Nghi vấn nhiều nền tảng MXH xuyên biên giới dùng thuật toán gợi ý người dùng xem nội dung nhảm nhí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hiện có cơ sở để nghĩ rằng, một số nền tảng MXH xuyên biên giới điều chỉnh thuật toán, gợi ý những nội dung nhảm nhí - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đặt nghi vấn và cho rằng cần thêm thời gian để khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng việc ứng xử, quản lý, xử lý các nền tảng xuyên biên giới không còn là vấn đề quá khó khăn.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng việc ứng xử, quản lý, xử lý các nền tảng xuyên biên giới không còn là vấn đề quá khó khăn.

Trao đổi tại phiên Thảo luận của Hội thảo Văn hóa 2022 (diễn ra ngày 17/12), về việc chống những nội dung văn hóa độc hại tràn lan trên các nền tảng mà đặc biệt là các nền tảng do nước ngoài cung cấp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết thời gian gần đây việc ứng xử, quản lý, xử lý các nền tảng xuyên biên giới không còn là vấn đề quá khó khăn nữa bởi cơ quan quản lý đã thay đổi từ nhận thức, ý chí, cho đến thể chế chính sách.

Ông Lâm khẳng định Việt Nam không có chủ trương cấm tuyệt đối. “Cấm tuyệt đối thì rất dễ. Chỉ cần sau khi ra quyết định 30 phút là sẽ chặn hoàn toàn được Facebook, YouTube. Nhưng chúng ta biết rằng đây là một tiến bộ công nghệ, mang lại rất nhiều cái tốt cho xã hội nên chúng ta phải gạn đục, khơi trong” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu quan điểm.

Với định hướng như vậy, hiện nay đã có nhiều bộ ngành và cả xã hội đã cùng có trách nhiệm nhận biết đâu là nội dung độc hại, đâu là nội dung hữu ích để ứng xử một cách phù hợp.

Ông Lâm cho biết, thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không chỉ thực hiện việc dọn dẹp thông tin độc hại thời gian qua mà còn chủ động nắm bắt từ gốc để ngăn chặn sớm.

Tuy nhiên, “có một vấn đề khó là hiện chưa chưa kiểm soát được thuật toán chia sẻ thông tin của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Và chúng tôi có cơ sở để nghĩ rằng nhiều nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới khi vào Việt Nam đã điều chỉnh thuật toán theo hướng gợi ý nhiều những nội dung nhảm nhí tới người dùng. Việc này dẫn tới nhiều hệ luỵ, đầu tiên làm người dùng mất thời gian xem, sau đó đầu độc người dùng, cả thế hệ trẻ và người già.

"Người già ở nhà bật tivi xem YouTube là những đối tượng bị phơi nhiễm những tin giả, tin nhảm nhí nhiều nhất” – Thứ trưởng nói.

Đại diện Bộ TT&TT cũng cho biết, cần thêm thời gian để xác minh việc này và nếu khẳng định nghi vấn này là đúng, thì đây là việc quan trọng nhất cần phải chống. Và việc này sẽ là việc tạo nên sự thay đổi căn bản.

“Chúng ta phải kiểm soát và điều chỉnh thuật toán của các nền tảng xã hội xuyên biên giới, để họ thay vì gợi ý những nội dung nhảm nhí thì phải gợi ý những nội dung rất tốt mà thật ra là đang có rất nhiều trên không gian” – đại diện Bộ TT&TT khẳng định.

Không cài đặt mặc định ứng dụng chưa xin phép trên SmartTV, SmartPhone

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, tới đây sẽ không có tình trạng bảo hộ ngược cho những doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ pháp luật mà lại làm khó các doanh nghiệp trong nước.

Với Nghị định 71 có hiệu lực từ 1/1/2023 - sửa đổi Nghị định về cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên internet, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định rằng, sẽ không có tình trạng "bảo hộ ngược" doanh nghiệp ngoại trong cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình nữa.

Đại diện Bộ TT&TT cho rằng việc cần làm hiện nay là phải tạo cho người dùng thói quen là bấm xem những nội dung tử tế - Ảnh minh hoạ.

Đại diện Bộ TT&TT cho rằng việc cần làm hiện nay là phải tạo cho người dùng thói quen là bấm xem những nội dung tử tế - Ảnh minh hoạ.

"Chúng ta hoàn toàn có quyền yêu cầu tất cả các nền tảng cung cấp nội dung nước ngoài xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ đầy đủ tất cả các quy định như doanh nghiệp trong nước. Nếu họ không tuân thủ thì sẽ bị chặn" - ông Lâm nói.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói rằng Bộ TT&TT sẽ ủng hộ doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất những nội dung trong nước, và phân phối trên những nền tảng MXH, không chỉ cho trong nước mà cho cả thế giới xem.

Thứ trưởng cho rằng, bài toán hiện nay là việc hợp tác và đấu tranh, chứ không nặng về thể chế và phương pháp nữa.

Nói thêm về việc hạn chế khả năng tiếp cận người dùng của các ứng dụng, nền tảng chưa được cấp phép, ông Lâm cho biết Bộ TT&TT sẽ yêu cầu tất cả các nhà sản xuất tivi thông minh và điện thoại thông minh bán ra ở Việt Nam không được cài đặt những ứng dụng chưa xin phép; không được nghiễm nhiên cài đặt những ứng dụng, hoặc là trên điều khiển từ xa. Thay vào đó, các nhà sản xuất sẽ đặt sẵn các ứng dụng cung cấp nội dung báo chí, truyền hình hợp pháp, có giấy phép.

"Thói quen đọc, xem, nghe của người dùng bây giờ đã thay đổi. Người dùng cầm điều khiển xem tivi hay lướt mạng là quyền của họ. Vậy, nên mình phải tạo cho người dùng thói quen là bấm xem những nội dung tử tế. Việc này chúng tôi sẽ tiến hành trong năm tới" - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu quan điểm.