Nghi án gạo Ấn Độ gian lận xuất xứ Việt Nam: Của công ty nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hàng chục container gạo nhập khẩu từ Ấn Độ nghi vấn gian lận xuất xứ Việt Nam do một doanh nghiệp tại Hà Nội đăng ký làm thủ tục nhập khẩu qua cảng Cát Lái vào cuối tháng 2 và tháng 3/2021.

Gạo Việt trước nguy cơ bị giả mạo xuất xứ, mất thị phần (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet)
Gạo Việt trước nguy cơ bị giả mạo xuất xứ, mất thị phần (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet)

Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 – thuộc Cục Hải quan TP HCM vừa tạm giữ hàng chục container gạo nhập khẩu từ Ấn Độ nghi vấn gian lận xuất xứ Việt Nam.

Cụ thể, theo khai báo trên tờ khai hải quan, lô hàng gạo này có xuất xứ Ấn Độ. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, nhà chức trách phát hiện toàn bộ số gạo nhập khẩu được đóng gói 50kg/bao, trên bao bì mỗi bao gạo đều ghi rõ tên thương hiệu, địa chỉ nhà máy, địa chỉ doanh nghiệp tại Việt Nam, thành phần gạo 5% tấm...

Nghi vấn có sự giả mạo xuất xứ hàng hoá, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã lập biên bản chứng nhận, tạm giữ toàn bộ lô hàng để điều tra, xác minh làm rõ.

Cũng theo đơn vị này, lô hàng này thuộc 2 tờ khai nhập khẩu do một doanh nghiệp tại Hà Nội đăng ký làm thủ tục nhập khẩu qua cảng Cát Lái vào cuối tháng 2 và tháng 3/2021.

Sự việc làm dấy lên mối lo ngại trong cộng đồng các doanh nghiệp kinh doanh thương mại mặt hàng gạo. Bởi lẽ, Việt Nam đã mất nhiều năm mới xây dựng được uy tín cho hạt gạo, nhưng hành động này có thể khiến cho mọi nỗ lực đó 'đổ xuống sông xuống biển'.

Thậm chí, theo phản ánh của các nhà xuất khẩu, một số nước đã ngừng nhập khẩu gạo trắng của Việt Nam do lo ngại giả mạo nguồn gốc xuất xứ.

Doanh nghiệp mà Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đề cập hẳn phải có thực lực và kinh nghiệm giao thương các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm gạo.

Theo tìm hiểu của VietTimes, trong số nhiều doanh nghiệp kinh doanh thương mại mặt hàng gạo danh tiếng, đặt trụ sở tại Hà Nội, công ty T có hoạt động nhập khẩu khá tích cực tại cụm cảng Cát Lái (Tp. HCM) trong 5 tháng đầu năm 2021.

Trong đó, đa số là các hàng hoá được khai báo là nhập kinh doanh tiêu dùng, được phân loại theo luồng vàng – tức là đơn vị hải quan sẽ kiểm tra chi tiết hồ sơ (chứng từ giấy), không kiểm tra chi tiết hàng hóa (nếu không có dấu hiệu vi phạm).

Được biết, T đã có hàng chục năm kinh doanh thương mại sản phẩm nông nghiệp, sản xuất thức ăn chăn nuôi, và đang hướng tới việc xây dựng các mặt hàng nông nghiệp có thương hiệu.

Trước đó, ngày 4/1/2021, Reuters dẫn nguồn tin cho hay, các doanh nghiệp ngành lương thực Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu 70.000 tấn gạo 100% tấm sang Việt Nam cho các chuyến hàng tháng 1 tháng 2/2021 với giá khoảng với giá khoảng 310 USD/tấn.

Tờ này cũng dẫn lời đại diện một công ty xuất nhập khẩu gạo tại Tp. HCM cho rằng, gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu được các doanh nghiệp sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và nấu bia.

Dù vậy, việc Việt Nam lần đầu mua gạo từ Ấn Độ sau nhiều thập kỷ đã gây không ít bất ngờ.

Khi ấy, giá gạo cùng loại của Ấn Độ và Việt Nam đang có sự chênh lệch lớn. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán trong khoảng từ 500 - 505 USD/tấn, cao hơn nhiều so với giá gạo cùng loại của Ấn Độ là 381 - 387 USD/tấn.

Hơn nữa, theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), các loại gạo 5% tấm và 100% tấm nhập khẩu từ Ấn Độ được hưởng thuế suất 0%.

Do đó, có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại sự chênh lệch lớn về giá giữa gạo Ấn Độ và Việt Nam sẽ dẫn đến tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam./.