Nghe theo khẩu hiệu của Alipay, giới trẻ Trung Quốc lâm cảnh nợ nần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Những lời khuyến khích chi tiêu của dịch vụ Alipay đã khiến nhiều người trẻ Trung Quốc mắc nợ.

Tỷ phú Jack Ma từ lâu đã tự tạo hình ảnh một người hết mình hỗ trợ người trẻ và các công ty nhỏ tại Trung Quốc, thường được gọi là "kiến", để họ có thể tiếp cận nguồn vốn mình mong muốn.

"Bạn còn trẻ mà, cứ chi tiêu đi", câu nói trong quảng cáo của Huabei, dịch vụ giống thẻ tín dụng của Alipay đã tạo động lực cho nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp tại Trung Quốc mua sắm.

Xiaoli Shen, 25 tuổi, là một ví dụ. Cô vay tiền mua chiếc iPhone đầu tiên, chi tiêu khi đi thực tập tại Bắc Kinh, rồi sau này là cả mua sắm, đi lại đều qua Huabei. Chồng hóa đơn cứ dày lên, kéo theo khoản nợ của Shen.

"Tôi cảm giác là sẽ chẳng bao giờ trả nợ nổi", Shen chia sẻ.

Khi chính quyền Trung Quốc siết chặt hoạt động đế chế tài chính Ant Group của Jack Ma, Shen quyết định sẽ chi tiêu tiết kiệm. Ngày độc thân vừa qua, cô cũng chỉ mua vài món đồ.

"Bằng cách điều chỉnh lại suy nghĩ, tôi đã kiểm soát được cơn nghiện mua sắm của mình", Shen cho biết. Cô đã xóa Huabei khỏi danh sách ứng dụng thanh toán ưu tiên ở điện thoại, và sẽ cố gắng trả khoản nợ 1.000 tệ của mình.

"Đến lúc đó tôi sẽ thật sự tự do", cô gái 25 tuổi chia sẻ.

Thông điệp của Jack Ma phản tác dụng

Jack Ma là một trong những người mở đường trong lĩnh vực kinh doanh Internet tại Trung Quốc. Alibaba và Ant Group đều thay đổi cách người Trung Quốc giao thương hoặc thanh toán, tiết kiệm.

Ông cũng có thể coi là biểu tượng của công nghệ Trung Quốc trong suốt 2 thập niên vừa qua. Nếu không bị chặn lại, đợt IPO kỷ lục 34 tỷ USD của Ant Group có thể trở thành IPO công nghệ lớn nhất lịch sử.

Kích thích tiêu dùng là một trong những chiến lược của Trung Quốc để khôi phục lại nền kinh tế sau đại dịch. Ảnh: AP.
Kích thích tiêu dùng là một trong những chiến lược của Trung Quốc để khôi phục lại nền kinh tế sau đại dịch. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, Jack Ma đã đi quá xa khi chỉ trích chính sách quản lý tài chính của Trung Quốc tại hội nghị ở Thượng Hải, tháng 10/2020. Ông đã phải trả giá ngay lập tức. Đợt IPO bị hoãn 2 ngày trước hạn, và Jack Ma biến mất khỏi mọi diễn đàn, bài phát biểu trước công chúng suốt 3 tháng.

Thông điệp là rất rõ ràng, những công ty công nghệ và tài chính phải đi theo định hướng.

Theo LA Times, nhiều người trẻ Trung Quốc cũng đồng ý với thông điệp này. Thế hệ "kiến", sinh sau năm 1990 không còn thần tượng Jack Ma như trước đây. Trưởng thành khi kinh tế bắt đầu chậm lại, họ bắt đầu hoài nghi chủ nghĩa tiêu dùng và sự bất bình đẳng. Họ vẫn dùng sản phẩm của Jack Ma, nhưng không đồng ý với những lý tưởng của ông.

Những người này nói rằng họ không quan tâm đến tiền, nhưng đều sống cuộc sống giàu sang và chê bai thanh niên.

Vlogger Trung Quốc chỉ trích cách những nhà sáng lập Alibaba, Huawei "lên lớp" giới trẻ.

Sau khi IPO của Ant Group bị hoãn, video giải thích rằng mô hình của họ hiện tại rất giống cách mà Mỹ rơi vào khủng hoảng năm 2008 được chia sẻ liên tục tại Trung Quốc. Thông điệp của những video dạng này cho rằng chủ nghĩa tiêu dùng đang biến những người trẻ thành nô lệ của nó.

Thông điệp về sự cố gắng, nỗ lực trong công việc và văn hoá cạnh tranh công sở, giống như những gì mà Jack Ma hay nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi muốn truyền tải, cũng bị nghi ngờ. Nhiều người trẻ Trung Quốc cho rằng thành công là sẵn có, dựa trên nền tảng tiền tài, gia đình.

"Những người này nói rằng họ không quan tâm đến tiền, nhưng đều sống cuộc sống giàu sang và chê bai thanh niên. Rõ ràng những người trẻ sẽ không thể chấp nhận những thông điệp đó và tiếp tục tôn thờ họ", một vlogger nhận xét.

Lễ hội mua sắm ngày độc thân (11/11) tại trụ sở Tmall, công ty con của Alibaba. Ảnh: Getty
Lễ hội mua sắm ngày độc thân (11/11) tại trụ sở Tmall, công ty con của Alibaba. Ảnh: Getty

Sau vụ IPO bị hoãn, nhiều dịch vụ của Ant Group cũng bị đưa vào diện điều tra. Huabei và Jiebei, có nghĩa là "cứ tiêu" và "cứ vay", là trung tâm của cuộc điều tra. Các khoản vay của người dùng được Ant Group gộp lại để trở thành gói đầu tư cho các tổ chức.

