Ngày Trần Anh về với Thế giới di động không còn xa

VietTimes – CTCP Đầu tư Thế giới di động (HSX: MWG) vừa có công bố thông tin trên Sở Giao dịch chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HSX) về Nghị quyết thông qua việc MWG mua cổ phần của CTCP Bán lẻ An Khang và CTCP Thế giới số Trần Anh. Như vậy, MWG đã bước đến những công đoạn cuối cùng trong các thương vụ M&A của mình.
Ảnh minh họa (Nguồn: MWG)
Ảnh minh họa (Nguồn: MWG)

Mua lại chuỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm Phúc An Khang

Ngày 28/12/2017, HĐQT MWG đã có Nghị quyết thông qua việc MWG mua cổ phần của CTCP Bán lẻ An Khang (An Khang) từ các cổ đông hiện hữu của An Khang (Giao dịch mua An Khang).

Cụ thể, HĐQT của MWG đã thông qua việc ủy quyền cho ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và Người đại diện theo pháp luật của công ty, thực hiện các công việc như: (1) Quyết định nội dung các điều khoản và điều kiện cụ thể của các tài liệu giao dịch; (2) Ký kết, chuyển giao vào thực hiện các tài liệu giao dịch; (3) Ký kết và/hoặc chuyển giao tất cả các văn bản và thông báo sẽ được ký và/hoặc chuyển giao bởi công ty theo quy định tại hoặc có liên quan đến các tài liệu giao dịch; (4) Ký kết quyết định bổ nhiệm cá nhân làm người đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của MWG trong An Khang sau khi hoàn tất giao dịch mua An Khang; (5) Quyết định các vấn đề và thực hiện các hành động cần thiết khác để hoàn tất giao dịch mua An Khang.

Được biết, MWG không phải là công ty duy nhất đang tiến hành thâm nhập vào thị trường dược phẩm Việt Nam, vốn được xếp vào nhóm có tăng trưởng ngành dược cao nhất theo IMS Health.

Ở mảng sản xuất dược phẩm, Tổng Công ty Dược Việt Nam đã đầu tư vào Sanofi Việt Nam để triển khai nhà máy sản xuất hiện đại trị giá 75 triệu USD. Hay mới đấy là Công ty Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim chào mua công khai cổ phần của Dược Lâm Đồng, nâng tỷ lệ sở hữu từ 24% lên mức chi phối 51%.

Một trong những đối thủ cùng ngành khác của MWG là FPT Retail cũng đang tiến hành thử nghiệm với khoản đầu tư vào chuỗi của hàng Long Châu, dự kiến sẽ có trong cơ cấu doanh thu từ năm 2019.

Ngoài ra, cơ hội cũng đến từ việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang có kế hoạch thoái vốn khỏi một số các doanh nghiệp ngành dược cho đến năm 2020 như Dược Hậu Giang, Traphaco, Xuất nhập khẩu y tế Domesco...

Thay máu bộ máy của TAG

Tương tự thương vụ thâu tóm chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang, HĐQT cũng đã giao cho ông Nguyễn Đức Tài phụ trách các công việc tương tự đối với việc mua lại CTCP Thế giới số Trần Anh (HNX: TAG). 

Trước đó, ngày 26/12/2017, HĐQT của TAG cũng đã có Nghị quyết về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua nghị quyết của ĐHĐCĐ của TAG đối với các vấn đề có liên quan đến thương vụ M&A này. TAG dự kiến miễn nhiệm một loạt các vị trí trong HĐQT và Ban kiểm soát và thay thế bằng các cá nhân có liên quan đến MWG.

Cụ thể, nội dung lấy ý kiến cổ đông có liên quan đến thông qua số lượng thành viên HĐQT của TAG nhiệm kỳ 2017 – 2022 là 07 thành viên (giảm 1 thành viên so với hiện nay), trong đó số lượng thành viên HĐQT độc lập là 2 thành viên.

HĐQT của TAG cũng lấy ý kiến về việc thông qua miễn nhiệm ông Trần Xuân kiên khỏi vị Trí Chủ tịch HĐQT công ty nhiệm kỳ 2017 – 2022. Đồng thời thay thế các thành viên HĐQT của công ty hiện nay, bao gồm: bà Đỗ Thị Thu Hường, ông Okawa Yoshiteru, ông Noguchi Atshushi, ông Nghiêm Xuân Thắng, bà Đỗ Thị Kim Liên, ông Hoàng Anh Tuấn, ông Bùi Xuân Hùng.

Những người mới được bầu tiếp quản các vị trí này tại TAG là 5 lãnh đạo chủ chốt đến từ MWG là ông Trần Kinh Doanh (đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT), ông Trần Huy Thanh Tùng (đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT độc lập), ông Đặng Minh Lượm (đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT độc lập), ông Võ Hà Trung Tín (đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc) và ông Nguyễn Đức Tài.

Ông Võ Hà Trung Tín, được biết đến là đại diện pháp luật nhiều chi nhánh của MWG tại TP.HCM và từng nắm giữ chức vụ là Giám đốc bán hàng tại nhiều khu vực trên cả nước của Điện máy Xanh (chuỗi cửa hàng do MWG sở hữu). Ông Tín từng được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc của TAG vào đầu tháng 10/2017 trước đó.

Bên cạnh thay đổi các vị trí tại HĐQT, TAG cũng sẽ tiến hành thay máu toàn bộ nhân sự tại Ban kiểm soát.

Cụ thể, Ban Kiểm soát hiện nay bao gồm 3 thành viên cũng sẽ được lấy ý kiến cổ đông xem xét bỏ phiếu miễn nhiệm trong đợt lấy phiếu lần này là: bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, bà Vũ Thị Lê. Ở hướng ngược lại, 3 thành viên Ban Kiểm soát mới sẽ được bầu là ông Hoàng Hữu Hưng, ông Hoàng Xuân Thắng, bà Đỗ Thị Loan.

Tờ trình còn có các nội dung thông qua việc đổi công ty kiểm toán và lựa chon Công ty TNHH Ernst & Young để thực hiện việc kiểm toán theo quy định, bổ sung thêm nhiều ngành nghề mới, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của TAG để phù hợp hơn với hoạt động của Trần Anh sau sáp nhập với MWG.

Chưa rõ nội dung kết quả lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản của TAG, nhưng diễn biến gần đây cho thấy các lãnh đạo của TAG đã đồng ý sáp nhập với MWG. Ngày 28/12/2017, 6 thành viên trong HĐQT của TAG và người có liên quan đã đăng ký bán toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ tại TAG. Bên nhận chuyển nhượng dự kiến là MWG theo như Nghị quyết mà MWG đã công bố.

Được biết, hoạt động mua lại TAG của MWG đã được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) kết luận “không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh”.

Cục CT&BVNTD sẽ tiếp tục giám sát hoạt động cạnh tranh của Thế giới di động trên thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm điện máy gia dụng và thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm công nghệ thông tin (đối tượng giám sát là doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường) để kịp thời phát hiện và xử lý hành vi lạm dụng ví trí thống lĩnh thị trường của Thế giới di động (nếu có) theo quy định của pháp luật cạnh tranh.