trong suốt 15 tháng. Thủ đô Tokyo, thành phố lớn nhất thế giới với hơn 40 triệu dân, chỉ ghi nhận 6 ca nhiễm trong hôm 22/11.
Số ca nhiễm mới COVID-19 ở Tokyo trong hôm 22/11 chỉ là 6 (Ảnh: AFP) |
Theo một giả thuyết “mang tính cách mạng” mà giáo sư Ituro Inoue – chuyên gia về gene – đưa ra, biến chủng Delta đơn giản là có quá nhiều đột biến trong protein sửa lỗi đóng vai trò quan trọng đối với sự sinh sản của nó, có tên nsp14. Ông Inoue nói rằng virus không thể sửa những lỗi của nó kịp thời và cuối cùng “tự hủy”.
Khi biến chủng Delta lần đầu tiên xuất hiện, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã tuyên bố nó có khả năng truyền nhiễm cao gấp đôi so với những chủng trước đây, đồng thời cảnh báo rằng nó có thể gây ra tình trạng bệnh COVID-19 nghiêm trọng hơn đối với những người chưa được tiêm vaccine.
Nhìn chung, giới chuyên gia cho rằng biến chủng Delta sẽ có sự đa dạng về gene hơn nhiều so với chủng Alpha đã hoành hành khắp thế giới vào năm 2020. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Giáo sư Inoue, thực tế cho thấy điều ngược lại.
“Chúng tôi thực sự bị sốc khi nhìn vào kết quả nghiên cứu” – ông Inoue nói với tờ The Japan Times – “Biến chủng Delta ở Nhật Bản thực sự có khả năng lây lan rất nhanh và loại các biến chủng khác. Nhưng khi những lần đột biến tăng lên, chúng tôi tin rằng nó sẽ biến thành một virus lỗi và không thể tự nhân bản nữa. Nhìn vào số ca nhiễm không tăng thêm, chúng tôi nghĩ rằng ở một số thời điểm trong lúc xảy ra đột biến, nó sẽ tự hướng tới sự tuyệt chủng tự nhiên.”
Tại sao Trung Quốc quyết tâm duy trì chiến lược "zero COVID"?
Mặc dù một số chuyên gia tin rằng số ca nhiễm COVID-19 giảm mạnh ở Nhật Bản là nhờ vào tỷ lệ tiêm chủng đạt 76,2% và sự tuân thủ của người dân trong việc đeo khẩu trang, nhưng Giáo sư Inoue lại cho rằng số ca nhiễm mới sẽ vẫn tăng nếu như biến chủng Delta vẫn “còn sống và khỏe mạnh”.
“Nếu virus còn sống và khỏe, số ca nhiễm chắc chắn sẽ tăng, bởi đeo khẩu trang và tiêm chủng không thể ngăn chặn được những ca nhiễm đột phá, trong một số trường hợp” – ông Inoue nói.
Giáo sư Takeshi Urano – chuyên gia nghiên cứu tại Khoa Dược phẩm ĐH Shimane – cũng đồng tình với kết quả nghiên cứu của Giáo sư Inoue, nói rằng phát hiện mang tính đột phá này có thể được tận dụng để đưa ra các phương pháp điều trị mới đầy hứa hẹn.
“Nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng một chủng virus có protein nsp14 bị lỗi sẽ bị giảm đáng kể khả năng nhân bản, bởi vậy điều này có thể là một nguyên nhân giúp số ca nhiễm mới giảm nhanh” – ông Urano cho hay.
Nhật Bản đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào đầu tháng 10 vừa qua, bắt đầu mở cửa trở lại sau khi áp dụng những biện pháp cực kỳ khắt khe để chống dịch COVID-19. Giờ họ lại có tỷ lệ nhiễm bệnh thuộc hàng thấp nhất trong số các quốc gia phát triển trên thế giới, nhưng ông Inoue cảnh báo rằng Nhật Bản vẫn có thể chịu ảnh hưởng bởi các biến chủng mới có thể trỗi dậy.
“Rõ ràng là vẫn có mối đe dọa” – ông Inoue nói – “Các biến chủng khác không thể hoành hành là bởi biến chủng Delta khiến chúng không thể lọt vào. Nhưng bởi giờ không còn thứ gì ngăn cản chúng nữa, nên các biến chủng khác có thể thâm nhập, và chỉ riêng các loại vaccine là không đủ để giải quyết vấn đề.”
Nghiên cứu của Giáo sư Inoue cũng có thể lý giải cho sự biến mất tương tự của SARS ở Nhật Bản vào năm 2003.
Thực hiện một cuộc thí nghiệm, các nhà khoa học đã tạo ra các đột biến ở nsp14 ở virus gây bệnh SARS, cuối cùng phát hiện ra rằng virus này không thể tự nhân bản sau khi hoàn tất một số đột biến. Tuy nhiên, Giáo sư Inoue nói rằng đây mới chỉ là một giả thuyết, bởi chưa có dữ liệu về bộ gene.
Ở thời điểm hiện tại, ông Inoue nói rằng sẽ là quá lạc quan khi tin rằng SARS-CoV-2 sẽ giảm mạnh trên phạm vi toàn cầu, tương tự như ở Nhật Bản.
“Khả năng xảy ra điều đó không phải là không có, nhưng sẽ quá lạc quan nếu tin vào điều đó bởi hiện tại chúng tôi chưa có bằng chứng cụ thể nào, mặc dù chúng tôi đã nhìn vào rất nhiều dữ liệu từ các nước khác” – ông nói.
Theo NYPost, The Japan Times