Ant thu lợi nhuận bằng khoản phí nhỏ cho mỗi giao dịch, cũng như phần lãi từ khoản vay, trong khi chuyển rủi ro vỡ nợ cho các ngân hàng hoặc nhà đầu tư. Trong khoản vay của khách hàng, Ant chỉ cấp 2% vốn. Mô hình này có nhiều điểm tương đồng với những trung gian cho vay mua nhà tại Mỹ trước khủng hoảng tài chính 2008.

Ant Group bị siết chặt hoạt động

Cá nhân và công ty nhỏ tại Trung Quốc rất khó vay vốn từ các ngân hàng lớn. Sản phẩm của Ant giúp họ tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, Ant giúp những thanh niên không có nhiều kiến thức tài chính có thể vay vốn mà không cần những tài sản đảm bảo.

Khi mới dùng Huabei và Jiebei vào năm 2018, Eva Wang, 23 tuổi cảm thấy chúng như phép thuật.

"Cứ như là tiền giả vậy, bạn có thể tiêu mà không suy nghĩ gì", Wang nhớ lại.

Tới tháng 6/2020, Wang mất việc. Khoản nợ 40.000 tệ trở thành vấn đề lớn khi cô không còn nguồn thu nhập. Wang vay khoản mới để trả khoản nợ cũ. Chẳng mấy chốc, cô có tới hàng chục chủ nợ.

"Tôi sợ phải mở mắt ra mỗi sáng, đôi lúc tim đập nhanh đến nỗi khó thở. Đây là lần đầu tiên tôi thấy cuộc sống khó khăn đến thế", Wang cho biết, nhớ lại rằng đã có lúc cô nghĩ tới việc tự tử.

Một bảng quảng cáo của Huabei tại Thượng Hải. Ảnh: Getty.
Một bảng quảng cáo của Huabei tại Thượng Hải. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên không phải ai cũng đổ lỗi cho các nền tảng. Nhiều ý kiến cho rằng người đi vay cần phải chịu trách nhiệm cho chính khoản vay của mình.

"Dao có thể dùng để cắt thịt, cũng có thể đâm người. Con dao không có lỗi, chỉ là mỗi người dùng một cách khác nhau", Lichen He, 27 tuổi, làm việc tại một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh nhận xét. Huabei đã giúp cô "không biết bao nhiêu lần" khi cần dùng tiền ngay mà chưa có lương.

"Huabei giúp tôi có tiền sống qua ngày, chờ lương về", He chia sẻ.

Mảng cho vay nhỏ lẻ của Ant phát triển rất nhanh. Chỉ trong 5 năm, trước khi công bố số liệu để chuẩn bị IPO vào tháng 6/2020, Huabei và Jiebei đã có 500 triệu người dùng. Theo thống kê của Nielsen năm 2019, 86,6% người Trung Quốc ở độ tuổi 18-29 sử dụng sản phẩm vay.

Đây là hành vi tiêu dùng rất khác biệt so với thế hệ lớn tuổi hơn, những người quen với việc tiết kiệm.

Trên nhóm "hội những người mắc nợ" ở Douban, số lượng thành viên đã lên tới 39.000 người. Thống kê gần nhất cho thấy tổng số nợ trung bình của họ trên các nền tảng cho vay lên tới 56.000 USD .

Theo nhận xét của nhà phân tích Xiaomeng Lu, Trung Quốc có thể coi là nước tự do nhất về một số lĩnh vực công nghệ. Việc cơ quan quản lý chậm đưa ra luật khiến nhiều lĩnh vực phát triển bùng nổ như cho vay ngang hàng. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng dẫn đến nhiều hậu quả.

Sau khi dừng mua sắm, tôi nhận ra phần lớn tiền mình bỏ ra là để thỏa mãn bản thân chứ không phải do tôi thực sự cần thứ đó.

Eva Wang, người từng mắc nợ hơn 6.000 USD vì vay qua Huabei và không trả nổi.

Giờ đây giới chức Trung Quốc đã sẵn sàng chặn lại những công ty phát triển quá tự do. Ant đang tái cơ cấu từ cuối năm 2020, và sẽ phải vận hành giống một ngân hàng hơn là công ty công nghệ. Huabei và Jiebei sẽ phải bỏ ít nhất 30% cho mỗi khoản vay họ duyệt cho người dùng. Đây là mức rất cao, nhưng Ant không thể mặc cả.

LA Times nhận định lĩnh vực cho vay vốn nhỏ sẽ tiếp tục được duy trì, bởi nó phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc. Tuy nhiên, sẽ không còn cảnh cho vay bừa bãi như trước.

Wang, cô gái từng nghĩ đến việc tự tử vì mắc nợ, đã mượn tiền của bạn bè để trả bớt nợ và ngừng chi tiêu hoang. Cô hiện đã có công việc mới. và dự định sẽ đóng tài khoản Huabei, Jiebei ngay sau khi trả xong nợ.

"Sau khi dừng mua sắm, tôi nhận ra phần lớn tiền mình bỏ ra là để thỏa mãn bản thân chứ không phải do tôi thực sự cần thứ đó. Lòng tham của con người thật đáng sợ. May là tôi còn trẻ và vẫn còn thời gian để thay đổi", Wang chia sẻ.

Theo Zing